Bốn mươi chín năm nhìn lại, không biết tình cờ thế nào mà tôi lại tìm vào kho tư liệu báo CGvDT cũ, và các bìa báo đã khơi gợi trong tôi sự tò mò về “vẻ ngoài” của một ấn phẩm báo in đã trải qua gần nửa thế kỷ với 2450 số báo tuần cùng hàng trăm số nguyệt san.
Thời gian đầu, phòng thiết kế của CGvDT có điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đảm nhận khâu trình bày báo. Nhưng ông gắn bó không lâu lắm. Kế đến là ông Đỗ Xuân Cung với lối trình bày mới mẻ đã giúp tờ báo có tiếng vang trong làng báo giấy lúc bấy giờ. Năm 1980, họa sĩ thiết kế Đỗ Xuân Cung sang Mỹ định cư và người tiếp nối là họa sĩ Nguyễn Mạnh Hà (với bút danh Nguyễn Hà), làm việc liên tục đến khi nghỉ hưu vào năm 2015. Từ mốc 2015 cho đến nay, người phụ trách phòng thiết kế và trình bày chính báo CGvDT là một người thuộc thế hệ đầu 9x: anh Phạm Nguyễn Trùng Dương, dưới sự cố vấn của họa sĩ tiền bối Nguyễn Hà.
Lục tìm trong phòng tư liệu lưu trữ báo cũ với số lượng báo CGvDT khổng lồ của gần nửa thế kỷ điều đặn xuất bản, tôi có thể tạm hình dung, rút ra một vài điểm nhỏ khi lần giở, quan sát lại những gì mà các thế hệ gắn bó với tờ CGvDT để lại.
Về khổ báo, từ số báo đầu tiên đề ngày 10.7.1975 cho đến số 753 ra ngày 22.4.1990, báo được in trên khổ lớn A3, và với định dạng này, hầu như không có bìa báo mà chỉ có trang 1. Tới số báo 754 ra ngày 29.4.1990, CGvDT bắt đầu chuyển qua khổ nhỏ A4 như hiện nay. Số trang báo cũng có sự thay đổi từ 16 trang giai đoạn đầu ra mắt, rồi có thời điểm giữ 8 trang ở khổ lớn, rồi lại có quãng thời gian trở lại in 16 rồi tăng thành 24 trang ở khổ nhỏ, cho đến sau này là duy trì số trang là 48 chưa tính 4 trang bìa. Số trang này ở mỗi số đặc biệt cũng có ít nhiều thay đổi, tăng trang ít nhiều tuỳ theo năm, thường là tăng lên 96 trang ruột.
Ở định dạng khổ mới, bìa báo bắt đầu được hình thành rõ nét. Lục lại gần 1000 số báo đầu, theo quan sát thống kê, có thể lấy số báo Giáng Sinh 1990 làm mốc cho sự thay đổi rõ nét so với thời gian trước đó về bìa. Các vị tiền bối ở tòa soạn cho biết chính từ mốc này, việc trình bày báo không còn đơn giản chỉ dàn trang, mời hoạ sĩ vẽ minh hoạ…, mà chính thức bước vào thiết kế bìa, trình bày trang báo… Thật ra trước đó, từ năm 1976, vào các dịp đặc biệt như Giáng Sinh, Xuân hay sinh nhật báo..., phần trang 1 đã được dành hẳn cho họa sĩ thiết kế trình bày như một bìa báo, nhưng không thường xuyên. Ví dụ ảnh bìa số Xuân Ất Sửu 1985 với bức ảnh nghệ thuật của tác giả Thọ Mai, hay ảnh bìa số Giáng Sinh 1984 có hình Đức Mẹ bồng Chúa Hài đồng…
Thiết kế bìa báo cũng có những điểm nhấn riêng, tạo nên sự liên tục, liền mạch qua các thời kỳ. Ví dụ suốt 5 năm tính từ số báo mừng kỷ niệm 20 năm ra mắt bạn dọc (số báo 1016-1017) ra năm 1995 đã bắt đầu sử dụng Măng-sét của báo in nền chìm phủ kín tờ bìa cho đến số báo 1214 ra năm 1999 mới kết thúc. Có giai đoạn, việc thiết kế bìa báo chuộng dàn tràn một hình chính duy nhất, nhưng có thời gian lại ưa lối chèn nhiều ảnh nhỏ… Điều này ngoài tùy thuộc chủ trương của Ban Biên tập; sở thích và mắt thẩm mỹ của người thiết kế; cũng còn có sự ảnh hưởng của xu hướng mỹ thuật đương thời…
Chủ đề ảnh bìa cũng khá đa dạng, với sự góp mặt của cả ảnh chụp chân dung, ảnh nghệ thuật, sự kiện, sinh hoạt tôn giáo, phong cảnh, cảnh lao động, tranh vẽ…, đặc biệt là một số không nhỏ là tượng ảnh Công giáo, ảnh nhà thờ. Nội dung các hoạt động phản ảnh trên bìa diễn ra cả trong và ngoài nước, tranh ảnh tượng cũng được vẽ theo nhiều phong cách, Tây - Ta có đủ.
Dường như ảnh chụp nhà thờ và tranh ảnh Công giáo chiếm số lượng lớn nhất trong các ảnh bìa. Điều này cũng để lại nhiều câu chuyện thú vị trong ngày cũ, khi tranh ảnh Chúa, Mẹ, các Thánh thị trường in ấn chưa nhiều. Lúc đó, độc giả khi đọc xong báo thường lấy tranh bìa cắt ra và dán trong sổ, trên tường nhà, hoặc lồng vào khung làm tranh thờ. Cũng có người lại cẩn thận cất giữ bìa nào có in hình nội dung như thế, không dám bán ve chai hoặc dùng báo gói hàng hóa, do sợ không đủ sự tôn trọng…
Có một thời kỳ dài những năm 90 của thế kỷ trước, các ảnh bìa của báo xuất hiện nhiều ảnh chụp làng nghề, ảnh mưu sinh. Đây là thời điểm báo phát triển thêm mục phóng sự, ghi nhận xã hội…và tạo được nhiều tiếng vang; đó cũng là giai đoạn báo CGvDT cổ vũ mạnh mẽ sự dấn thân của người Công giáo và sự phát triển xã hội, thăng tiến con người.
Về nguồn ảnh bìa thì rất đa dạng, cả ảnh “tĩnh” từ các nguồn lấy trong kho tàng tượng - tranh - ảnh Công giáo, lẫn ảnh “động” khi có thêm sự cộng tác của cộng tác viên ảnh hay phóng viên khi đi thực hiện bài viết trực tiếp chụp.
Có một điểm chung là ảnh bìa mỗi số báo đều được lựa chọn không chỉ trên tiêu chí đẹp mà là tính thời sự và sự phù hợp với tổng thể chủ đề, nội dung các bài viết trong mỗi số báo. Số bìa báo mang tính trừu tượng rất ít được sử dụng. Nhiều tờ báo cũ bây giờ xem lại vẫn không thấy cảm giác “cũ” vì lối trình bày cùng cách truyền tải các vấn đề vẫn thời sự…
Chắc hẳn vẫn còn nhiều nữa những điều đặc biệt từ những gì mà phòng thiết kế báo đã thể hiện gần 2450 số báo tuần và hàng trăm số nguyệt san trong 49 năm qua, nhưng với khuôn khổ của bài viết nhỏ, xin được tạm điểm lại đôi dòng về “vẻ ngoài” của Công giáo và Dân tộc, như một chút tổng kết công việc thiết kế - trình bày báo, sau hành trình 49 năm.
SONG MINH
Bình luận