HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - NĂM C

Ga 8,1-11

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách

1. Cho biết bối cảnh xảy ra câu chuyện ở bài Tin Mừng này (nơi chốn, thời gian, thính giả). So sánh Ga 8,1-2 với Lc 21,37-38. Bạn có nhận xét gì không?

2. Đọc Ga 8,1-6a. Đâu là mục đích của các kinh sư và người Pharisêu khi họ đưa chị này đến với Đức Giêsu? Đâu là cái bẫy họ đang giăng ra cho Ngài? Đọc Đnl 22,23-24 và cho biết muốn ném đá một phụ nữ ngoại tình thì cần những điều kiện gì?

3. Đọc Ga 8,6b. Đâu là cử chỉ và thái độ của Đức Giêsu trước câu hỏi của họ: “Thầy bảo (= nghĩ) sao?”

4. Bạn nghĩ gì về câu hỏi của Đức Giêsu trong Ga 8,7? Đức Giêsu có trả lời trực tiếp vào câu hỏi của họ ở Ga 8,5 không? Ngài đã làm gì để tránh?

5. Tại sao câu nói của Đức Giêsu ở Ga 8,7 lại tạo ra bước ngoặt, giúp giải quyết vấn đề căng thẳng?

6. Đức Giêsu đã cúi xuống và ngẩng lên mấy lần? Ngài đã tạo ra không gian tĩnh lặng bằng cách nào?

7. Đọc Ga 8,10-11. Bạn nghĩ gì về cuộc trò chuyện giữa Đức Giêsu và người phụ nữ?

8. Qua cách hành xử của Đức Giêsu, bạn thấy Ngài có coi nhẹ tội ngoại tình không? Bạn thích cách hành xử của Đức Giêsu ở những điểm nào?


GỢI Ý SUY NIỆM:

Trong Mùa Chay, bạn học được bài học nào từ thái độ của Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng này?



PHẦN TRẢ LỜI

1. Bối cảnh của câu chuyện này xảy ra ở Đền thờ Giêrusalem, vào buổi sáng sớm, trước sự có mặt của “toàn dân” (Ga 8,2). Tối hôm trước, Đức Giêsu hẳn đã qua đêm ở Núi Ôliu (Ga 8,1). Theo Tin Mừng Luca, đây là nơi Ngài có thói quen ngủ đêm khi Ngài lên Đền thờ Giêrusalem (Luca 22,39). Ban ngày, Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ (Lc 19,47). Buổi tối, Ngài qua đêm tại núi Ôliu (Lc 21,37). Ta thấy có sự tương đồng giữa Lc 21,37-38 với Ga 8,1-2. Cả hai đoạn này đều nói đến việc Đức Giêsu đến núi Ôliu vào ban đêm, và trở lại Đền thờ vào buổi sáng để giảng dạy cho “toàn dân”. Nên biết Đền thờ Giêrusalem nằm trên một ngọn núi chỉ cách núi Ôliu một thung lũng; có con suối Kítrôn chảy trong thung lũng này (Ga 18,1).

2. Các kinh sư và các người Pharisêu chắc hẳn biết thói quen lên Đền thờ lúc sáng sớm của Đức Giêsu, và họ đã may mắn tìm được một cơ hội để tố cáo Đức Giêsu là người chống lại việc giữ Luật Môsê. Chẳng biết họ đã tìm được người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình ở đâu, chỉ biết họ đã dẫn chị ta đến đứng giữa, trước mặt Đức Giêsu. Họ tố cáo tội chị ta (Ga 8,4), đồng thời nhắc cho Ngài biết theo sách Luật, ông Môsê truyền lệnh ném đá những phụ nữ phạm tội này. Họ muốn biết ý kiến của Thầy Giêsu về chuyện có ném đá chị ta hay không: “Còn Thầy, Thầy bảo sao?” (Ga 8,5). Thật ra luật Môsê trong Đnl 22,23-24 áp dụng hình phạt ném đá trong trường hợp sau đây: một cô trinh nữ đã đính hôn với một người đàn ông, nhưng lại ngủ với một người đàn ông khác, và tội này diễn ra ở trong thành, thì cả hai sẽ bị ném đá ở cửa thành. Như thế để ném đá một phụ nữ đòi hỏi nhiều điều kiện, và ta không rõ người phụ nữ đang đứng trước Đức Giêsu có phải là một trinh nữ mới hứa hôn không, có phạm tội trong thành không, người đàn ông ngủ với chị này đang ở đâu… Như thế thật hấp tấp khi đòi ném đá nếu chưa biết rõ mọi chi tiết. Các ông kinh sư và Pharisêu muốn đưa Đức Giêsu vào bẫy. Họ muốn tố cáo Ngài đã không giữ Luật Môsê, vì họ biết thế nào Ngài cũng tìm cách tha cho người phụ nữ (Ga 8,6a).

