Tuần qua, một vấn đề thời sự có sức thu hút, lôi kéo sự quan tâm của không chỉ người trẻ hay trung niên, mà cả những người lớn tuổi, không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, đã bàn tán rôm rả, vui có mà lo âu cũng có, đó là sự xuất hiện thêm một “tân binh” trong lĩnh vực buôn bán trực tuyến.
Dù sàn giao dịch đến từ Trung Quốc này liên tục tung ra các chính sách hấp dẫn người mua mới, các hình thức giới thiệu người mua, săn hàng giá rẻ… vô cùng sôi động, nhưng theo Bộ Công thương thì sàn này chưa hề đăng ký hoạt động chính thức tại Việt Nam, do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách vì không có hành lan pháp lý bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, trong một báo cáo mới đây đã cho biết thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 25%/năm. Cụ thể, hơn 61 triệu người Việt mua sắm trực tuyến và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD/năm. Số liệu này cho thấy Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (diễn ra từ 21.10 - 30.11.2024), nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận “cơn sốt” hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, vì vậy đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có các giải pháp hiệu quả, căn cơ, đi sát thực tế thị trường hơn.
Trên thực tế, các ứng dụng sàn thương mại điện tử như “cơn sóng thần” nhấn chìm hàng trong nước đã không còn là dự báo. Theo thống kê, hiện có 14 sàn thương mại điện tử hoạt động tại thị trường Việt Nam và khá quen thuộc với người dùng (Tiki, Shopee, Lazada, Sendo, TikTok, Amazon, Alibaba….); trong đó hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Thói quen mua sắm trực tuyến đã là xu thế và đang dần trở thành thói quen của người tiêu dùng trong nước.
Thương mại điện tử nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây mất công bằng trong kinh doanh và thất thu thuế. Và khi các loại hàng hóa không đóng thuế, hạ giá bán để ồ ạt vào Việt Nam sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị trường, dẫn đến cái “chết mòn” của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, bởi một lý do dễ hiểu là hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh được về giá cả và mẫu mã đối với hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam thì được lợi nhiều nhất là người tiêu dùng; thế nhưng, nhà sản xuất, kinh doanh trong nước thì lại chịu áp lực rất lớn. Chưa có giải pháp tối ưu nào trước xu thế mua sắm trực tuyến hiện nay.
Các nền tảng mua sắm trực tuyến giá rẻ thường khuyến khích số lượng mà chưa nhắm vào chất lượng đã góp phần thúc đẩy “văn hóa tiêu thụ”. Hậu quả là người dùng mua nhiều thứ mình chưa hoặc không cần, dẫn đến tích lũy hàng hóa dư thừa. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, làn sóng hàng giá rẻ sẽ là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trước hết vì rác thải không được kiểm soát. Và, thay vì chạy theo những lựa chọn giá rẻ, ngắn hạn, nên chăng cần ưu tiên tìm kiếm sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn và thân thiện
BÌNH MINH
Bình luận