Mc 5,21-43
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Các phép lạ trong bài Phúc Âm này xảy ra ở phía đông hay phía tây của hồ Galilê? Đọc Mc 5,1.21.
2. Đâu là những điểm chung giữa bà bị băng huyết và cô con gái ông Giaia?
3. Đức Giêsu có hay chữa bệnh bằng bàn tay không? Đọc Mc 1,31.41; 5,23.41; 6,5; 7,32; 8,23.25.
4. Đọc Mc 5,27-28. Đâu là niềm tin của bà bị băng huyết? Vào thời Đức Giêsu có ai tin như bà không? Đọc Mc 3,10; 6,56; Cv 19,12.
5. Tại sao Đức Giêsu cảm thấy cái chạm của bà? Tại sao bà sợ phát run lên? Đọc Mc 5,33.
6. Đọc Mc 5,30. Hãy cho thấy trong hai câu này, Đức Giêsu vừa siêu việt lại vừa rất con người.
7. So sánh cách Đức Giêsu hoàn sinh cô bé con ông Giaia (câu 41) với cách của ngôn sứ Êlia và Êlisha ngày xưa. Đọc 1 Vua 17,19-22; 2 Vua 4,32-35. Có gì khác nhau?
8. Talitha koum là câu nói của Đức Giêsu bằng tiếng Aramaic. Trong Phúc Âm Máccô, có những lời nói khác của Đức Giêsu bằng tiếng Aram không? Đọc Mc 3,17; 5,41; 7,11.34; 14,36; 15,34.
GỢI Ý SUY NIỆM
Theo bạn, việc Đức Giêsu gặp và chữa bệnh cho người phụ nữ trong bài Phúc Âm này có bất ngờ đối với Ngài không? Đức Giêsu có hay gặp những chuyện bất ngờ trong mỗi ngày sống của Ngài không? Ngài đã đón nhận những chuyện bất ngờ ra sao?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trong Mc 5,1 Đức Giêsu và các môn đệ sang bờ bên kia của Biển Hồ Galilê, nghĩa là đi từ phần đất của người Do Thái sang phần đất dân ngoại. Còn trong Mc 5,21 Đức Giêsu trở lại bờ bên kia, nghĩa là trở lại phần đất của người Do Thái, nơi đây Ngài gặp ông trưởng một hội đường của người Do Thái. Vậy trong bài Tin Mừng này, phép lạ chữa cho cô con bé ông trưởng hội đường và cho bà bị băng huyết đã diễn ra ở bờ tây của Biển Hồ Galilê, trên phần đất của người Do Thái.
2. Có nhiều điểm chung giữa bà bị băng huyết và cô con gái ông trưởng hội đường. Cả hai đều là phụ nữ. Một bà bị đau từ 12 năm, một cô gái 12 tuổi mới qua đời. Cả hai đều ở trong tình cảnh tuyệt vọng, không lối thoát: người phụ nữ không khỏi bệnh sau nhiều năm tốn tiền chạy chữa, nhưng tiền mất tật mang (c. 26), còn cô gái cuối cùng đã chết trước khi Đức Giêsu đến nhà (c. 35). Cả hai được khỏi nhờ chạm vào Ngài: người phụ nữ được khỏi nhờ dám sờ vào áo choàng của Ngài (c. 27), còn cô bé được hoàn sinh nhờ Ngài cầm lấy tay và nói một câu (c. 41). Cả hai đều được cứu chữa nhờ lòng tin: người phụ nữ tin mình chỉ cần sờ vào áo Đức Giêsu là sẽ được cứu (cc. 28 và 34), còn người cha của cô bé tin Đức Giêsu chỉ cần đặt tay trên con mình là nó sẽ được khỏi (c. 23), hơn nữa, ông còn tin khi để cho Ngài vào nơi con mình đã chết đang nằm (c. 40).
3. Đức Giêsu thường dùng bàn tay để chữa bệnh. Ngài cầm bàn tay của mẹ vợ ông Simôn bị sốt để nâng bà dậy (Mc 1,31). Ngài cũng làm cùng một cử chỉ đó đối với cô con gái ông trưởng hội đường và đứa trẻ bị động kinh (5,41; 9,27). Ngài cầm tay anh mù ở Bếtxaiđa (Mc 8,23), giơ bàn tay ra và đụng vào người phong (1,41). Người ta xin Đức Giêsu đặt bàn tay trên bệnh nhân để chữa bệnh (5,23; 7,32), và Ngài đã đặt tay trên họ (6,5; 8,23.25).
4. Người phụ nữ bị băng huyết tin mình sẽ được khỏi bệnh nan y kinh niên nếu mình chạm vào áo choàng của Đức Giêsu (Mc 5,28). Nhiều bệnh nhân khác cũng nghĩ như bà này. Họ muốn chạm vào Đức Giêsu (Mc 3,10) hay ít là chạm đến tua áo choàng của Ngài (Mc 6,56). Như thế người ta tin mình có thể được khỏi bệnh nhờ chạm vào một người hay một vật của người ấy. Sau này, có người đã lấy cả khăn, cả áo đã chạm đến da thịt ông Phaolô mà đặt trên bệnh nhân để chữa lành cho họ (Cv 19,12).
5. Giữa những cái chạm của đám đông, Đức Giêsu cảm được cái chạm của bà vì Ngài thấy có năng lực nơi mình phát ra (c. 30). Đó là cái chạm của lòng tin, không giống với những cái chạm tự nhiên khác do chen lấn. Chỉ cái chạm của lòng tin mới làm bật dậy sức mạnh chữa lành nơi Đức Giêsu. Do mắc bệnh băng huyết, bà bị coi là ô uế, nên theo luật, bà không được phép chạm vào Đức Giêsu vì khiến Ngài cũng bị ô uế. Bà sợ run vì bà đã làm điều không được phép làm (c. 33).
6. Khi đọc Mc 5,30, ta thấy Đức Giêsu vừa siêu việt lại vừa rất “người”. Ngài siêu việt vì Ngài biết có một năng lực phát ra từ chính mình để chữa bệnh, nhưng Ngài cũng giống như chúng ta, vì Ngài không biết ai đã chạm vào mình nên mới hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”
Bình luận