Đối với dân tộc Việt Nam và một số dân tộc ở Đông Á, đêm nay là đêm đặc biệt nhất trong năm Âm lịch, được gọi là đêm trừ tịch (trừ : hoán đổi; tịch: đêm) hay đêm giao thừa, để chỉ giây phút chuyển giao giữa hai năm cũ và mới vào nửa đêm. Nhà nhà chuẩn bị đón giao thừa với tất cả sự trang trọng, kính cẩn; người người mặc bộ đồ đẹp nhất; bàn thờ tổ tiên được trang hoàng rực rỡ với mâm quả và hoa tươi. Khi giây phút giao thừa đến, người ta tập trung trước bàn thờ, thành kính thắp nén hương dâng lên ông bà tổ tiên mà họ tin rằng đang hiện diện bên con cháu. Sau đó, mọi người vui vẻ chúc nhau năm mới an khang, vạn sự như ý, ăn miếng bánh chưng, nếm ly rượu xuân, lì xì trẻ em… để mừng năm mới.
Đối với người Công giáo Việt Nam, giây phút giao thừa cũng được đón chào trân trọng với những tập tục trên, hơn thế, nhiều nơi còn cử hành thánh lễ giao thừa để tỏ lòng tri ân cảm tạ Chúa về một năm cũ sắp qua.
Tham dự thánh lễ giao thừa, chúng ta hãy mang lấy những tâm tình sau đây, rút ra từ các bài đọc Lời Chúa:
1. Bài đọc I giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là Chủ của thời gian, năm tháng, ngày giờ. Chính Ngài tạo dựng mọi sự và ban tặng cho con người hưởng dùng. Các nhà khoa học nhìn nhận trật tự lạ lùng trong sự vận hành của thái dương hệ, hằng hà tinh tú không đếm được xoay chuyển trong không gian từ bao triệu năm nay mà không va chạm nhau, không nhanh hơn cũng không chậm hơn, đến nỗi các nhà thiên văn có thể xác định, từ nhiều năm trước, hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, thời điểm mặt trời mọc hay lặn, sao chổi xuất hiện… chính xác đến từng giây phút. Nhận thức điều đó để chúng ta dâng lên Thiên Chúa là Chủ của vũ trụ và muôn vật muôn loài lời tôn vinh chúc tụng.
2. Trong dòng chảy của nhân sinh, tiếp nối hết thế hệ này đến thế hệ khác, từ năm trước sang năm sau…, chính Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, là Anpha và Omêga (Nguyên Thủy và Tận Cùng). Vì vậy, người Công giáo không dừng lại nơi ông bà tổ tiên như là nguồn cội của mình, để cầu nguyện với các ngài, nhưng hướng đến chính Đấng là Nguồn Sống, là Tạo Hóa, để cầu nguyện cho các ngài.
3. Trong bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”. Đón Năm Mới, ai nấy hân hoan vui mừng. Người Công giáo cùng hòa chung niềm vui với đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, niềm vui đó không đượm màu sắc tự nhiên mau qua của nhân thế, mà siêu nhiên của Nước Trời, là niềm vui của tình yêu và ân sủng. Niềm vui ấy được thể hiện không ở những lời cầu chúc tốt đẹp, sáo ngữ mà mọi người trao cho nhau, mà ở những lời cầu nguyện chân thành đầy phẩm hạnh như hiền hòa, quảng đại, chính trực… cho nhau.
4. Đón chào năm mới, con người vừa mừng lại vừa lo, bởi ý thức sự mong manh và bất lực của mình. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy người Công giáo đừng lo lắng cho tương lai. Mọi sự đã được Chúa quan phòng cả rồi, từ cơm ăn áo mặc đến sự sống thể lý ở trần gian, trong cuộc đời này. Ước gì chúng ta cảm nếm hạnh phúc được làm con Chúa, có Chúa là Cha để tin tưởng phó thác mọi sự cho Ngài. Ngài không bỏ rơi một con chim sẻ, một bông huệ nhỏ bé, thì làm sao Ngài có thể quên chúng ta. Thay vì lo lắng hoang mang, chúng ta hãy đặt niềm tín thác vào Chúa; thay vì tìm kiếm cơm ăn áo mặc, hãy tìm kiếm sự công chính của Ngài; thay vì sống tội lỗi, hãy sống thánh thiện.
Đứng trước khoảnh khắc giao thừa, có thể chúng ta cảm thấy nuối tiếc vì đã để phí thời gian, đã phạm bao tội lỗi, đã lỡ nhiều dịp để lập công. Thôi, chúng ta không nên than thân trách phận vì không thể lấy lại thời gian đã mất. Thay vào đó, hãy đón năm mới với những quyết tâm tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì năm Kỷ Hợi đã qua đi. Những gì chúng con đã làm được trong năm cũ, ân phúc hoặc tội lỗi, chúng con xin dâng lên Chúa.
Chúng con vui mừng đón chào năm Canh Tý sắp đến. Xin Chúa chúc lành cho năm mới này, để chúng con được sống trong tình yêu quan phòng của Chúa, trong niềm tin yêu phó thác mọi sự trong tay Chúa.
GIÁM MỤC ANPHONG NGUYỄN HỮU LONG - GP VINH
Bình luận