CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Bài đọc 1: Is 25,6-10a; Bài đọc 2: Pl 4,12-14.19-20; Tin Mừng: Mt 22,1-14
Dụ ngôn mời dự tiệc cưới này là một trình bày mới bằng phúng dụ về lịch sử cứu độ và được đặt ngay sau dụ ngôn về những kẻ tá điền sát nhân (21,33-44). Ở đây chúng ta gặp cùng một cấu trúc: 1) Việc sai đi và số phận bi thảm của những đầy tớ được sai đi; 2) Việc trừng phạt những kẻ sát nhân và loại bỏ họ để nhường ân huệ cho một dân tộc khác. Nhưng cũng xuất hiện các yếu tố mới: danh tính của những khách mời mới và sự phán xét dành cho khách mời không mặc áo cưới.
Chúng ta cũng thấy dụ ngôn này, nhưng dưới một hình thức vắn gọn hơn và trong một khung cảnh khác, trong Tin Mừng Luca (14,16-24). Ở đó, Ðức Giêsu có vẻ trình bày “một sự bênh vực và biện minh cho Tin Mừng” (J. Jérémias). Tin Mừng Người công bố được gởi đến mọi người, giống như lời mời dự tiệc cưới của dụ ngôn (x. câu 17: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn”. Cũng xem Mt 22,4 với cách diễn tả hơi khác). Nhưng người Pharisêu và quan chức Do Thái từ chối đón nhận sứ điệp của Người, trong khi những người tội lỗi và nghèo khổ hân hoan đón nhận. Dụ ngôn được Ðức Giêsu nói ra - tuy khó tái tạo lại chính xác bản văn - hàm chứa một lời cảnh báo cho những người đã được mời dự tiệc trước tiên nhưng đã từ chối bằng những lời cáo lỗi xấu xa: Họ sẽ bị loại khỏi Nước Trời nếu họ không thay đổi thái độ.
![]() |
Qua việc nhà vua đi vào phòng tiệc, chúng ta gặp lại chủ đề quen thuộc của Cựu Ước về việc Thiên Chúa đến để phán xét vào ngày cánh chung. Việc loại trừ người khách mời không mặc áo cưới biểu trưng cho sự kết án và loại ra khỏi Nước Trời, “ra chỗ tối tăm”, chỉ về nơi mà những kẻ tội lỗi sẽ bị trừng phạt. Bình thường, chỗ tối tăm này được hình dung là nằm dưới lòng đất, còn ở đây nó được đặt bên ngoài thế giới của nhân sinh. Theo Kh 19,8, y phục sáng chói chỉ về “những việc lành của các tín hữu”. Ðể xứng đáng dự tiệc với Thiên Chúa, “cần phải có một thái độ nội tâm được biểu trưng ở đây bằng y phục lễ cưới”. Thực vậy, thực khách có lỗi thì không trình bày được “những việc lành” cần phải có để được vào Nước Trời.
Trong dụ ngôn ở trên, Ðức Giêsu đã nói rằng những khách mời đã bị loại trừ vì họ “không xứng đáng” (xem c. 8). Nhưng ở đây chúng ta nhận thấy rằng ngay cả lý do “xứng đáng” của những người mới được gọi cũng được ngụ ý trong quyết định của vua khi ông vào phòng tiệc cưới. Cộng đoàn/Hội Thánh được hình thành bởi những “người tốt lẫn kẻ xấu” (xem c. 10). Nhưng mỗi người phải tự chất vấn về sự “xứng đáng” của mình: tôi có mặc áo cưới để có thể dự tiệc không? Như sự phán xét đã giáng xuống dân Israel thế nào, một ngày kia nó cũng sẽ đổ xuống trên Hội Thánh, và những kẻ sẽ bị xét là không xứng đáng thì sẽ bị loại khỏi tiệc cưới. Qua câu kết này của dụ ngôn, “lời đe dọa về những sự kiện khủng khiếp của khải huyền (c. 13bc) được nói cho các tín hữu đã vào trong mối quan hệ với Ðức Kitô, đã được vào phòng tiệc cưới nhờ ân sủng. Với những ai tự biết mình được Chúa thương xót mà không phải do công trạng gì của mình, sự phán xét nhắc nhở họ rằng việc được tiếp nhận vào hiệp thông với Thiên Chúa không phải không có tác động gì trên đời sống của người tín hữu; nó động viên họ và đưa họ đi vào một sự biến đổi đời sống”. Lời đáp cho tiếng gọi đã lãnh nhận phải được biểu lộ trong việc thực hành các “việc lành” mà Ðức Kitô đã tuyên bố trong Bài Giảng Trên Núi.
Ngược hẳn với dân Israel, mọi thành viên của cộng đồng Kitô hữu đã chấp nhận lời mời được dành cho họ; dù vậy, ơn cứu độ cũng không được bảo đảm cho họ. Sự phán xét với án phạt dành cho Israel cũng đè nặng như thế trên các tín hữu. Chỉ có đức tin được sống trong sự vâng phục mới cho phép họ thoát khỏi án phạt. Vì vậy, ân sủng của Thiên Chúa có cái giá của nó! Lời kêu gọi được gởi tới mọi người; nó có tính phổ quát, nhưng không bảo đảm việc mọi người được tham dự tiệc cưới. Sự phán xét có thể làm giảm số những người được tuyển chọn xuống một số ít người nếu những người được mời không bận y phục lễ cưới, nghĩa là nếu họ không thi hành Luật mới của Chúa Giêsu trong đời sống họ.
Thiên Chúa quảng đại mời gọi chúng ta dự tiệc cưới và chúng ta có thể vui mừng vì điều này. Nhưng mỗi người cũng phải tự chất vấn mình về thái độ nội tâm, về các lời nói và hành vi của mình. Các điều này phù hợp với những gì Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta không, có phù hợp với sự “công chính” của Nước Trời không? Chúng ta có mặc áo cưới thực sự không? Ước gì Thiên Chúa có thể thấy chúng ta ở trong tình trạng dự bữa tiệc của Người.
Lm Ðaminh NGÔ QUANG TUYÊN - TGP TPHCM
Bình luận