Hạnh phúc đời thánh hiến

Tròn 50 năm kể từ phút giây “bước vào Nhà Chúa”, linh mục Antôn Ðoàn Văn Vinh, tu đoàn Tông đồ Giáo sĩ Nhà Chúa cảm nghiệm đó là những tháng ngày chan chứa hồng ân, trong lúc yên bình cũng như khi gian nan, thử thách.

Vui tươi, chan hòa, là một trong những nét đáng mến của cha Antôn, được mọi người yêu quý


Ước mơ làm linh mục

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo hạnh ở giáo xứ Phước Long, tỉnh Bình Phước (giáo phận Ban Mê Thuột), từ nhỏ, cậu bé Antôn Đoàn Văn Vinh đã quen với nề nếp gia đình, sớm tối kinh nguyện và tham dự thánh lễ hằng ngày. Cha mẹ khuyến khích cậu con trai thứ ba trong số năm người con chu toàn bổn phận của một lễ sinh trong thời gian dài ở cả hai giáo xứ Phước Long và Long Thủy do linh mục Phaolô Võ Quốc Ngữ coi sóc. Biết cậu lễ sinh sáng dạ, học giỏi có ước muốn đi tu, cha xứ động viên cậu thi vào Tiểu Chủng viện Ban Mê Thuột. Tuy nhiên, vì dư một tuổi trong điều kiện ứng thí nên việc không thành sự.

Lần khác, cha Đaminh Trần Khắc Thiệu, chánh xứ Long Điền thời đó, từ làng quê lên thị xã Phước Long chữa bệnh, khi biết chuyện, đã giới thiệu cậu bé 14 tuổi vào tu đoàn Tông đồ Giáo sĩ Nhà Chúa (năm 1972). Thầy giúp xứ Long Điền Đaminh Nguyễn Văn Hào cùng cha cậu bé đã đưa con đến trụ sở tu đoàn ở Sài Gòn. Suốt một tuần đầu tiên, thấy các bạn mới vào khóc nhớ nhà, cậu cũng khóc, nhưng “vì là con trai đâu dám khóc to”. Sau một vài tuần, nỗi nhớ nhà dần được thay bằng niềm vui bên bạn mới trong tu đoàn và nơi lớp học. Năm 1975, tốt nghiệp cấp 2 tại trường của tu đoàn (trường tư thục Nguyễn Duy Khang dành cho cả 3 cấp lớp), tu sinh trẻ về cộng đoàn Thánh Gia và Thái Xuân ở Long Khánh (giáo phận Xuân Lộc) để tiếp tục học THPT tại trường cấp 3 Xuân Lộc. Vì khi đó cũng chưa có Chủng viện nên cậu và những tu sinh cùng trang lứa đều theo phương cách học linh động, “cha giáo coi sóc giáo xứ ở đâu thì đến học ở đó”. Bên cạnh thời gian thực hành những việc đạo đức trong cộng đoàn, “tu sinh trẻ nhất trong số các thầy” chuyên chăm tu học, tìm tòi học nhạc lý và tham gia hợp tác xã nông nghiệp trong 2 năm liền. Thường vào khoảng 6 giờ sáng, khi hồi kẻng vang lên, cậu nhanh chân cùng mọi người tập trung ở một địa điểm rồi di chuyển 2 - 3 cây số để làm nông. Ai làm gì, cậu làm nấy, từ gieo mạ, cuốc đất, đến làm cỏ, bón phân…

Sau thời gian tu học, vào năm 1978, thầy Antôn Đoàn Văn Vinh hạnh phúc khi được khoác lên mình chiếc áo chùng thâm và khấn lần đầu 2 năm sau đó, khi vừa tròn 22 tuổi. Đại diện thân tộc vui mừng đến dự lễ khấn với chút quà quê là mấy con gà nhà ông bà cố nuôi được. Khấn trọn vào năm 1989, thầy Antôn chuyển về nhà chính của tu đoàn ở TP HCM để tiếp tục hành trình tu học và trở thành học trò của cha giáo Kim Long ở trường Suối Nhạc thời đó.

