Hẹn mà không gặp
Hôm nay Đức Giêsu có cuộc hẹn ở nhà một người Pharisiêu tên là Simon. Người ta có thể nghĩ Đức Giêsu phải được ông này quý mến lắm nên mới mời đến nhà và làm tiệc thết đãi, rồi tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ, trao đổi thân tình giữa chủ nhà với vị khách được coi như một ngôn sứ này (Lc 8,39). Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Chẳng biết người Pharisiêu này mời Đức Giêsu đến nhà vì mục đích gì mà ông chỉ đón tiếp Người ở mức lịch sự tối thiểu, bỏ qua cả những cách tiếp khách quen thuộc thời đó (Lc 8,44-45), thậm chí còn có ý dò xét vị khách của mình. Có lẽ ông nghĩ rằng mình là chủ nên có quyền làm những gì mình muốn. Như thế việc mời Đức Giêsu đến nhà không xuất phát từ lòng mến mộ hiếu khách mà dường như chỉ để thỏa mãn một thứ tự phụ nào đó trong ông. Ông muốn chứng tỏ mình là người có tinh thần cởi mở, hoặc để mọi người biết ông là một người Pharisiêu đạo đức khi sẵn sàng đón tiếp các ngôn sứ đến nhà. Và kết quả là, dù Đức Giêsu đã có mặt ở chỗ hẹn, đã đồng bàn với ông nhưng ông đã không gặp được Người. Bằng chứng là ông và cả những khách mời của ông không hề biết Đức Giêsu là ai (Lc 8,39;49).
Không hẹn mà gặp
Trong bữa tiệc tại nhà người Pharisiêu hôm đó, có một người không được hẹn mà đến, đó là người phụ nữ tội lỗi trong thành. Chị đến đây vì mục đích gì thì ai cũng biết, vì chị chẳng giấu diếm thân phận tội lỗi của mình. Trước mặt mọi người, chị tiến đến bên Chúa Giêsu, và bằng một cử chỉ sám hối, chị bày tỏ với Người những dấu chỉ diễn tả lòng yêu mến, tôn kính và biết ơn (Lc 8,38). Điều gì đã khiến cho chị, một phụ nữ tội lỗi, vượt qua được sự sợ hãi, vượt lên trên cả sự xấu hổ của bản thân để chỉ còn biết quan tâm đến một điều duy nhất là thể hiện lòng yêu mến của mình đối với Đức Giêsu ? Tác giả Tin Mừng không kể nhiều về cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và người phụ nữ, nhưng qua dụ ngôn hai người mắc nợ được tha, và lời nhận xét của Đức Giêsu về chị (Lc 8,47), người ta dám chắc rằng chị đã gặp được lòng xót thương và ơn tha thứ nơi vị khách Giêsu. Như vậy, dù không được hẹn, nhưng chị lại là người thực sự gặp được Đức Giêsu.
Hẹn và gặp
Thiên Chúa hẹn gặp chúng ta mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống, và Người luôn luôn có mặt ở điểm hẹn để chờ chúng ta, đặc biệt nơi thánh lễ qua Bí tích Thánh Thể và các bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải. Nhưng làm sao để có thể gặp được Thiên Chúa nơi điểm hẹn? Có lẽ nếu chỉ đến nơi thôi thì chưa đủ, chúng ta phải xem mình đã làm gì ở điểm hẹn đó. Chúng ta có thể thắc mắc tại sao mình vẫn đi lễ đều đặn, vẫn xưng tội rước lễ thường xuyên mà dường như chẳng có một gặp gỡ nào thực sự. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi mình đã đến tham dự thánh lễ với tâm tình nào? Có khi chúng ta đi lễ xưng tội chỉ vì không muốn bị coi là người khô đạo, vì bị ông bà cha mẹ thúc ép, hay đơn giản vì tự cho mình là người đạo đức. Hoặc có khi nào chúng ta thấy mình có gì đó cũng giống người Pharisiêu, đến điểm hẹn như một “ông chủ”, chẳng cần quan tâm đến việc có hay không sự hiện diện của Thiên Chúa và ở đó chúng ta làm những gì mình muốn, đến trễ về sớm, nói chuyện, nghe điện thoại, suy tính công việc làm ăn buôn bán hoặc thả hồn theo gió... Có lẽ thái độ của người phụ nữ tội lỗi sẽ giúp cho mỗi Kitô hữu biết cách để gặp được Chúa. Chỉ khi nhận biết thân phận thật của mình, một con người yếu đuối, tội lỗi, và khao khát được Chúa thứ tha, chúng ta sẽ gặp được Ngài. Và khi đã được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chạm đến, tha thứ và chữa lành, chúng ta sẽ có khả năng sống lòng thương xót, mà hình ảnh những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ở cuối đoạn Tin Mừng là một minh chứng sống động (Lc 8, 2-3).
Nt. M.Paul KIỀU THU, Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi, Chí Hòa
Bình luận