3. Đức Giêsu biết rõ họ đang giăng bẫy để tìm cớ tố cáo mình khi đặt câu hỏi ở Ga 8,5. Ngài không vội vã đưa ra câu trả lời để khẳng định lập trường của mình. Trước thái độ hung hăng của các nhà lãnh đạo tôn giáo, Ngài chọn giữ thái độ thinh lặng. Vì đang ở tư thế ngồi mà giảng dạy (Ga 8,2c), nên Ngài đã “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,6b). Ngài không có bút, chỉ dùng ngón tay, không có giấy, chỉ có đất cát. Nhiều tác giả đưa ra những đồn đoán, nhưng chúng ta chẳng bao giờ biết rõ Ngài đã viết gì trên đất. Dù sao hành vi cúi xuống, lặng lẽ dùng ngón tay viết trên đất của Đức Giêsu đã bắt đầu tạo ra khoảng lặng cho người ta hồi tâm.

4. Đức Giêsu đã viết trên đất một lúc lâu, nên họ sốt ruột và nhắc đi nhắc lại câu hỏi với sự đắc thắng: “Thầy bảo sao?”. Chắc họ nghĩ Đức Giêsu thinh lặng viết trên đất, chỉ vì không tìm ra câu trả lời. Cuối cùng thì họ cũng có câu trả lời, nhưng là một câu trả lời không đúng vô câu hỏi, và làm họ chưng hửng: “Trong các ông, ai không có tội thì là người đầu tiên (prôtos, xem Đnl 17,7) ném đá chị này đi (Ga 8,7)”. Như thế Đức Giêsu đã tránh đối đầu với Luật Môsê, khi Ngài chấp nhận cho người vô tội có quyền ném đá đầu tiên.

5. Câu nói của Đức Giêsu ở Ga 8,7 đưa những người tố cáo về với lòng mình, xét xem mình có vô tội không, trước khi ném đá người khác. Rồi Ngài lại tiếp tục tạo ra khoảng lặng, cúi xuống, không nhìn ai, viết trên đất. Câu nói này tạo ra hiệu quả không ngờ: từng người một bỏ đi, bắt đầu từ giới cao niên, rồi cả đám đông. Rõ ràng không ai dám nhận mình vô tội.

6. Đức Giêsu đã cúi xuống và ngẩng lên hai lần: cúi xuống (Ga 8,6b.8) và ngẩng lên (Ga 8,7.10). Hành vi này bình thản này làm cho bầu khí dịu lại, tạo ra sự trầm lắng để người ta trở về với lòng mình, thấy sự thực về mình hơn là tập trung vào lỗi của người khác. Hành vi cúi xuống viết trên đất, cố ý không nhìn ai, cho thấy Đức Giêsu có vẻ như muốn tách mình ra khỏi cuộc tranh luận căng thẳng. Hành vi ngẩng lên là để đối thoại với những kẻ chống đối Ngài hay với chị phụ nữ.

7. Khi Đức Giêsu ngẩng lên lần thứ hai (Ga 8,10), Ngài bắt đầu cuộc đối thoại riêng tư với người phụ nữ ngoại tình. Ngài gọi chị là “Bà” (gúnai, woman) như gọi Đức Mẹ và chị Maria Mácđala (Ga 2,4; 19,26; 20,15). Lúc này mọi người đã bỏ đi hết, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và chị ta. Chị này được mô tả là đứng “ở giữa,” nghĩa là chị ấy vẫn đứng cùng một chỗ như trước (Ga 8,3.9). Đức Giêsu hỏi chị hai câu. Ta không rõ câu hỏi thứ nhất có phải là câu hỏi thực sự không: “Họ đâu cả rồi?” Còn câu hỏi thứ hai: “Không ai kết án chị sao?” diễn tả sự ngạc nhiên ngây thơ của Đức Giêsu trước việc chị này không bị đám đông kết án và ném đá, dù chị có tội. Chị đã trân trọng trả lời vị ân nhân cứu mạng mình một cách ngây thơ không kém: “Thưa Ngài, không có ai”. Từ câu trả lời này, Đức Giêsu, Đấng vô tội, Đấng duy nhất có quyền kết án người phụ nữ đứng trước mặt mình, đã nói lên lời tha thứ và khuyên răn: “Từ nay chị đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

