Tôi “chạm ngõ” báo Công giáo và Dân tộc qua bàn tay của “ông mai” phụ trách trang Gia Đình. Anh có mặt trong buổi sinh hoạt chuyên đề của giới trẻ ở một giáo xứ vào tháng 5.2007, khi ấy tôi là diễn giả được mời đến trình bày một đề tài. Giờ giải lao, anh làm quen và ngỏ ý muốn “mời bác sĩ cộng tác với báo”. Sau buổi đó, báo CGvDT đã mở chuyên mục “Tư vấn tâm sinh lý” và tôi viết mỗi tuần một bài cho mục này dưới hình thức một bài hỏi - đáp xinh xắn, chừng 500 đến 600 từ.
Lúc đầu, những bài tư vấn có nội dung thuần túy chuyên môn, thậm chí chuyên môn sâu như một… phòng mạch trực tuyến về chuyện thầm kín. Người phụ trách trang gởi câu hỏi “thắc mắc biết hỏi ai” đến, bác sĩ Lan Hải trả lời. Chưa kể trong quá trình đi dạy học và thuyết trình các nơi của tôi, lượng câu hỏi từ các tham dự viên cũng góp cho chuyên mục thêm nhiều tình huống. Tuy nhuận bút khiêm tốn nhưng bù lại, người phụ trách trang rất ấm áp, thỉnh thoảng chị em hẹn cà phê trò chuyện, ngày lễ gởi thiệp mừng viết tay…
Rồi một ngày, anh phụ trách trang theo gia đình đi định cư ở nước ngoài, tôi được giới thiệu một người phụ trách mới, lần này là một nữ nhà báo. Chúng tôi tiếp tục hợp tác ăn ý và gắn bó. Để chuyên mục phong phú, có lúc tôi được tự do viết theo chủ đề về tâm lý mà không cần “câu hỏi”. Bài viết luôn được biên tập chỉn chu trong từng câu chữ, từng trích dẫn. Những bài trong chuyên mục tư vấn này đã trở thành chất liệu để tôi ra mắt được 2 cuốn sách “Long lanh như những giọt sương” vào năm 2009.
Nhờ làm việc với báo nhà, tôi được mời viết bài cho chuyên mục của các báo Phụ Nữ, Nhi Đồng, Tuổi trẻ, Thanh Niên…
Nhớ một năm tòa soạn báo tổ chức tiệc tất niên, tôi được diện kiến các linh mục, các anh chị em nhiều thế hệ của báo, cả các cộng tác viên. Mọi người tay bắt mặt mừng, vì trước giờ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, nay mới được chính thức làm quen, nâng ly rượu mừng. Đại diện Ban Biên tập đã giới thiệu từng gương mặt, tôi cũng được dịp biết thêm nhiều người. Rồi sau đó, vào những dịp họp mặt hằng năm như sinh nhật báo, tất niên…, tôi cũng hiện diện chung vui với tòa soạn.
Trong những lần đi dạy học hay thuyết trình đây đó, tôi rất ấn tượng khi bất chợt gặp gỡ tờ “báo nhà” tại nơi mình đến. Còn nhớ lần đầu tiên, tôi được cha xứ cho xe đón ra chia sẻ với bà con ở một giáo xứ ngoài Bà Rịa, nơi 500m là biển. Phòng khách của nhà xứ vắng teo, tôi nhìn quanh với giường cá nhân, chiếc quạt cũ, bàn mộc, bình trà đá…, rồi bất chợt gặp trên giá sách là những tờ tuần báo CGvDT. Ôi, tờ báo đã đi xa hơn bước chân của tôi. Lần kế theo, ra giáo phận Bắc Ninh làm hành trình phòng bệnh mùa hè và phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ cùng linh mục đặc trách về gia đình và một số tu sĩ. Ghé thăm nhà một bà cố có con trai đang tu một dòng trong Nam, thầy đặt báo tặng gia đình. Tuy báo đi đường bưu điện ra chậm vài hôm nhưng cả xóm luôn có báo đọc đều. Rồi lần nữa, sau dịch Covid, linh mục giám đốc Tập viện dòng Thánh Thể mời tôi lên Bảo Lộc chia sẻ vài ngày về các “bệnh nghề nghiệp” của chủng sinh. Trên đầu giường là những tờ báo CGvDT xếp ngay ngắn mà tập viện đặt cho các thầy đọc.
Tuần nào cũng viết báo và nộp bài là một công việc thú vị và cần mẫn. Nhờ đó mà tôi viết chắc tay hơn, từ những bài viết thuần túy chuyên môn thầy thuốc trị bệnh, tôi đã viết sang nội dung giáo dục trẻ thơ, mở rộng sang lĩnh vực tâm lý, chạm đến những suy tư về phận người…
Người ta nói bác sĩ viết báo đã là “trái tay”, đằng này viết được ngót nghét hai chục năm cho duy nhất một chuyên mục, chắc là… thuận luôn tay trái rồi! Hoa trái từ những bài đăng báo hàng tuần là bộ sách giáo dục giới tính mà Nhà Xuất Bản Phụ Nữ đã gom lại, in ấn và phát hành: Thì thầm chuyện nhỏ chuyện to, Vẽ đường cho hươu, Bí mật chuyện phòng the, Hòa hợp hôn nhân: buông hay giữ?
Tạ ơn Chúa! Đa tạ báo CGvDT. Xin thắp cây nến mừng sinh nhật báo, và khi tờ báo của chúng ta sáng lên, công việc và niềm vui của những người cộng tác với tờ báo cũng được bừng sáng niềm vui.
Ths-Bs LAN HẢI
Bình luận