Mc 3,20-35
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Đọc bài Phúc Âm hôm nay, bạn có thấy Mc 3,22-30 là đoạn chen vào giữa hai đoạn Mc 3,20-21 và Mc 3,31-35 không? Máccô có hay làm thế không? Đọc thêm Mc 5,21-43; 6,7-30; 11,12-25; 14,1-11.
2. Đọc Mc 3,20. Đức Giêsu về nhà của ai, ở đâu? Ngài có nổi tiếng không?
3. Đọc Mc 3,21. Thân nhân của Đức Giêsu từ đâu đến? Tại sao họ lại muốn đến bắt Ngài về?
4. Đọc Mc 3,22. Các kinh sư là ai, từ đâu đến? Họ nghĩ Đức Giêsu là ai? Đọc Mc 3,23-26. Đức Giêsu đã lý luận thế nào để bác bỏ ý kiến cho rằng Ngài đã nhờ quỷ vương để trừ quỷ nhỏ?
5. Đọc Mc 3,27. Bạn thấy câu này diễn tả hành động nào mà Đức Giêsu thường làm? Đọc Lc 11,20.
6. Đọc Mc 3,28-30. Tội “nói phạm thượng đến Thánh Thần” ở đây là tội gì? Tại sao tội này lại mãi mãi không được tha?
7. Đọc Mc 3,31-32. Bạn có thấy “hai” gia đình ở đây không? Hai gia đình này có gì khác nhau không?
8. Đọc Mc 3,33-35. Đức Giêsu có coi thường gia đình ruột thịt của mình không? Gia đình thiêng liêng của Đức Giêsu gồm những ai?
GỢI Ý SUY NIỆM
Đọc Mc 3,33-35. Bạn thấy những câu này có liên hệ gì với bạn không? Bạn có dám tin mình sẽ trở nên anh chị em và mẹ của Chúa Giêsu nếu mình thi hành ý Thiên Chúa không? Bạn nghĩ Đức Maria có phải là người đã thi hành ý Thiên Chúa không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Nhiều nhà chú giải cho rằng hai đoạn Mc 3,20-21 và Mc 3,31-35 vốn đi liền nhau; cả hai kể về chuyện thân nhân của Đức Giêsu đi tìm gặp Ngài lúc Ngài đang đi rao giảng. Còn đoạn Mc 3,22-30 được thánh Máccô đưa vào giữa câu chuyện này. Nội dung của Mc 3,22-30 lại là một câu chuyện khác, chuyện Đức Giêsu lấy quyền của ai mà trừ quỷ. Việc đưa một chuyện vào giữa một chuyện khác là một lối kể chuyện quen thuộc của Máccô. Máccô đã sử dụng lối viết này một số lần. Khi đọc Mc 5,21-43, ta thấy câu chuyện Đức Giêsu chữa lành bà bị băng huyết (Mc 5,25-34) được đưa vào giữa câu chuyện Đức Giêsu hoàn sinh con gái ông trưởng hội đường (Mc 5,21-24.35-43). Đọc Mc 6,7-30, ta thấy chuyện Hêrôđê chém đầu Gioan Tẩy giả (Mc 6,14-29), được đưa vào giữa chuyện Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai (Mc 6,7-13.30). Đọc Mc 11,12-25 và Mc 14,1-11 ta cũng thấy lối viết này.
2. Đức Giêsu không có nhà hay trụ sở cố định. Có thể đây là căn nhà của ông Phêrô và Anrê, ở Capharnaum, một thành gần Hồ Galilê. Ngôi nhà này đã được nhắc đến ở Mc 1,29; 2,1. Vì dân chúng kéo đến quá đông nên Đức Giêsu và các môn đệ không có giờ để ăn (Mc 3,1). Đức Giêsu nổi tiếng khi bắt đầu sứ vụ ở Galilê vì đã nhiều lần trừ quỷ (x. Mc 1,23-28.32-34) và chữa bệnh cho nhiều người, kể cả bệnh phong và bất toại (x. Mc 1,29-34; 1,40-45; 2,1-12; 3,1-6).
3. Thân nhân của Đức Giêsu có thể đến từ vùng Nadarét. Khi nghe biết Đức Giêsu không ăn uống, họ muốn bắt Ngài về, vì họ nghĩ Ngài bị mất trí (Mc 3,21). Thật ra cả các môn đệ của Ngài cũng không có giờ để ăn. Không ăn uống bị coi như dấu hiệu của người không bình thường.