8. Có thể nói Đức Giêsu đã cứu mạng sống của người phụ nữ ngoại tình, nhưng Ngài không coi nhẹ tội ngoại tình. Ngài không kết án chị, nhưng đòi chị từ nay về sau phải dứt khoát không phạm tội này nữa. Ngài mời chị sang một trang mới cho đời mình, mở một tương quan mới với Thiên Chúa và với người chồng. Đức Giêsu bao dung với tội nhân, nhưng cứng rắn đối với tội.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Hương 
Hương 
Hương là biểu tượng sự tôn thờ Thiên Chúa và lời cầu nguyện dâng lên Ngài; cũng được dùng để diễn tả lòng tôn kính đối với con người hay sự vật được thánh hiến cho Thiên Chúa.
Đạo đức (luân lý) và nền tảng
Đạo đức (luân lý) và nền tảng
Đạo đức là các nguyên tắc lý thuyết và thực hành sống chính trực dưới mắt Chúa. Thánh Kinh cung cấp sự hướng dẫn chi tiết liên quan đến thái độ của các tín hữu, cũng như các gương mẫu của các cá nhân mà đời sống của họ cho...
Di chúc yêu thương
Di chúc yêu thương
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có rất nhiều chuyện kể về những người cha mẹ hay những bậc tôn sư, trước khi nhắm mắt, muốn dặn dò con cái bằng những hình ảnh, những lời khuyên để mong họ hòa thuận, thành đạt.
Hương 
Hương 
Hương là biểu tượng sự tôn thờ Thiên Chúa và lời cầu nguyện dâng lên Ngài; cũng được dùng để diễn tả lòng tôn kính đối với con người hay sự vật được thánh hiến cho Thiên Chúa.
Đạo đức (luân lý) và nền tảng
Đạo đức (luân lý) và nền tảng
Đạo đức là các nguyên tắc lý thuyết và thực hành sống chính trực dưới mắt Chúa. Thánh Kinh cung cấp sự hướng dẫn chi tiết liên quan đến thái độ của các tín hữu, cũng như các gương mẫu của các cá nhân mà đời sống của họ cho...
Di chúc yêu thương
Di chúc yêu thương
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có rất nhiều chuyện kể về những người cha mẹ hay những bậc tôn sư, trước khi nhắm mắt, muốn dặn dò con cái bằng những hình ảnh, những lời khuyên để mong họ hòa thuận, thành đạt.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật V Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật V Phục sinh năm B
Trong cuộc đời bạn, bạn có thấy mình được Chúa Cha cắt tỉa không? Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?
Huyền thoại 
Huyền thoại 
Huyền: nghĩa lý sâu kín; thoại: câu chuyện. Huyền thoại: câu chuyện có ý nghĩa sâu xa.
Cây nho
Cây nho
Cây nho mang lại những chùm trái. Người ta trồng nho để bán rượu. Chúa Giêsu Kitô mô tả mình là “cây nho thật”, là nguồn sức sống và lớn mạnh của các tín hữu.
Ở lại trong Chúa
Ở lại trong Chúa
Đức Giêsu không viết một quyển sách nào cả. Ngài cũng không xây dựng một ngôi nhà nào cả. Nhưng Ngài đã thực hiện một công trình lớn lao và cần thiết hơn nhiều, đó là xây dựng một cộng đoàn.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào.
Thập tự giá
Thập tự giá
Thập tự giá là khung gỗ có hình chữ T của tiếng Hy Lạp, đôi khi có hình chữ thập như trong chữ Hán, người Rôma dùng để cột hoặc đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó