Cứ mỗi lần đọc bài Tin Mừng theo thánh Luca, đoạn kể câu chuyện người Samaritanô nhân hậu, lại thấy nhột gáy làm sao! Xin mạo muội mạn bàn đôi nét về câu nói của Chúa Cứu Thế với người luật sĩ lúc bấy giờ: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).
Để làm được như người Samaritanô, thiết tưởng cần phải ra đi. Xin được chia sẻ bốn chiều kích ta cần phải đi ra để có thể biết ta là anh em của những ai, để có thể thực thi đức ái với người đang cần lòng thương xót.
1. Đi ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình: “Chim có tổ, chồn có hang, còn Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9,58). Ba năm rong ruổi trên các nẻo đường, Chúa Giêsu đã sống đức ái với nhiều người thuộc mọi hoàn cảnh. Nhờ ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình mà Chúa Giêsu đã đến được với người Do Thái lẫn anh chị em lương dân, với người Giuđêa, người Galilêa lẫn người Samaria, và đặc biệt với đại đa số người bệnh tật, bé nhỏ, nghèo hèn... vốn là những người đang cần lòng thương xót của Người hơn hết.
2. Đi ra khỏi định kiến của mình: “Người này cũng là con cái của Abraham” (Lc, 19,9). Chúa Giêsu đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ về những người thu thuế. Giakêu đã nhận được lòng xót thương của Chúa. Lêvi đã trở nên môn đệ của Người. Chúa Giêsu cũng đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ về anh em ngoại giáo, người Samaria. Người đã đến nhà viên đại đội trưởng, đến gặp và xin nước với chị phụ nữ Samaria trên bờ giếng Giacop... Ra khỏi định kiến của mình là một trong những điều kiện cần có để ta có thể tiếp cận với tha nhân như là người anh em, như là người cần đến lòng thương xót của Chúa qua chúng ta.
3. Đi ra khỏi lề thói vị luật, vụ luật: Rất có thể vị tư tế và vị trợ tế trong bài Tin Mừng ở trên vì câu nệ về quy định của luật tế lễ nên đã bỏ qua người anh em đang lâm nạn. Nhiều luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu đã không ra khỏi sự cứng nhắc vô tình vì vị luật và cả vụ luật.
Bộ Giáo luật 1983 đã làm nổi rõ ý tưởng này trong các nguyên tắc chính của bộ luật. Dù khẳng định “tính cách xã hội của Hội Thánh đòi hỏi một chiều hướng pháp lý tối thiểu, thế nhưng Hội Thánh vẫn nhìn nhận rằng yêu thương là giới răn cao trọng nhất (nguyên tắc thứ nhất). “Giáo luật không thể mang lại ơn cứu rỗi được, bởi vì ơn cứu rỗi là kết quả của ơn thánh và sự hợp tác của lương tâm mỗi người. Giáo luật phải biết nhìn nhận và tôn trọng lương tâm” (nguyên tắc thứ hai); “Luật pháp không thể chỉ nhằm cổ võ trật tự công cộng, nhưng còn để ý đến việc thăng tiến con người xét như là nhân vị nữa” (nguyên tắc thứ năm). Một người sống vị luật, câu nệ luật, lợi dụng luật thì khó có thể yêu thương tha nhân như là anh em.
4. Ra đi khỏi vị thế cao quý của mình: “Vậy, nếu Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Chúa Giêsu đã đi ra khỏi vị thế là Thầy, là Chúa của mình để làm tôi tớ cho các môn đồ và để hầu hạ mọi người.
Để biết ta là anh em của những ai, để tỏ lòng nhân ái với người cần lòng xót thương, không gì hơn hãy vâng nghe lệnh truyền của Đức Kitô: “Hãy làm như người Samaritanô nhân hậu”. Để làm được điều này, thiết tưởng không thể ở mãi trong vị trí yên ổn, trong định kiến của ta về tha nhân, trong cung cách vụ luật hay trong vị thế cao quý của mình. Để được sống đời đời, không thể không sống đức ái. Để sống đức ái, không thể không ra đi.
Xin tạ ơn Chúa vì đã và đang có nhiều vị mục tử tốt lành tích cực ra khỏi vị trí yên ổn của mình để đến với nhiều đàn chiên vùng sâu, vùng xa, nghèo hèn để thể hiện đức ái.
Linh mục Giuse Nguyễn VĂN NGHĨA, Gx. Phúc Lộc - GP. Ban Mê Thuột
Bình luận