CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Bài đọc 1: Is 22,19-23; Bài đọc 2: Rm 11,33-36; Tin Mừng: Mt 16,13-20
Thánh Phêrô tuyên tín: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và Thầy Giêsu đã xác nhận, vì Con Thiên Chúa được chính Chúa Cha mạc khải (Mt 16,17) thì còn gì đúng hơn. Tuy nhiên thánh Phêrô cũng không thấu triệt được bí nhiệm này, nên cần phải vén tỏ bức màn che phủ để nhận rõ khuôn mặt của Ðức Giêsu.
Sau 30 năm mai danh ẩn tích tại làng Nagiarét, Ðức Giêsu xuất hiện như một người làm dậy sóng. Ngài giảng dạy như Ðấng có uy quyền (Mc 1,22; Lc 9,32b), giáo lý thì mới mẻ (Mc 1,27), các thần ô uế phải tuân lệnh (Mc 27b)… Ngài là ai, từ đâu đến và đi về đâu? Phải chăng là một bí mật, một hiện tượng, một huyền thoại, một siêu nhân, một thánh nhân, một nhà hùng biện, một nhà bác học, một lương y, một tiên ông, một người ngoài hành tinh… Ngài là con người hay con vua hay con Chúa?
Ngài tên Giêsu, là Thiên Chúa cứu độ hay Cứu Chúa. Thánh Giuse đặt tên Giêsu (Mt 2,21, Lc 1,31; 2,21); gia phả ghi: Ðức Giêsu là con ông Giuse (Lc 3,23); Ðức Giêsu, đẹp nhất tên người, vì nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và cả trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, tuyên xưng “Ðức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,10-11).
Nhưng thiên hạ muốn biết lý lịch trích ngang và tìm hiểu cho rõ nguồn mạch: Ðức Giêsu, Ngài là ai? Có những góc nhìn khác nhau về Ðức Giêsu, từ người thân đến kẻ sơ, từ bạn bè đến đối thủ, từ người yêu đến kẻ ghét, từ vua chúa đến thứ dân, từ trí thức đến bình dân… Có thể nói Ðức Kitô là tất cả và được nhận định dưới các góc cạnh như sau:
A - Ðức Giêsu là một nhân vật lịch sử:
1. Ðức Giêsu là con ông Giuse (Lc 4,22b; Mc 6,3), (Lc 3,23 theo gia phả), và con ông Giuse và bà Maria (Mc 6,3; Mt 13,55).
2. Ðức Giêsu là con bác phó mộc (Mt 13,55) và cũng là bác thợ (Mc 6,3).
3. Ðức Giêsu là bà con họ hàng với đồng hương Nagiarét.
4. Ðức Giêsu: tự xưng là Vua (Lc 23,2; Ga 18,37; Ðức Giêsu được xác nhận là vua (Ga 18,37); Philatô hỏi (Ga 18,33) và xác nhận (Ga 18,37), rồi công bố (Ga 19,14): Ðây là Vua các ngươi!
5. Ðức Giêsu là Con vua Ðavít theo gia phả Mt 1,1.
6. Ðức Giêsu là Con vua Ðavít do nhiều người xưng tụng: người đàn bà xứ Canaan (Mt 15,22); người mù thành Giêricô (Mt 20,30; Mc 10,47b.48; Lc 18,38); hai người mù (Mt 9,27); dân chúng ngày lễ lá hoan hô Con vua Ðavít (Mt 21.15).
7. Ðức Giêsu là Con vua Ðavít do các luật sĩ từng nói về Ðức Kitô (Mc 12,35).
8. Ðức Giêsu là Con vua Ðavít do thánh Phaolô xác nhận (Rm 1,3; 2 Tm 2.8).
B - Ðức Giêsu bị nhận diện sai lệch:
a. Ðức Giêsu là Gioan Tẩy giả tái sinh (Mc 6,14; Lc 9,7)
b. Ðức Giêsu là Beelzebub (Mt 10,25), trừ quỷ dựa thế quỷ vương Beelzebub (Mt 12,24; Mc 3,22; Lc 11,15).
c. Ðức Giêsu là người mất trí do thân nhân của Chúa ngộ nhận (Mc 3,21).
d. Ðức Giêsu là người làm vườn (Ga 20,15), khách lữ hành (Lc 24,15), bóng ma (Lc 24,37)…
C - Ðức Giêsu được định danh chính thức, đó là lời tuyên tín của thánh Phêrô:
Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16; Mc 29), mà Kitô nghĩa là Ðấng được xức dầu. Tại hội đường Nagiarét, lời ngôn sứ Isaia (Lc 4,18) mặc nhiên xác nhận Chúa Giêsu đã được xức dầu: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Lc 4,18). Việc Ðức Giêsu được “xức dầu” đã xảy ra trong dịp Ngài chịu phép rửa, khi cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22). Sau này, khi nói với dân chúng về biến cố ấy, ông Phêrô giảng rằng: “Quý vị biết rõ... Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,36-38).
Còn danh hiệu “Con Thiên Chúa hằng sống”, thì như Chúa Cha xác nhận “Con là Con Cha” (Lc 3,22). Thánh Máccô đã nhập đề: “Khởi đầu Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Trong cuộc tử nạn của Chúa, thánh Máccô ghi nhận một lời tuyên xưng của viên đội trưởng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Chúa Giêsu, Ngài là ai? Cần có câu hỏi tiếp: “Kitô hữu, người là ai?”. Chúa Giêsu mang danh Ðấng Kitô, thì chúng ta được vinh dự là Kitô hữu: là người có Chúa Kitô, tin Chúa Kitô, bằng hữu với Chúa Kitô và thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta là người Kitô hữu thực sự, chứ không bao giờ là những Phản Kitô, như thánh Gioan cảnh báo: “Anh em đã nghe biết là tên Phản Kitô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Kitô đã xuất hiện” (1 Ga 2,18; 1 Ga 4,3; 2 Ga 7).
Kitô hữu phải là những con chiên tốt lành của Chúa, như “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Vì thế chúng ta phải chuyên cần học hỏi Lời Chúa và giáo lý, chứ đừng để thánh Phaolô phải cảnh báo: “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tm 4,3-4). “Thật vậy, sẽ có những tiên tri giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người được tuyển chọn, nếu có thể” (Mt 24,24; Mc 13,22). Chúa báo trước điều sau làm cho tất cả chúng ta phải băn khoăn nhức nhối: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.
Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, TGP TPHCM
Bình luận