Cha ông có câu “giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, vậy mà con trai tôi 5 tuổi hoàn toàn khác tính cả cha lẫn mẹ. Cháu ương bướng, cáu bẳn và luôn giả điếc khi người lớn nói chuyện và nhắc nhở. Càng yêu cầu nó càng lờ đi, quát nó, nó ăn vạ. Nhiều lúc tôi không kìm được tức giận và tát con, nó lại càng lì lợm. Tôi phải làm sao để uốn nắn con vào nền nếp?
(Nguyễn Văn B. Quận Tân Phú, TPHCM)
Khi trẻ lớn lên, cha mẹ có thể nhận thấy con mình hình thành một số thói quen, hành vi làm trái ý cha mẹ và từ chối lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn. Cần chú ý đến những thay đổi tâm sinh lý của trẻ, đừng cho rằng đó là hành vi bình thường mà đứa trẻ nào cũng có, như thế trẻ dễ hình thành thói quen xấu, sai lầm trong lối sống. Chủ quan không kịp thời uốn nắn bé sẽ có thái độ thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng người khác và trở nên hỗn hào, xấc xược. Quá trình “thuần hóa” tính bướng bỉnh của con phải diễn ra thật bình tĩnh và rất kiên trì.
Khi bố mẹ ra sức gọi con hoặc giục con làm việc gì nhanh lên mà bé vẫn ngồi “tỉnh bơ như không nghe thấy gì”, cần có biện pháp xử lý ngay tức khắc. Nếu để tình trạng này kéo dài, bé sẽ không biết coi trọng lời bố mẹ nói và tưởng vờ như không nghe thấy là xong. Chẳng hạn như, khi yêu cầu con cất dọn đồ chơi, rửa tay ăn cơm mà mãi bé vẫn không chịu làm, lát sau quay lại kiểm tra mọi thứ vẫn y nguyên thì phải có thái độ cùng hình thức răn dạy thích hợp. Nếu không, lần sau bé sẽ bỏ qua lời nói của bố mẹ và càng trở nên ngang bướng, khó bảo hơn. Với trẻ bướng bỉnh, nghiêm khắc rất quan trọng.
Thấy con bỗng nhiên bị “điếc”, “hóa đá” như vậy, thay vì gào thét, quát mắng, hãy nhẹ nhàng lại gần và ngồi xuống. Trước tiên, giải thích cho bé hiểu hành động của bé là sai và không được phép làm như vậy. Sau đó, khẳng định rằng chỉ những đứa trẻ hư mới làm vậy và nếu con còn làm vậy sẽ bị phạt. Không làm hộ con mà hãy yêu cầu bé làm ngay lập tức. Mệnh lệnh “làm” là “làm ngay” chứ không phải là “đợi 5 phút thôi” hay “tí nữa đã”. Phương pháp ra lệnh bằng đếm giờ cũng khá hiệu quả, chẳng hạn “bố đếm từ 1 đến 10 là con phải cất ngay đồ đi”, hoặc “sau nửa giờ phải thay xong quần áo”. Nếu bé vẫn không hoàn thành công việc được giao, hãy áp dụng hình phạt như nghỉ đi chơi cuối tuần, không được thêm mua đồ chơi, cấm xem hoạt hình trong hai ngày, đứng úp mặt vào tường để suy nghĩ việc đã làm...
Khi bắt đầu biết nhận thức về những hành vi và lời nói của mình, bé sẽ thể hiện là đứa trẻ ngoan hay hư qua việc có biết nghe lời hay không. Với trẻ bướng bỉnh, nếu không dạy bảo hẳn hoi, bé sẽ ngày càng thích thể hiện sự chống đối và “muốn gì làm nấy” của mình. Một số trẻ “tỏ thái độ” bằng cách nhại lại lời nói, bắt chước hành vi của người lớn một cách ngỗ ngược như trợn mắt, lườm hoặc nói cộc lốc, quát mắng người khác.
Muốn cảm hóa đứa con “cứng đầu”, cần cố gắng động viên và khen ngợi khi chúng cố gắng làm việc tốt, dù đó là việc nhỏ nhặt. Cha mẹ cũng xem lại mình có làm gương xấu cho con “rau nào sâu ấy” trong việc cư xử với nhau hoặc với hàng xóm không. Một đứa trẻ nổi loạn, “hư thân mất nết” đôi khi là vì không cảm thấy được bố mẹ yêu thương và muốn gây chú ý. Làm sao có thể nói cha mẹ yêu con trong khi trẻ chỉ nghe những lời quát mắng, những câu nói chê trách, cái roi cái thước? Làm sao có thể khiến trẻ bớt phản kháng khi bản thân nó không hiểu tại sao phải nghe lời?
THS – BS LAN HẢI
Bình luận