Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa công bố phở Nam Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quyết định này không chỉ ghi nhận giá trị văn hóa độc đáo của món phở truyền thống, mà còn mở ra cơ hội lớn cho việc bảo tồn và phát triển di sản ẩm thực Việt Nam. Việc này là niềm tự hào, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong việc quảng bá du lịch, ẩm thực và văn hóa Việt. Những món ăn ngon, mang đặc trưng văn hóa vùng miền là một điều kiện để kích cầu và hấp dẫn du khách nơi khác.
Nhìn vào thực tế, ăn uống là thói quen văn hóa, với mỗi địa phương, bát phở đều mang theo những hương vị riêng biệt mà không dễ gì so sánh. Ngon chỉ là một tiêu chí quan trọng để đưa phở vào danh mục tôn vinh, vì bên cạnh đó còn là nghề nghiệp, tri thức dân gian, kỹ năng, kỹ thuật chế biến được truyền từ đời này sang đời khác, đã giúp món ăn này trở thành một phần của văn hóa Việt Nam.
Vậy, điều gì làm nên một bát phở ngon? Đối với nhiều người, đó không chỉ là sự hòa quyện giữa bánh phở, thịt và nước dùng. Cái ngon còn nằm ở không gian quán, thái độ của người chủ, và những câu chuyện đằng sau nó. Mỗi trải nghiệm thưởng thức đều là duy nhất và mang lại những ký ức đáng nhớ. Phở, hơn cả một món ăn, là chất dẫn văn hóa, kết nối cộng đồng và đánh thức những suy tư hoài niệm. Bởi vậy mà tranh luận, bình phẩm về việc phở ở đâu ngon nhất có thể sẽ không bao giờ chấm dứt.
Đằng sau câu chuyện tôn vinh với danh hiệu phở của Nam Định là gì? Chắc chắn không chỉ ngành văn hóa mà chính những người trong nghề sẽ ý thức hơn việc duy trì, bảo tồn, phát triển thương hiệu của mình, nhất là việc đảm bảo tính nguyên bản và chất lượng của món ăn vẫn là điều quan trọng. Từ nay, thương hiệu “phở Nam Định” có nguy cơ bị sao chép hoặc biến tướng khi nhiều quán trên khắp Việt Nam sử dụng tên gọi này để thu hút khách hàng, dù không giữ được những yếu tố tinh túy của món gốc.Do đó, cần xác định việc giữ gìn thương hiệu không chỉ nằm ở việc bảo vệ một món ăn, mà còn là phải duy trì các giá trị văn hóa dân tộc.
Ngô Quốc Đông
Bình luận