Vốn có năng khiếu về âm nhạc từ nhỏ, cùng với niềm say mê học hỏi, nên khi bề trên thành lập giáo xứ Nguyễn Duy Khang vào năm 1996, thầy Antôn Vinh sáng lập ca đoàn Hiệp Nhất cho giới gia trưởng, ca đoàn Monica của giới hiền mẫu, phụ trách ca đoàn Giuse (ca đoàn chánh xứ), đồng thời coi sóc ca đoàn giáo xứ Mông Triệu (giáo xứ lân cận). Không chỉ nhiệt tâm trong việc bổn phận, thầy còn hoàn thành chương trình thần học vào năm 1998 và tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ Trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội một năm sau đó. Năm 2001, thầy tiếp tục đi du học Philippines, 4 năm sau tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ thần học ở Manila.

Linh mục Antôn Đoàn Văn Vinh


Người mục tử nhiệt thành

Sau khi hoàn tất việc học tập ở nước ngoài, thầy trở về tu đoàn năm 2005 và lãnh nhận chức linh mục vào năm 2006. Bắt đầu hành trình của người mục tử, vị tân linh mục nhận bài sai về làm phó xứ Thanh Đa trong 4 năm liền. Ở đây, ngài phụ trách ca đoàn, trông coi thiếu nhi và các đoàn thể. Sáng kiến làm phong phú thêm đời sống của các em, cha khuyến khích thiếu nhi nuôi heo đất gây quỹ bác ái, thi đố vui giáo lý, viếng thăm tặng quà cho người nghèo… Mỗi độ Xuân về, ngài cùng với các đoàn thể đem niềm vui ngày Tết đến các trại phong ở Biên Hòa, Long Thành, Bến Sắn…

Sống chan hòa, bình dị, cha Antôn là vị linh mục luôn lan tỏa niềm vui đến người đối diện bằng nụ cười thường trực mỗi khi gặp gỡ. Cảm phục vị linh mục hiền hòa, chị Inê Trần Thị Kim Ngân (giáo dân giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang) chia sẻ: “Cha từng là ca trưởng của ca đoàn tôi khi còn là thầy, và không chỉ có ca viên chúng tôi kính yêu ngài. Có lần, tôi thật sự vui mừng khi thấy ngài tham dự ngày kỷ niệm thành lập trường của các nữ tu nơi con tôi theo học. Ngài hiện diện ở đâu thì có niềm vui ở đó”.

Trong hành trình 16 năm linh mục, gồm một nhiệm kỳ làm Bề trên tu đoàn và hiện đang là Phó Tổng phụ trách nhiệm kỳ thứ hai, vị linh mục 64 tuổi, mặc dù đã trao lại trọng trách đào tạo cho một cha khác, vẫn nhiệt thành trong vai trò người cố vấn ân cần, và tiếp tục đồng hành, nâng đỡ ơn gọi ở trong cũng như ngoài nước, bằng nhiều phương cách. Cũng vì quan tâm công tác đào tạo, nên khi làm trong ban điều hành Liên tu sĩ Việt Nam, cha Antôn đã đến nhiều nơi để giảng dạy và phổ biến tài liệu về đời sống thánh hiến, về thần học… Mười mấy năm qua, ngài cũng là “thầy giảng” đắc lực cho tu viện của tu đoàn có trụ sở đặt tại giáo phận Xuân Lộc. Ngay cả trong lúc dịch Covid-19 hoành hành, khi được phép đi lại và đã được chủng ngừa, ngài vẫn cần mẫn đến với lớp học: “Thật hạnh phúc khi tôi được tiếp tục lên đường đến với anh em. Trong lúc dịch bệnh, những anh em tu sinh trẻ càng cần được củng cố tinh thần, cần người đồng hành”.

