HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG - NĂM B

Mc 1,1-8

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách

1. Đức Giêsu được gọi là Đấng Kitô. Bạn có biết ý nghĩa của từ “Kitô” không? Tìm một từ đồng nghĩa với “Kitô”.

2. Đức Giêsu được gọi là “Con Thiên Chúa” trong Mc 1,1. Khi nào Chúa Cha gọi Đức Giêsu là Con yêu dấu? Đọc Mc 1,11; 9,7. Quỷ có biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa không? Đọc Mc 3,11; 5,7. Trong Tin Mừng Máccô, ai là người cuối cùng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? Đọc Mc 15,39.

3. Đọc Mc 1,2-3 và cho biết sứ mạng của Gioan Tẩy giả là gì.

4. Đọc Mc 1,4-5 và cho biết công việc chính của Gioan trong hoang địa là gì.

5. Ông Gioan mặc giống với ai trong Cựu ước? Đọc 2 Vua 1,8. Ăn châu chấu và mật ong có ý nghĩa gì?

6. Đọc Mc 1,7-8. Đây là lời giảng của Gioan cho những người tuôn đến với ông. Bạn có thấy Gioan nói về chính mình không? Ông mô tả Đấng đến sau ông là người thế nào?

7. Cứ đến mùa Vọng chúng ta lại gặp khuôn mặt của Gioan Tẩy giả. Trong Tin Mừng Máccô, hình ảnh ông Gioan có nổi bật không? Đọc 1,6-9.14; 2,18; 6,14-29; 8,28; 11,30-33.


GỢI Ý SUY NIỆM

Theo bạn, để làm chứng về Chúa Giêsu cho con người hôm nay, chúng ta có cần sống trong hoang địa và ăn mặc như Gioan không? Đời sống của người kitô hữu hôm nay cần khác biệt về mặt nào để có thể đưa con người hôm nay gặp Chúa? Cụ thể trong Mùa Vọng này, tôi muốn quyết tâm sửa đổi điều gì?


PHẦN TRẢ LỜI

1. Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được (Thiên Chúa) xức dầu. Trong tiếng Do Thái cổ, Mêsia (Mashiakh) là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Bản Bảy Mươi dịch “Mêsia” sang tiếng Hy Lạp là Đấng “Kitô” (Christos). Đấng Mêsia hay Đấng Kitô là Đấng được (Thiên Chúa) xức dầu. Người được xức dầu là người được Thiên Chúa tuyển chọn để thi hành một sứ mạng của Thiên Chúa, cho dân của Ngài. Các vị vua Do Thái như Đavít, Salomon, thậm chí cả vị vua ngoại giáo là Kyrô (Is 45,1), được gọi là đấng được xức dầu. Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái nóng lòng mong đợi một vị lãnh đạo là Đấng Mêsia hay Đấng Kitô, là người được Thiên Chúa xức dầu. Trong Tin Mừng Máccô, khi bị tra vấn trước Thượng Hội đồng, Đức Giêsu đã nhận mình là Đấng Kitô (Mc 14,62).

2. Trong Mc 1,1 ngoài tước vị “Kitô”, thánh sử Máccô còn giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa Cha đã gọi Đức Giêsu là “Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Con” khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan ở sông Giođan (Mc 1,11). Và khi Đức Giêsu được hiển dung trên núi, Cha cũng giới thiệu “Đây là Con Ta yêu dấu” (Mc 9,7). Quỷ cũng biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 3,11; 5,7). Viên đại đội trưởng ngoại giáo là người cuối cùng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa khi chứng kiến Ngài tắt thở như vậy (Mc 15,39). Thật ra Đức Giêsu đã nhận mình là Con Đấng đáng chúc tụng, nghĩa là Con Thiên Chúa, khi đứng trước Thượng Hội Đồng (Mc 14,61-62). Không thấy các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa trong Tin Mừng Máccô (khác với Mt 16,16).

