Khoảng 1.000 công nhân đã lao động cật lực để xây dựng tòa Vương Cung Thánh Đường trên hòn đảo nhỏ bên dòng sông Seine từ năm 1163 đến 1345, để thay thế nhà thờ cũ tại đây, theo như giải thích của Tạp chí TIME vào năm 1955:
“Trên hòn đảo bên sông Seine (Île de la Cité - đảo Cité), những Kitô hữu Paris đầu tiên mang những khối đá đến nơi xây nhà thờ vào khoảng thế kỷ thứ VI. Nhà thờ mà họ xây dựng đã bị người Norman phá hoại vào giữa thế kỷ thứ IX. Một nhà thờ mới tiếp tục mọc lên tại đây và tồn tại khoảng 3 thế kỷ, nhưng đến năm 1140, bởi nó trở nên quá nhỏ so với cộng đồng các tín hữu trong khu vực, khiến không ít các giáo dân ngất xỉu vì chen chúc trong đám đông lúc dự lễ tại đây. Đến năm 1160, Paris đón chào Đức tân Đức Giám mục Maurice de Sully, người mạnh dạn chọn hướng đi khác biệt khi thiết kế và xây dựng nhà thờ mới”.
Viên đá đầu tiên được đặt xuống vào năm 1163, trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Alexander III, nhưng phải mất 200 năm mới hoàn thành với kích thước được xem là kỳ tích vào thời đó: chiều dài 130m, chiều rộng 48m, và nhiều lần trải qua các công đoạn điều chỉnh suốt những thế kỷ kế tiếp. Với đầu óc sắc bén và ý chí kiên định, Đức Giám mục Sully đứng mũi chịu sào mọi hoạt động liên quan đến công trình khổng lồ. Ngài đích thân gây quỹ, chi trả lương cho các công nhân, chọn lọc nhân lực (gồm khoảng 1.000 thợ nề, thợ rèn, thợ mộc…), cũng như chiêu mộ những danh họa hàng đầu thời bấy giờ, và lựa chọn các chủ đề cho từng kiến trúc của toàn bộ công trình xây dựng. Và vị giám mục quyết định đặt cược vào loại hình kiến trúc mới.
Hai tòa tháp ở mặt tiền cao 69m, được xây vào đầu thế kỷ XIX. Tháp phía bắc có thể được trèo lên nhờ vào cầu thang 387 bậc, trong khi tháp nam là nơi chứa 10 quả chuông, của nhà thờ. Trong số những quả chuông nổi tiếng nhất, chuông Emmanuel luôn được gióng lên vào những thời khắc quan trọng của lịch sử Pháp, bao gồm lễ đăng quang của các vị vua, những chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, và đánh dấu sự chấm dứt của hai cuộc chiến tranh thế giới. Nó cũng ngân nga khi Tòa Tháp đôi của trung tâm thương mại thế giới ở New York sụp đổ vì tấn công khủng bố vào ngày 11.9.2001.
Tháp Mũi Tên vừa bị sụp trong trận hỏa hoạn và 16 bức tượng đồng xung quanh có nguồn gốc từ giữa thế kỷ XIX, xuất phát từ đầu óc tài hoa của kiến trúc sư trẻ tuổi Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc. Khi mới 30 tuổi, tức vào năm 1844, ông đã được chọn dẫn đầu dự án trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris, và quyết định phải xây một cái tháp mới thế vào chỗ chiếc tháp cũ kỹ đã bị dỡ bỏ từ năm 1786 đến 1791, sau nhiều thế kỷ bị gió vùi dập đến mức hủy hoại. Đến năm 1935, Đức Tổng Giám mục Paris đã đặt gai nhọn lấy từ mão gai thật của Chúa Giêsu cũng như các thánh tích của thánh Denis và thánh Geneviève, đặt vào bên trong con gà trống được lắp trên Tháp Mũi Tên, với hy vọng các vật thiêng liêng có thể bảo vệ toàn thể giáo dân.
LAN CHI
Bình luận