Trên bục giảng, cha là người thầy chuẩn mực, nghiêm trang, nhưng trong cuộc sống đời thường lại rất đỗi gần gũi. Có khi, ngài là nhân vật góp nhiều câu chuyện vui trong những buổi cà phê ban sáng ở hàng hiên. Có lúc, ngài là cổ động viên cho trận thi đấu bóng đá giao hữu của học trò mình. Học trò của ngài, đã có nhiều vị trở thành linh mục, đang coi sóc đoàn chiên ở nhiều nơi và vẫn hằng nhớ về người cha, người thầy đầy tâm huyết.

Trong một lần hành hương cùng bà con giáo dân tại Thánh địa La Vang


“Chúa sẽ làm việc, và mình là người cộng tác”

50 năm kể từ khi “bước vào Nhà Chúa”, hành trình đời tu của cha Antôn trong những tháng ngày hạnh phúc vẫn canh cánh nhiều ưu tư, trăn trở. Với đặc sủng của tu đoàn là mục vụ gia đình, ngài ước mong sẽ xây nên ngôi nhà vừa làm trường giáo lý vào Chúa nhật, vừa là trung tâm ngoại ngữ vào các ngày trong tuần, đồng thời là nơi liên kết đào tạo nghề cho người trẻ. Cha cũng quan tâm đặc biệt đến mục vụ gia đình và ước ao làm được nhà mục vụ, nhằm củng cố ơn gọi hôn nhân cho các tín hữu thông qua hình thức các khóa học, giáo lý hôn nhân, tĩnh tâm cho các gia đình, đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ hoặc các cặp đôi gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân… Cha Vinh tâm niệm: “Gia đình là nền tảng căn bản trong đời sống xã hội và đặc biệt quan trọng trong đời sống đức tin. Và đây cũng là cái nôi của ơn gọi. Do vậy, Giáo hội cần chung tay để củng cố nền tảng đó, để vun bồi những giá trị đích thực”.

Dự tính trong những tháng ngày sắp tới, cha Antôn sẽ lại lên đường đến những miền xa, vùng sâu, Tây Nguyên để tìm kiếm địa điểm phù hợp, đồng thời liên kết với các hội dòng để lập thêm những cộng đoàn mới. Ở TPHCM, tu đoàn Tông đồ Giáo sĩ Nhà Chúa đã có một cơ sở truyền giáo ở Vĩnh Lộc B, nơi có đông di dân. Cha Antôn Đoàn Văn Vinh tâm tình: “Tôi luôn nguyện xin Thiên Chúa ban cho mình sức khỏe để làm việc phục vụ Chúa, phục vụ nhà dòng, đến với tha nhân. Tôi cũng ước mong được cùng với tu đoàn, đến những nơi vùng sâu vùng xa thành lập cộng đoàn, tu sở mới. Những nơi đồng bào còn gian khổ, thiếu ánh sáng tri thức thì cần mình đến với họ. Chúa sẽ làm việc và mình là người cộng tác, dù phải gian khổ hy sinh. Ước mong nơi đâu có tu sĩ, nơi đâu có hội dòng thì nơi đó Tin Mừng sẽ được sống động và đơm hoa kết trái”.

