“Notre Dame” như một cuốn cổ thư sống động của nước Pháp. Trong dịp khánh thành công trình phục dựng, Công giáo và Dân tộc đã trò chuyện với Giáo sư Claude Gauvard, sử gia hàng đầu của Pháp về thời Trung Cổ, để hiểu rõ hơn về nhà thờ Ðức Bà Paris từ những “chương” đầu.
l Công giáo và Dân tộc: Ở thời hiện đại, nhà thờ Đức Bà Paris vẫn luôn được sự yêu mến đặc biệt từ công chúng, dù là tín hữu Công giáo hay không, là người Pháp hay ngoại quốc. Vậy thì có thể hình dung, ngay từ thời điểm được xây dựng, ngôi thánh đường này đã thu hút nhiều sự chú ý, thưa giáo sư?
Giáo sư Claude Gauvard: Từ khi khởi công xây dựng, Notre Dame đã khiến nhiều người quan tâm. Viện phụ Robert de Torigni của đan viện Mont Saint Michel, trong lần ghé Paris vào năm 1177 đã “dự báo”: Không một công trình cùng thời nào có thể sánh bằng ngôi thánh đường này nếu việc xây dựng được hoàn tất! Đây cũng là nhà thờ đầu tiên được xây dựng hoàn toàn theo kiến trúc Gothic. Kế đến, Notre Dame được nhiều người thăm viếng vì các tác phẩm nghệ thuật lưu giữ qua nhiều thế kỷ. Một khách bộ hành tình cờ dạo qua ngôi thánh đường, sẽ thường dừng lại giây lát để chiêm ngưỡng hàng tượng các Vua Judah ở mặt tiền nhà thờ.
Nhà thờ Đức Bà đã trở thành biểu tượng của Paris từ khi Vua Philippe Auguste chọn thành phố này làm kinh đô vào cuối thế kỷ XII. Và từng bước chậm rãi, Notre Dame đã trở thành biểu tượng của nước Pháp. Trong một giai đoạn dài dưới thời các vị vua, nhà thờ Đức Bà Paris bị “cạnh tranh” bởi nhiều công trình hoàng gia khác như nhà nguyện của Versailles, nhà thờ Saint Denis… Notre Dame trở thành biểu tượng quốc gia một các rõ nét hơn vào thế kỷ XIX, với lễ đăng quang của Hoàng đế Napoléon, và việc kiến trúc sư Viollet-Le-Duc đã thật sự “mở cửa” ngôi nhà thờ Chánh tòa với công chúng, giúp ngôi thánh đường trở nên gần gũi hơn qua công trình trùng tu của ông. Như vậy, không hẳn chỉ nhờ vào kiến trúc - vì sau này có nhiều công trình kiến trúc tương tự, thậm chí có phần trội vượt - mà nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng. Chính vị trí ở Paris, cụ thể hơn là ở đảo Cité bên sông Seine, một địa điểm “vàng” đã làm Notre Dame thành chứng nhân lịch sử và thành một biểu tượng.
l Tuy rằng, như bà đề cập, về sau này cũng có những công trình Gothic có quy mô sánh ngang nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng vào thời điểm hoàn tất, đây có phải là công trình hiện đại nhất cả về kiến trúc lẫn kỹ thuật xây dựng?
- Đúng vậy, kiến trúc của nhà thờ Đức Bà Paris vào thời Trung Cổ là một sự đổi mới, và chính vì vậy, mới bị nhiều công trình khác “học theo” vì xem như là một biểu tượng về nghệ thuật của nước Pháp, ban đầu là ở khu vực lân cận Paris, rồi lan ra khắp châu Âu. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói rằng nhà thờ Chánh tòa Strasbourg đã “lấy cảm hứng” từ Notre Dame. Và nhờ vào công trình phục dựng vừa qua, các chuyên gia đã phát hiện thêm nhiều kỹ thuật xây dựng tân tiến ở nhà thờ Đức Bà Paris so với kỹ thuật cùng thời, ví dụ cách chế tác sắt thành một kiểu khóa cài để giữ các khối đá. Phương pháp này được sử dụng ở một số nhà thờ chánh tòa xây dựng về sau, như ở Rouen. Khung mái bằng gỗ bị thiêu rụi hoàn toàn vào năm 2019 và được dựng lại theo nguyên bản, cũng được xem là một kỹ thuật mới mẻ vào thời Trung Cổ. Chính quyết định xây dựng lại hoàn toàn như ban đầu đã giúp chúng ta hiểu thêm về tính “mới mẻ” này. Thời đó, việc xây một khung mái với quy mô lớn như thế có thể thành hiện thực vì các vị giám mục và giáo sĩ sở hữu nhiều khu rừng ở các vùng lân cận Paris. Tóm lại, Notre Dame là minh chứng cho sự phát triển vượt trội về kinh tế và kỹ thuật của Paris.
l Trong quá trình phục dựng, các chuyên gia đã được dịp khai quật khu vực bên trong ngôi thánh đường và tìm được nhiều “báu vật” về mặt khảo cổ. Trong lòng nhà thờ Đức Bà Paris vẫn còn nhiều bí mật mà giới nghiên cứu chưa biết đến?
- Các cuộc khai quật ở vị trí cung thánh - cũng là nơi tháp Mũi Tên đã sụp xuống vào năm 2019 - đã để lộ những “báu vật”. Bên trong thánh đường ngày trước là nơi an táng của nhiều người, không chỉ là các giáo sĩ, mà còn cả những danh nhân, những người thuộc giới quý tộc, những người giàu có… Chẳng hạn, một trong những quan tài được khai quật nhiều khả năng là của thi sĩ Du Bellay? Hoặc, các ghi chép cũng cho biết là bà Isabelle de Hainaut, vợ của vua Philippe Auguste cũng được chôn cất trong nhà thờ Đức Bà Paris vào năm 1190 nhưng ngày nay thì không rõ tung tích… Điều quan trọng là qua đợt khảo cổ này, các sử gia có thể tìm hiểu liệu có nhiều người - không phải giáo sĩ - được an táng ở Notre Dame hay không? Câu hỏi này cần thêm thời gian để các nhà khoa học trả lời.
Một phát hiện khác cũng rất thú vị là những phần tượng bể thuộc bức vách ngăn cung thánh được đào lên trong thời gian phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris. Trước đây, các nhà thờ có vách ngăn cung thánh với sảnh mà giáo dân dự lễ vì các nghi thức phụng tự chỉ dành cho giới giáo sĩ. Từ Công đồng Trentô vào thế kỷ XVI, truyền thống này bị bỏ và các bức vách cũng dần bị đập bỏ. Để tránh bị phá hoại, những phần còn lại của bức vách thường được chôn trong nhà thờ.
LAN CHI (thực hiện)
Bình luận