3. Để nói về vai trò của Gioan Tẩy giả, thánh sử Máccô (1,2-3) đã đưa ra hai trích dẫn trong Cựu Ước, tuy không trích nguyên văn. Trích dẫn thứ nhất (Mc 1,2) trong sách Xuất hành 23,20 về biến cố dân Ítraen được Thiên Chúa cho vào Đất Hứa ở Canaan, có thiên sứ được sai đi trước để giữ gìn họ trên đường. Trích dẫn thứ hai trong sách Isaia 40,3 về tiếng của một người hô hãy làm một con đường thẳng trong hoang địa cho ĐỨC CHÚA, để Ngài từ đất lưu đày Babylon về lại Ítraen. Khi trích dẫn hai câu Kinh Thánh trên, thánh Máccô coi ông Gioan Tẩy giả là sứ giả được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho dân Israel và dọn đường cho ĐỨC CHÚA. Sứ mạng chủ yếu của Gioan Tẩy giả là dọn đường. Dọn đường cho dân đến với Chúa và dọn đường cho Chúa đến với dân. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng ở đây, đó là Gioan được sai đi để dọn đường cho dân Israel đón, không phải đón ĐỨC CHÚA của Cựu Ước, nhưng là đón Chúa Giêsu.

4. Dựa trên Mc 1,4-5, ta thấy ông Gioan ở trong hoang địa, mời gọi người ta đến chịu phép rửa của ông để tỏ lòng hối cải, hầu được tha thứ tội lỗi. Đoàn người từ khắp vùng Giuđê và Giêrusalem đến với ông. Họ xưng thú tội lỗi và được ông ban phép rửa ở sông Giođan. Như thế công việc chính của Gioan là kêu gọi dân chúng đến với mình, và đi vào hoang địa với tinh thần ăn năn hối cải. Ông mời người ta thú tội và ông ban phép rửa cho họ để họ được tha thứ. Có thể nói Gioan đã khai mở một phong trào canh tân trong cả nước. Ông mời mọi người chỉnh đốn lại con đường đời mình cho Chúa đến, cho Nước Thiên Chúa đến. Con đường cần phải đi gồm: hối cải, xưng thú tội lỗi, đón nhận phép rửa, và được tha thứ. Cần có sự khiêm tốn mới đi được con đường này. Có những người Pharisêu đã không làm được (Mt 21,32).

5. Gioan mặc áo bằng lông thú như một ngôn sứ (x. Dacaria 13,4), và thắt dây lưng bằng da giống ngôn sứ Êlia trong sách 2 Vua 1,8. Châu chấu là thức ăn được coi là “sạch” và được phép ăn theo sách Lêvi 11,20-23. Châu chấu và mật ong rừng là thức ăn có thể kiếm được tại hoang địa, nơi Gioan sống. Có thể coi đây là thức ăn của một người sống khổ hạnh, dù không hẳn Gioan chỉ ăn hai thức ăn này.

6. Trong lời giảng của ông Gioan, ta thấy ông không nói về mình. Ông chỉ rao giảng về Đấng đến sau ông nhưng quyền thế hơn ông, cao cả hơn ông đến nỗi ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người (Mc 1,7). Ông còn cho thấy phép rửa của Đấng ấy thì trổi vượt hơn phép rửa trong nước của ông hiện nay, vì đó là phép rửa trong Thánh Thần (Mc 1,8). Rõ ràng Gioan biết chỗ đứng của mình. Ông không phải là nhân vật trung tâm lôi kéo sự chú ý. Mọi sự ông làm chỉ nhằm chuẩn bị cho Đấng cao cả đến sau ông. Phép rửa của ông là cần thiết trong thời điểm này, nhưng ông lại đề cao phép rửa sắp tới trong Thánh Thần của Đấng đến sau ông (Mc 1,8). Nói chung, chúng ta thấy sự khiêm hạ của Gioan ngay khi ông đã trở nên nổi tiếng và thu hút được cả nước. Ông tự xóa mình và làm mọi người tập trung vào Đấng cao trọng hơn ông, nhưng đến sau ông.