4. Các kinh sư từ Giêrusalem xuống, có thể họ được phái đi bởi giới lãnh đạo Do Thái giáo ở Giêrusalem. Kinh sư là người am hiểu về Luật, và nhiều kinh sư cũng thuộc phái Pharisêu. Sau khi tìm hiểu, nhóm kinh sư này kết luận rằng Đức Giêsu chẳng những bị quỷ vương Bêendêbun ám, mà còn lợi dụng quyền năng của tên tướng quỷ này để đuổi quỷ con. Đức Giêsu bác bỏ kết luận trên bằng cách lý luận rằng bất cứ một tổ chức nào tự chia rẽ, chắc chắn sẽ bị suy vong. Nước Satan cũng vậy (Mc 3,24-26). Nếu quỷ vương và các quỷ con chia rẽ thì nước nó không thể tồn tại. Vậy mà nước Satan trên thực tế vẫn còn tồn tại, nên chắc chắn nước ấy không thể có sự chia rẽ. Từ đó không thể bảo là Đức Giêsu đã nhờ quỷ vương mà trừ quỷ nhỏ.
5. Câu Mc 3,27 nói đến hành vi trừ quỷ của Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn nhận Satan là kẻ mạnh, nó chiếm lấy nhà của con người và bắt con người làm nô lệ. Nhưng Đức Giêsu khẳng định mình là người mạnh hơn (x. Lc 11,22). Khi trừ quỷ, Đức Giêsu trói Satan và lấy lại tài sản của hắn (x. Lc 11,20). Câu này đem lại cho chúng ta sự vững tin vào Chúa, nhất là khi ta thấy quỷ vẫn lộng hành trong thế giới chúng ta và bắt một số người làm nô lệ cho nó.
6. Đức Giêsu khẳng định mọi tội của con người, kể cả tội nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, cũng có thể được tha. Còn ai nói phạm đến Thánh Thần thì mãi mãi không được tha, phải mắc tội đến muôn đời (Mc 3,29). Đây là một câu khó hiểu, vì ta không rõ tội phạm đến Thánh Thần nặng cỡ nào mà lại không được tha. Nhưng ngay sau đó Đức Giêsu đã cho ta một thí dụ về tội này, đó là tội của các ông kinh sư. Khi thấy Đức Giêsu trừ quỷ, họ biết Ngài là người của Thiên Chúa, nhưng chẳng những họ không tin, mà còn coi Ngài là người bị thần ô uế ám (Mc 3,30), là người toa rập với quỷ vương để đuổi quỷ nhỏ (Mc 3,22).Theo Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (số 1864), tội mãi mãi không được tha là tội cố ý từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa, là tội cứng lòng gạt bỏ ơn tha thứ do Thánh Thần đem lại. Tội này có thể dẫn đến hư mất đời đời.
7. Có hai gia đình ở Mc 3,31-32. Một gia đình ruột thịt của Đức Giêsu, gồm Mẹ và anh em của Ngài đến đứng ở ngoài, muốn gặp Ngài. Một gia đình khác của Đức Giêsu là đám đông đang ngồi ở trong, chung quanh Đức Giêsu. Cả hai gia đình này có vẻ không liên hệ gì với nhau, nhưng cả hai lại có mối liên hệ với Đức Giêsu: mối liên hệ máu mủ ruột thịt hay mối liên hệ thiêng liêng. Người có mối liên hệ ruột thịt cũng có thể có mối liên hệ thiêng liêng với Ngài.
8. Trong Mc 3,33-35 khi hỏi một câu hỏi gây ngỡ ngàng, vì có vẻ quá dễ: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”, Đức Giêsu cho thấy ngoài gia đình ruột thịt, Ngài còn một gia đình thiêng liêng. Ngài nhìn những người đang ngồi quanh Ngài, và cho biết chính họ là mẹ và là anh em của Ngài. Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh, là chị, và là mẹ của Ngài. Câu tự trả lời của Đức Giêsu hẳn làm chúng ta kinh ngạc và vui sướng, vì chúng ta biết rằng nếu mình thi hành ý Thiên Chúa, mình sẽ thuộc về gia đình của Đức Giêsu, được trở thành mẹ và anh chị em của Ngài. Hẳn Đức Giêsu không coi thường gia đình ruột thịt của mình, trong đó có Mẹ Maria. Nhưng đối với những người đang ngồi nghe Ngài giảng, Ngài muốn cho họ thấy họ thuộc về gia đình thiêng liêng của Ngài, nếu họ thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Vì Đức Giêsu đã thi hành ý Thiên Chúa Cha như Người Con thảo, nên bất cứ ai thi hành ý Thiên Chúa Cha đều trở nên con cái Cha và trở nên anh chị em của Ngài. Khi thi hành ý Thiên Chúa, chúng ta sinh Đức Giêsu ra cho thế giới hôm nay, và trở nên mẹ của Ngài.
Bình luận