BÍCH VÂN

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Người tân tòng và ơn gọi linh mục
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
16 năm trước, cha Giuse Phan Duy Vũ đã bắt đầu dấn thân trong ơn gọi truyền giáo của dòng Chúa Thánh Thần, dù cha sinh ra trong gia đình không theo đạo Công giáo. Sau 13 năm tu học và phục vụ, ngày 23.3.2021, cha Giuse trở thành linh...
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Chào tạm biệt bà con giáo dân Phú Lý thuộc vùng chiến khu D (huyện Vĩnh Cửu), cha Antôn M. Claret Nguyễn Ngọc Lâm (CRM) vừa quay trở về nhà dòng để bắt đầu một quãng đời mới khi bước vào tuổi hưu. Hành trình rong ruổi khắp những mái...
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Cha Antôn Lê Quang Trinh tâm sự, Chúa vẽ nét cong trong cuộc đời mình. Nét cong trong câu nói của thánh nữ Têrêsa Avila ứng với cha Antôn hai chuyện: hình hài và những diễn biến đời tu.
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
16 năm trước, cha Giuse Phan Duy Vũ đã bắt đầu dấn thân trong ơn gọi truyền giáo của dòng Chúa Thánh Thần, dù cha sinh ra trong gia đình không theo đạo Công giáo. Sau 13 năm tu học và phục vụ, ngày 23.3.2021, cha Giuse trở thành linh...
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Chào tạm biệt bà con giáo dân Phú Lý thuộc vùng chiến khu D (huyện Vĩnh Cửu), cha Antôn M. Claret Nguyễn Ngọc Lâm (CRM) vừa quay trở về nhà dòng để bắt đầu một quãng đời mới khi bước vào tuổi hưu. Hành trình rong ruổi khắp những mái...
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Cha Antôn Lê Quang Trinh tâm sự, Chúa vẽ nét cong trong cuộc đời mình. Nét cong trong câu nói của thánh nữ Têrêsa Avila ứng với cha Antôn hai chuyện: hình hài và những diễn biến đời tu.
Như cánh chim bằng không mỏi
Như cánh chim bằng không mỏi
Cha Antôn Nguyễn Đình Thục sinh năm 1947 tại Thọ Ninh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1958, theo học Tiểu Chủng viện Saigon. Ngày 28.4.1973, cha được thụ phong linh mục với châm ngôn “Phụng sự trong hân hoan” (Tv 99,2)
Mục tử của các tín hữu sắc tộc
Mục tử của các tín hữu sắc tộc
Chung tay kiến tạo giáo xứ từ những ngày đầu tiên, linh mục Antôn Vũ Thanh Hòa trở thành vị chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Thánh Phaolô (giáo hạt Madagui, giáo phận Ðà Lạt), đứng đầu một giáo xứ rộng lớn với gần 2.000 tín hữu.
Ðời mục vụ của vị cha già 50 năm linh mục
Ðời mục vụ của vị cha già 50 năm linh mục
Tôi có dịp trở lại giáo xứ Ka La, giáo hạt Di Linh, giáo phận Ðà Lạt để tham dự thánh lễ tạ ơn 50 năm hồng ân linh mục của cha cố Phaolô Lê Ðức Huân. Nhiều người đã bày tỏ lòng kính trọng, cảm phục vị cha già...
Chọn người nghèo làm hành trang đời tu
Chọn người nghèo làm hành trang đời tu
Từng sống trong cảnh nghèo và vất vả một thời, linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng (chánh xứ Vườn Xoài - TGP TPHCM) đã thấu cảm được nỗi nhọc nhằn của những mảnh đời khốn khó, nên ngài bước vào đời tu với một xác tín mạnh mẽ: phụng sự...
Hạnh phúc đời thánh hiến
Hạnh phúc đời thánh hiến
Tròn 50 năm kể từ phút giây “bước vào Nhà Chúa”, linh mục Antôn Ðoàn Văn Vinh, tu đoàn Tông đồ Giáo sĩ Nhà Chúa cảm nghiệm đó là những tháng ngày chan chứa hồng ân, trong lúc yên bình cũng như khi gian nan, thử thách.

Trăn trở của vị linh mục về hưu
Trăn trở của vị linh mục về hưu
Những ngày cuối tháng 4 này, tại nhà hưu dưỡng các linh mục Chí Hòa của Tổng Giáo phận có đợt mừng Kim khánh Linh mục của một số cha đã về nghỉ hưu trong đó có cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hùng Oánh, nguyên chánh xứ Xây Dựng, hạt Chí...