7. Trong Tin Mừng Máccô, khuôn mặt của Gioan Tẩy giả khá nổi bật. Gioan sống trong hoang địa, sống một đời sống khắc khổ. Ông xóa mình trước Đấng đến sau ông (Mc 1,6-9). Ông là một vị ngôn sứ, có môn đệ riêng (Mc 6,29). Ông bị bắt và bị chém đầu vì can ngăn nhà vua lấy vợ của anh mình (Mc 6,14-29). Dân chúng tin ông thật là vị ngôn sứ của Thiên Chúa (Mc 8,28), và tin phép rửa của ông là phép rửa bởi trời (Mc 11,30-33).

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật I Mùa Vọng- năm C
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật I Mùa Vọng- năm C
Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay là về ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu (Lc 21,27). Đây là ngày Nước Thiên Chúa đến gần, đến một cách trọn vẹn và chung cục (Lc 21,31)
Chúa Giêsu Kitô lại đến
Chúa Giêsu Kitô lại đến
Chúa Giêsu Kitô sẽ lại đến hữu hình và vinh quang vào thời sau hết để phục sinh kẻ chết, xét xử thế gian, tiêu diệt sự dữ lẫn sự nghịch thù với Thiên Chúa và hoàn thành Nước Chúa. Các tín hữu được khích lệ sẵn sàng đón Người...
Ðứng vững trong đức tin
Ðứng vững trong đức tin
Bắt đầu Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi các tín hữu hướng về Ngày Chúa đến. Ngôn sứ Giêrêmia đã khẳng định với dân Israel rằng Thiên Chúa sẽ sai Đấng Messia đến giải thoát họ, đó là việc Chúa đến lần thứ nhất (Gr 33,14-16).
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật I Mùa Vọng- năm C
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật I Mùa Vọng- năm C
Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay là về ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu (Lc 21,27). Đây là ngày Nước Thiên Chúa đến gần, đến một cách trọn vẹn và chung cục (Lc 21,31)
Chúa Giêsu Kitô lại đến
Chúa Giêsu Kitô lại đến
Chúa Giêsu Kitô sẽ lại đến hữu hình và vinh quang vào thời sau hết để phục sinh kẻ chết, xét xử thế gian, tiêu diệt sự dữ lẫn sự nghịch thù với Thiên Chúa và hoàn thành Nước Chúa. Các tín hữu được khích lệ sẵn sàng đón Người...
Ðứng vững trong đức tin
Ðứng vững trong đức tin
Bắt đầu Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi các tín hữu hướng về Ngày Chúa đến. Ngôn sứ Giêrêmia đã khẳng định với dân Israel rằng Thiên Chúa sẽ sai Đấng Messia đến giải thoát họ, đó là việc Chúa đến lần thứ nhất (Gr 33,14-16).
Vua
Vua
Ở Đông Phương thời cổ, thể chế quân chủ có liên hệ mật thiết với vương quyền thần linh: Vua trở thành vị trung gian bẩm sinh giữa các thần linh và nhân loại.
Những giá trị Nước Trời
Những giá trị Nước Trời
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người nhìn lại vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại: vụ án Giêsu.
Hãm mình
Hãm mình
Hãm mình là việc con người từ bỏ điều vui thích hay chấp nhận sự khó nhọc, thiếu thốn, để ý chí dễ dàng tuân theo thánh ý Thiên Chúa hơn và dự phần vào Cái Chết của Chúa Kitô.
Hy sinh
Hy sinh
Hy sinh bỏ mình là chịu mất tiện nghi riêng vì người khác, như bà Ruth vì chồng (R 2,11), Giuđa vì em (St 44,33-34), tín hữu Do thái vì Chúa (Dt 10,34), Môsê vì dân Chúa (Dt 11,24-27).
Chứng nhân cho những giá trị văn hóa mới
Chứng nhân cho những giá trị văn hóa mới
Hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể các thánh chết vì đạo tại Việt Nam. Đây là những người làm chứng cho Chúa, cho những giá trị căn bản của nền văn hóa Công giáo trong ba thế kỷ XVII - XVIII - XIX.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXXII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXXII TN - năm B
Bà góa đã bỏ vào thùng tiền “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. Đối với Đức Giêsu, bà góa dù bỏ số tiền rất nhỏ vào thùng nhưng lại là người bỏ nhiều hơn mọi người khác.