SÁM HỐI VỀ NHÂN BẢN, NỘI TÂM VÀ LO CHO NGƯỜI ĐAU KHỔ

1.

Mùa Chay kêu gọi tôi sám hối. Sám hối, mà tôi thực hiện mùa Chay này, được gợi ý bởi gương sáng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Gương sáng gây ấn tượng nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô từ một năm nay là cải cách cũng gọi là đổi mới. Đổi mới từ cách suy nghĩ, lối sống, đến việc điều hành và tổ chức cơ cấu.

Theo tôi hiểu, thì mọi đổi mới của Ngài đều nhắm mục đích làm nổi bật sự hiện diện yêu thương của Chúa Giêsu khó nghèo trong Hội Thánh và trong thế giới giữa một tình hình có nhiều sóng gió và bóng tối do quá nghiêng về vật chất.

Theo hướng đó, việc sám hối của tôi sẽ tóm gọn vào ba thú nhận khiêm nhường sau đây:

Sám hối Mùa Chay

2.

Thú nhận thứ nhất là khiêm nhường tuyên nhận mức độ yếu kém của tôi về sự hiểu biết những gì Chúa muốn tôi và Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay của tôi cần phải đổi mới.

Mức độ yếu kém nhất chính là không tha thiết gì lắm với đổi mới.

Thực vậy, xưa Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sống giữa một dân tộc sùng đạo Chúa, nhưng đã biến chất một cách quá sâu rộng. Người muốn đổi mới. Nhưng rất nhiều người hồi đó đã không đón nhận chương trình đổi mới của Người. Họ không thấy cần đổi mới. Họ không muốn đổi mới. Nếu đổi mới, thì phải đổi mới theo ý họ.

Nhiều người dửng dưng với đổi mới. Nhiều người ra mặt chống lại đổi mới. Nguyên do chung của những dửng dưng và chống đối đó là vì họ bị khống chế bởi tội lỗi, bởi những lực lượng tăm tối và gian dối của xác thịt và thế gian, bị ma quỷ trói buộc, bị các thứ sự chết trong tâm hồn từ chối.

Thiết tưởng, những gì đã xảy ra thời đó cũng đang xảy ra hôm nay, cách này cách khác, không nhiều thì ít. Biết đâu cảnh đau buồn đó cũng đang xảy ra ngay trong bản thân tôi và ngay trong nhiều cộng đoàn đức tin tại Việt Nam lúc này.

Một điều tôi cho là rất nguy hiểm trong nhiều người đổi mới hiện nay là chỉ nhắm vào người khác, chứ không nhắm vào bản thân mình. Hoặc có nhìn vào bản thân mình, thì lại với mục đích mình phải thắng người khác. Cũng là rất nguy hiểm khi đổi mới chỉ nhắm vào những gì là bề ngoài.

3.

Khi tôi thực sự khao khát đổi mới bản thân mình và cầu nguyện, thì tôi được thánh Phêrô tông đồ dạy là hãy coi đổi mới nhân bản là quan trọng. Ngài viết: “Anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” (2Pr 1,5-7).

Nhờ những lời dạy trên đây của thánh Phêrô tông đồ, tôi hiểu là tôi nên làm chứng cho đức tin và cho Đức Kitô của tôi qua những đức tính kể trên. Những đức tính kể trên có thể gọi là nhân bản, thuộc đạo làm người. Để những đức tính ấy được giàu những giá trị thiêng liêng, người ta phải phấn đấu rất nhiều, phải rèn luyện rất nhiều.

Sám hối Mùa Chay 1

4.

Nhìn lại đời tôi với nhiều hoàn cảnh phức tạp, tôi vui mừng đã gặp được những người có các đức tính nhân bản trong sáng. Qua họ, tôi đã gặp được Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót. Nhờ vậy, tôi hiểu việc đổi mới mà Chúa muốn hôm nay, là hãy bắt đầu từ đổi mới nhân bản.

Tôi cảm tạ Chúa về chỉ dẫn đó. Nhưng rất có thể, tôi vẫn chưa biết đủ và biết đúng về chương trình đổi mới, mà Chúa muốn tôi và các cộng đoàn đức tin của tôi tại Việt Nam hôm nay cần thực hiện. Tôi khiêm nhường thú nhận những giới hạn đó của tôi. Đó là thú nhận thứ nhất.

