Các nghệ nhân, thợ thủ công, chuyên viên, kỹ thuật viên… đã góp công sức để nhà thờ Ðức Bà Paris mở cửa trở lại, nhưng chính Notre Dame cũng mở toang cánh cửa để công chúng được biết về họ và những ngành nghề tưởng chừng đã thất truyền.
![Nho Notre Dame.webp (44 KB)](https://cgvdt.vn/files/ckfinder/images/2024/CGTG/2472/Nho%20Notre%20Dame.webp)
Di sản văn hóa phi vật thể
Cô Zoé Roux là một nghệ nhân chuyên về phục chế những họa tiết bằng sắt ở các công trình kiến trúc. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng vì ngày nay tại Pháp không có nhiều người theo nghề “lạ lùng” này nên Zoé đã có dịp làm việc tại nhiều di tích lịch sử. Tuy vậy, với cô cũng như nhiều đồng nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau đã tham gia “công trình thế kỷ”, thì được “chữa lành vết thương” cho nhà thờ Đức Bà Paris là một vinh hạnh không gì sánh được. Cô giải thích với báo La Croix về động tác tỉ mẩn của mình ở lan can của ngôi thánh đường: “Phải hút hết bụi, có cả bụi chì, sau đó, tôi tìm dung dịch phù hợp, với liều lượng chính xác để làm sạch hoàn toàn. Dù rằng các họa tiết của lan can không bị hư hại sau vụ cháy nhưng rất dơ. Chúng tôi giúp các tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ này một lần nữa lại sáng bóng như được hồi xuân”.
Với 250 công ty lớn, nhỏ cùng tham gia, công trường Notre Dame “có thể xem là một cuộc triển lãm về nghề thủ công, nghề cổ truyền của Pháp”, ông Pascal Payen Appenzeller nhận định. Ông là người sáng lập Hội Động tác vàng, chuyên về quảng bá các nghề liên quan đến xây dựng và kiến trúc. “Cuộc triển lãm” đặc biệt này đã mang đến nhiều tác động tích cực. Trong tháng 12, Bộ Văn hóa Pháp sẽ nộp đơn đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận nghề đắp hoa văn và nghề phủ kẽm chống thấm (chủ yếu cho các mái nhà) là di sản văn hóa phi vật thể.
“Những gì mà chúng tôi phối hợp thực hiện ở nhà thờ Đức Bà Paris là ngoại hạng cả về quy mô lẫn tính phức tạp, đó là chưa kể áp lực phải hoàn thành đúng tiến độ”, ông Nicolas Bossard, Giám đốc kỹ thuật Balas, công ty gia đình chuyên về sản xuất ống chì nhỏ dùng cho khung mái, được thành lập vào năm 1804. Công ty của ông Bossard không làm việc ở công trường của nhà thờ mà tại xưởng của gia đình ở thị trấn Gennevilliers, vùng ngoại ô Hauts de Seine, tây bắc Paris. Tổng cộng, Balas đã sản xuất 1.800 ống chì nhỏ, với nhiều kích thước khác nhau để phù hợp với khung mái bằng gỗ được xây dựng lại như nguyên mẫu thời Trung Cổ.
![phucdung.webp (25 KB)](https://cgvdt.vn/files/ckfinder/images/2024/CGTG/2472/phucdung.webp)
Đòn bẩy cho nghề thủ công
Nhờ nhà thờ Đức Bà Paris, rất nhiều ngành nghề đã được các báo đài nhắc tới, giúp thu hút thêm nhiều bạn trẻ vẫn còn đang lưỡng lự trong định hướng cho tương lai. “Một số nghề, nhất là những nghề liên quan đến nghệ thuật, xây dựng và kiến trúc có vẻ đã nhận được hiệu ứng tích cực từ Notre Dame”, bà Catherine Elie, Học viện Cao cấp về nghề, nhận xét với tờ La Croix. Ở nghề đẽo đá, số lượng thợ học việc tại Pháp đã tăng từ 180 người trong năm học 2018-2019 lên 250 người trong năm học 2022-2023. Ở nghề chế tác hoa văn từ sắt, số lượng tăng từ 60 lên 100. Nghề mộc - vốn thường xuyên được nhắc đến trong những chương trình của các báo đài về công trình xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris, số lượng thợ học việc trong cùng các giai đoạn nói trên tăng từ 1.970 lên 2.840. “Nghề này đang ngày càng thu hút các bạn trẻ”, bà Elie lạc quan.
Điều thú vị là không chỉ mở ra cánh cửa đến với công chúng, mà nhà thờ Đức Bà Paris còn mở cánh cửa để các công ty cùng lãnh vực hoặc khác lãnh vực đến với nhau, hiểu về nhau và làm việc cùng nhau. Đây không hề là điều dễ dàng vì trong nhiều trường hợp, có những công ty vốn là đối thủ cạnh tranh, lại trở thành đối tác tại công trường Notre Dame. Theo ông François Asselin, Giám đốc một cơ sở mộc đã tham gia chế tác gỗ cho tháp Mũi Tên, “đến với nhà thờ Đức Bà là đến với sự chia sẻ, và chúng tôi phải vượt lên chính mình để vì lợi ích chung”. Còn ông Nicolas Bossard thì nêu một con số thú vị: “Liên quan đến hạng mục chống thấm ở mái nhà, 90% số những công ty chuyên về lãnh vực này ở Pháp đã cùng làm việc tại Notre Dame. Đây là điều chưa từng thấy!”.
![]() |
LAN CHI
Bình luận