Ðạo diễn người Pháp gốc Việt Florence Trần đã có hai năm tiếp xúc và quan sát các chuyên gia về khảo cổ, pháp y… để thực hiện phim tài liệu “Ðiều tra về những báu vật chôn dưới nhà thờ Ðức Bà Paris”, vừa được phát trên Ðài Truyền hình Arte. Chị đã kể lại hành trình rất đáng nhớ này với Công giáo và Dân tộc.
Tôi được nhà sản xuất phim gợi ý thực hiện phim tài liệu này vì trước đây, tôi đã từng là đạo diễn của nhiều phim tài liệu về khảo cổ, đặc biệt là ở Ai Cập. Xem một số hình ảnh từ các địa điểm khai quật bên trong nhà thờ Đức Bà Paris, với các quan tài bằng chì, và các mẩu tượng, đá, từ vách ngăn cung thánh tôi đã biết mình sẽ khó mà từ chối lời đề nghị, dù tôi biết rằng, thực tế sẽ có nhiều khó khăn chờ đợi. Notre Dame có hơn 850 năm lịch sử của Pháp. Vụ hỏa hoạn đã giúp chúng ta nhìn ở những góc độ khác biệt để tái khám phá và hiểu hơn về công trình. Theo sát một phần của quá trình khai quật và nghiên cứu, phân tích các “vết tích thời gian” của các tiền nhân cũng như của nghệ thuật cổ xưa, đã hoàn toàn cuốn hút tôi.
Tôi và các cộng sự đã có 5 ngày với các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Pháp y khi họ mở hai quan tài bằng chì đào được ở khu vực cung thánh của nhà thờ Đức Bà Paris. Các bác sĩ pháp y đã nghiên cứu hai bộ hài cốt trong đó. Một bộ là của linh mục Antoine de La Porte - xác định được danh tánh ngay vì trên quan tài có ghi rõ họ tên. Cha qua đời vào năm 1710. Bộ hài cốt còn lại của một người “vô danh”, vì không có bất kỳ thông tin gì được tìm thấy trên quan tài. Qua những xét nghiệm, phân tích, các bác sĩ pháp y xác định được người này sống vào thế kỷ XVI. Việc điều tra “người vô danh” đã giúp chúng tôi ngược dòng lịch sử về giai đoạn mà nước Pháp trải qua những biến động, với những xung đột dân sự và tôn giáo. Tôi đã có trải nghiệm khó quên khi ghi hình tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia và phát hiện ra những ghi chép ngày xưa của các vị linh mục ở nhà thờ Đức Bà Paris vào các cuộc họp 3 lần hằng tuần. Những tài liệu tại cơ quan này cũng là những kho báu thật sự, có thể tìm ở đây ký ức và bản sắc của một quốc gia.
Về tàn tích còn lại của vách ngăn cung thánh, tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy những phần đầu của các bức tượng với đầy đủ những màu sắc đặc trưng của thời Trung Cổ. Nghệ thuật Gothic thật tuyệt vời. Các mảnh vỡ của vách ngăn đã được chôn một cách cẩn thận và đầy tôn kính. Những tàn tích này, cùng với những quan tài khai quật được trong quá trình phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris đã kể lại một giai đoạn lịch sử, đặc biệt là các thế kỷ XVI và XVII, thời kỳ mà những chuyển biến về văn hóa, nghệ thuật, khoa học đã mở đường cho những câu hỏi rất sắc như thực hành đức tin thế nào, làm sao cầu nguyện với Chúa…
LAN CHI thực hiện.
Bình luận