5.

Thú nhận thứ hai là khiêm nhường tuyên nhận mình rất yếu đuối về đời sống nội tâm, khó có đủ sức thực thi đổi mới như Chúa muốn.

6.

Tôi yếu đuối lắm. Nên rất nhiều lần, khi chiến đấu nội tâm, tôi đã phải nói như thánh Phaolô: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19).

7.

Tôi yếu đuối lắm. Nên, rất nhiều lần, tôi đã phải cương quyết nói với chính mình, “Đừng chủ quan. Không chừng mình cũng vào số những người kinh sư và Pharisêu xưa, mà Chúa Giêsu đã cảnh cáo một cách nặng nề” (x. Mt 23,12-32).

8.

Tôi yếu đuối lắm. Nên, rất nhiều lần, tôi đã lo sợ cho chính mình tôi, biết đâu tôi không phần nào giống người Pharisêu cầu nguyện trong đền thờ, bên cạnh người thu thuế. Nhưng người thu thuế thì được Chúa xót thương. Còn người Pharisêu thì bị Chúa ruồng bỏ. Bởi vì người Pharisêu này kiêu ngạo phô trương. (x. Lc 18,9-14).

9.

Tôi yếu đuối lắm. Nên, rất nhiều lần, tôi lo sợ cho chính mình tôi, không chắc tôi có thực sự không phải là thầy tư tế và thầy Lêvi mà Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn “người Samari tốt lành”. Họ đã khôn khéo tránh né cứu giúp kẻ khốn cùng bị thương nằm bên vệ đường (x. Lc 10,29-37).

10.

Tôi yếu đuối lắm. Nên, rất nhiều lần, tôi đã nhủ lòng mình rằng: Đừng vội tin vào lòng biết ơn của mình và của những người thuộc về mình. Biết đâu, lại không xảy ra cảnh vô ơn cay đắng và trắng trợn, như cảnh xưa trong số 10 người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người ngoại giáo trở lại cảm ơn Chúa (x. Lc 17,11-19).

11.

Tôi yếu đuối lắm. Nên, rất nhiều lần, tôi cảnh cáo tôi: Hãy nhớ lại việc các tông đồ Chúa Giêsu đã tìm an phận, bỏ trốn và chối Chúa, trong đêm Chúa Giêsu bị bắt (x. Mc 14,48-52). Biết đâu tôi cũng vậy.

Thú nhận sự yếu đuối của mình về đời sống nội tâm nghèo nàn mỏng manh là thú nhận thứ hai. Thú nhận này dẫn đưa tới việc phải tăng cường đồi mới nội tâm nhiều hơn nữa.

12.

Thú nhận thứ ba là tuyên nhận sự chểnh mảng không chịu cầu xin ơn Chúa giúp.

Chúa Giêsu đã quả quyết các môn đệ: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Tôi biết lời Chúa đó là sự thực giải thoát tôi. Nhưng biết bao lần, tôi đã không tìm cách đón nhận ơn Chúa, nhất là đón nhận bằng cầu nguyện, chịu phép giải tội, lui tới Thánh Thể.

Tôi thường hay để ý đến việc mến Chúa và yêu người. Sống tình yêu coi như dễ. Nhưng thực tế cho thấy không dễ chút nào. Tôi rất cần ơn Chúa giúp, để có thể mến Chúa theo ý Chúa, và yêu người theo ý Chúa. Ý Chúa nhiều khi rất khác ý của loài người. Nếu không được Thánh Thần Chúa giúp, tôi sẽ rất có thể có những quyết định sai lầm về mến Chúa yêu người. Vì thế, tôi sám hối, xin Chúa đổi mới nội tâm của tôi thực nhiều hơn nữa.

13.

Với ba thú nhận trên đây, tôi đặt trái tim tôi vào Trái Tim Chúa Giêsu và cầu nguyện như một trẻ thơ: “Cha ơi, xin Cha xót thương con”.

