Sáng nay, cầm cây chổi quét những lá cây rơi rụng đầy sân, chị bỗng cảm nhận không khí mát mẻ thoáng qua. Dừng tay, chị chợt nhớ, “gió chướng” đã về.
Sau những ngày gió mùa tây nam chiếm ngự, kèm những trận mưa rào xối xả, giờ đến lúc gió đông nam, hay gió chướng theo như người dân gọi, bắt đầu mang hơi mát từ biển vào. Cùng với gió chướng, cây cối, rau quả bắt đầu đâm hoa, kết quả. Trong đó, cây so đũa, thực phẩm khoái khẩu của mấy chú dê, phía trước hàng rào nhà chị đã phô bày những búp trắng tươi. Nhìn cây so đũa, chị bỗng thèm món canh chua da diết. Dùng cây sào nhỏ, chị kéo mấy cành so đũa, hái những hoa búp trắng ngần cho vào rổ, còn những hoa đã nở thì chọn kỹ, bởi vì chị rất sợ sâu. Hồi đó, mẹ chị bảo, hái bông so đũa phải hái từ sáng sớm, lúc hoa còn ngậm sương đêm mới ngon. Ngắt bỏ phần cuống và nhụy bên trong, lựa bỏ những cánh héo úa, mang đi rửa sạch, sẽ có một rổ bông trắng tươi đến tinh khiết, nhìn bắt mắt.
Cũng không thể thiếu lá me non, hoặc me chín, để nồi canh đúng nghĩa chua.
Thông thường khi gió chướng về, ngoài bông so đũa, lá me non ngoài vườn, số lượng tôm tép, cá linh non ở ngoài chợ cũng nhiều, tha hồ chọn lựa cho vào nồi canh cây nhà, lá vườn. Hôm nay, chị nấu với tép, những con tép con tươi rói mà bác Tư xóm trên mới cất vó mang đến mời mua ủng hộ.
***
Buổi trưa, khi nồi canh trên bếp bắt đầu tỏa mùi thơm thì một cuộc thảo luận về món canh chua bông so đũa diễn ra sôi nổi giữa “đầu bếp chính”, chồng và cô con gái. Chồng chị bảo, “canh chua này mà thiếu khóm thì bớt ngon”. Chị cãi lại: “Đã có lá me non, cũng dư chua rồi”. Cô con gái thì bàn: “Hay là mẹ cho thêm rau ngò, rau om nữa nhé!”. Đến nước chấm cũng đa dạng không kém. Anh bảo canh chua bông so đũa phải kèm nước mắm “sống” dầm ớt thiệt cay, chị lại kêu “cay quá mất hay”. Cô con gái kêu mẹ phải “mở kho” lấy ra hủ mắm tôm chà ra ăn mới đúng điệu…
Mắm tôm chà này chị đã bỏ công làm cách nay hơn tháng, đúng mùa nước lên, những con tôm đất lũ lượt đâm đầu vào hàng đáy hay vó của người dân. Đây là đặc sản nổi tiếng quê chị, nghe đâu từng là món ngự thiện của vua chúa ngoài cung đình Huế. Chị dự tính để đến Tết tụ họp đông đủ mới mang ra thưởng thức với bún, thịt luộc. Giờ nghe con gái nhắc, chị nghĩ: “Có mắm tôm chà thì món canh chua bông so đũa càng thêm đậm đà hương vị”.
Người chồng lập tức hưởng ứng, “Có mắm tôm chà nên bổ sung một xị ‘nước mắt quê hương’ mới đã”. Chị nguýt chồng, rồi cả nhà bật cười, cùng nhau thưởng thức bữa cơm quê.
Thiên Lý
Bình luận