Năm nay, điểm chuẩn vào các ngành của trường Đại học Sư phạm Hà Nội tăng cao kỷ lục, gây xôn xao dư luận. Các ngành như ngữ văn, lịch sử có điểm chuẩn lên đến 29.3, mức điểm cao chưa từng có từ trước đến nay. Điều này khiến nhiều thí sinh dù có thành tích xuất sắc vẫn không đủ điều kiện trúng tuyển nếu không có điểm ưu tiên hoặc khuyến khích. Một số ngành khác như sư phạm âm nhạc và sinh học cũng tăng mạnh về điểm chuẩn.
Không chỉ riêng khối ngành sư phạm, tại các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học KHXH&NV TPHCM, điểm chuẩn các ngành báo chí, truyền thông, quan hệ công chúng, tâm lý học... cũng tăng mạnh, khiến nhiều thí sinh đạt 27-28 điểm vẫn không thể trúng tuyển nguyện vọng 1.
Phải chăng, điểm chuẩn vào một số ngành đại học năm nay quá cao với khối C00, đang phản ánh một hiện tượng “siêu lạm phát” điểm số? Liệu chất lượng giáo dục và đầu vào của nhiều trường có tỷ lệ thuận với điểm số cao vọt? Vì theo lẽ thông thường, điểm cao phải là những người học giỏi. Nhìn vào thực tế năm nay thì điểm số và chất lượng thí sinh chưa phải đã liên quan mật thiết với nhau. Sở dĩ điểm số cao vì đã có một lượng thí sinh trúng đại học nhờ phương thức xét tuyển học bạ hoặc qua điểm số đánh giá năng lực, vì vậy chỉ tiêu vào đại học bằng con đường thi tuyển đương nhiên bị thu hẹp lại. Hơn nữa, kỳ thi THPT năm 2024, lượng thí sinh đăng ký khối C00 cũng tăng nhiều hơn năm trước, dẫn đến cạnh tranh cao.
Điểm chuẩn tăng cao còn cho thấy một vấn đề khác, đó là đề thi không đủ câu hỏi phân loại học sinh. Phần lớn là các câu hỏi mà một thí sinh học trung bình đều có thể làm tốt. Việc dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, dẫn đến đề thi trở nên dễ hơn, không đủ khả năng phân biệt giữa học sinh xuất sắc và trung bình.
Bên cạnh đó, từ khi thực hiện kỳ thi “hai trong một” là tốt nghiệp THPT lấy điểm xét vào đại học, hiện tượng học “chạy theo điểm” đã thành một thói quen của nhiều trường lớp. Khi đó, cả thầy và trò chỉ tập trung vào kỹ năng phân tích đề, luyện thành thạo các ma trận câu hỏi, các mẹo làm bài thi, nhằm tối ưu điểm số. Lối ôn luyện này không làm học sinh đào sâu suy nghĩ và khuyến khích thực học, mà chủ yếu thiên về kiến thức cơ bản và các kỹ năng để đạt điểm, làm giảm giá trị của các kỳ thi và biến chúng thành cuộc đua điểm số hơn là công cụ đánh giá năng lực học sinh, phân loại thí sinh.
Khi điểm chuẩn cao không phản ánh chính xác năng lực học sinh, có lẽ đã đến lúc ngành giáo dục cần xem xét lại tính hợp lý của các kỳ thi và phương thức tuyển sinh hiện tại. Để đảm bảo công bằng và hiệu quả, nên chăng điều chỉnh lại cách ra đề thi, phương thức xét tuyển và cách đánh giá năng lực học sinh. Hơn nữa, cũng cần cân nhắc lại chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên từng phương thức, nhằm tránh tình trạng bất công; đồng thời cải thiện chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam.
Ngô Quốc Đông
Bình luận