Chúa xót thương tôi bằng sự Chúa cho tôi lúc này cảm nhận được sâu sắc những đau khổ của biết bao đồng bào, và biết quan tâm nhiều hơn đến những cách từ thiện do các người tốt xa gần đang nhiệt tâm thực hiện. Họ lo cho người đau khổ với những việc làm cụ thể và quảng đại. Họ thuộc về nhiều tín ngưỡng khác nhau. Nhìn thấy những việc từ thiện họ đang làm cho người đau khổ, tôi hiểu là Nước Trời đang đến với mọi người thiện chí. Tôi học được nơi họ nhiều điều tốt.

14.

Vì vậy, nhờ ơn Chúa, tôi quyết tâm dốc lòng sống nhân bản tốt hơn, sống nội tâm tốt hơn và lo cho người đau khổ nhiều hơn. Tôi coi đó chính là một sự đổi mới rất đẹp lòng Chúa, thích hợp với việc làm chứng cho Chúa trong tình hình Việt Nam hôm nay.

Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa. Xin cộng đoàn thương đỡ nâng tôi, bằng sự cảm thông và lời cầu nguyện, nhất là vì Chúa đang thực hiện việc đổi mới tôi một cách âm thầm, qua mầu nhiệm thánh giá.

Long Xuyên, ngày 01 tháng 3 năm 2014

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Những kẻ cứng lòng
Những kẻ cứng lòng
Điều mà đoạn văn trên đây làm tôi sợ hãi là: Ngay trước khi sai nhóm Mười Một đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khiển trách các ông là những kẻ cứng lòng.
Lòng thương xót là lương thực hằng ngày
Lòng thương xót là lương thực hằng ngày
Kinh Lạy Cha có câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Câu đó tôi thuộc lòng từ nhỏ. Có thể nói: Chính lời cầu đó đã trở thành lương thực hằng ngày của tôi.
Chúa Phục Sinh đã đến với tôi
Chúa Phục Sinh đã đến với tôi
Một niềm vui tôi định giấu, nhưng Chúa dạy tôi là nên nói ra, đó là sự kiện Chúa Phục Sinh đến với tôi.
Những kẻ cứng lòng
Những kẻ cứng lòng
Điều mà đoạn văn trên đây làm tôi sợ hãi là: Ngay trước khi sai nhóm Mười Một đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khiển trách các ông là những kẻ cứng lòng.
Lòng thương xót là lương thực hằng ngày
Lòng thương xót là lương thực hằng ngày
Kinh Lạy Cha có câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Câu đó tôi thuộc lòng từ nhỏ. Có thể nói: Chính lời cầu đó đã trở thành lương thực hằng ngày của tôi.
Chúa Phục Sinh đã đến với tôi
Chúa Phục Sinh đã đến với tôi
Một niềm vui tôi định giấu, nhưng Chúa dạy tôi là nên nói ra, đó là sự kiện Chúa Phục Sinh đến với tôi.
Ðức Mẹ thúc giục tôi nhắc nhớ sứ điệp sám hối
Ðức Mẹ thúc giục tôi nhắc nhớ sứ điệp sám hối
Thời sự Giáo hội hiện nay đặt nặng trách nhiệm cảnh báo những thách đố sắp tới, và con cái Giáo hội là chúng ta không thể dửng dưng.
Tham dự tích cực vào cuộc thương khó của Chúa cứu thế
Tham dự tích cực vào cuộc thương khó của Chúa cứu thế
Khi được gọi nhận chức thánh linh mục cũng như khi vâng lời nhận chức vụ Giám mục, tôi tự nhiên nghĩ ngay đến sự tôi sẽ tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Tâm tình
Tâm tình
Bước vào tuổi 98, tôi thấy mình đang trên đường trở về với Chúa. Tôi hỏi Đức Mẹ dịp này tôi nên có tâm tình thế nào mỗi khi nhìn lại một năm?
Bình an nội tâm
Bình an nội tâm
Những ngày gần đây, tôi được nhiều người yêu thương đến thăm hỏi và cầu chúc cho tôi những điều tốt đẹp.
Xin cho được vững tin
Xin cho được vững tin
Bên cạnh những tất bật trong năm mới với những điều vui, cũng đang diễn ra những lo lắng.
Bình an nội tâm
Bình an nội tâm
Những ngày gần đây, tôi cũng được nhiều người yêu thương đến thăm hỏi và cầu chúc cho tôi những điều tốt đẹp.