Ga 6,41-51
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Đọc Ga 6,41. Việc "người Do Thái" xầm xì về Đức Giêsu gợi cho ta về chuyện gì trong Cựu Ước? Đọc Xh 16,2-12; Ds 14,1-4.26-29.
2. Đọc Ga 6,41-42. Tại sao người Do Thái lại không tin Đức Giêsu là “bánh xuống từ trời”? Đọc thêm Ga 1,45.
3. Đọc Ga 6,33-51. Có bao nhiêu cụm từ “xuống từ trời” trong đoạn văn trên? Đức Giêsu khẳng định mình “xuống từ trời” nghĩa là gì? Một người “xuống từ trời” có thể có cha mẹ ở trần gian không?
4. Đọc Ga 6, 35-51. Có bao nhiêu cụm từ “đến với tôi” trong đoạn văn này? Tìm một cụm từ trong đoạn văn trên đồng nghĩa với cụm từ “đến với tôi”.
5. Đọc Ga 6,44-45. Theo bạn, để đến với Đức Giêsu và tin vào Ngài, cần những điều kiện gì?
6. Đọc Ga 6,27-51. Có bao nhiêu từ “sự sống”, “sống đời đời”, và “sống lại” trong đoạn văn này. Làm sao để có được sự sống này?
7. Đọc Ga 6,46. So sánh với Ga 1,18; 5,37. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu có phải là người duy nhất thấy Thiên Chúa Cha không? Trong Cựu Ước, ông Môsê có thấy Thiên Chúa diện đối diện không? Đọc Ds 12,7-8; Đnl 34,10; Xh 33,11-23; 34,29.
8. Đọc Ga 6,51. Bạn có thấy trong câu này có một từ xuất hiện lần đầu trong chương 6 này không? Bánh hằng sống bây giờ là gì? Được ban cho ai?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Trong cuộc sống, có khi nào bạn thấy Chúa Cha lôi kéo mình đến với Chúa Giêsu không? Có khi nào bạn mệt mỏi chán chường, rồi thấy Chúa Giêsu đến nuôi mình và cho mình sức sống không? Có khi nào bạn cưỡng lại sự lôi kéo của Chúa Cha và từ chối đến với Chúa Con không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trong Cựu Ước, khi đi trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, con cái Israel đã phàn nàn, kêu trách ông Môsê khi họ bị đói. Họ nhớ đến những thức ăn trước đây ở đất Ai Cập và muốn thà bị nô lệ ở đó còn hơn là chết đói ở đây (Xh 16,2-12). Ngay khi sắp vào Đất Hứa, họ cũng lẩm bẩm kêu trách Chúa và ông Môsê, vì họ sợ bị những dân ở đó ăn hiếp (Ds 14,1-4.26-29). Nói chung, dân Israel có tính hay phàn nàn, lẩm bẩm về những điều Chúa làm không vừa ý họ. Trong bài Tin Mừng này, vào thời Đức Giêsu, người Do Thái không kêu trách Ngài hay phản đối ra mặt, nhưng họ lại xầm xì với nhau về câu nói của Đức Giêsu: “Chính tôi là bánh từ trời xuống” (x. Ga 6,41-43).
2. Trong Ga 6,32-33 Đức Giêsu đã nói về thứ bánh đặc biệt Chúa Cha ban: bánh thật, bánh xuống từ trời, bánh ban sự sống cho thế gian. Trong Ga 6,35 Ngài đã nhận mình chính là thứ bánh ấy. Sau đó Ngài còn nói rõ: “Tôi đã xuống từ trời” (Ga 6,38.42) hay “Chính tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6,41). Những câu nói trên của Đức Giêsu khiến người Do Thái xầm xì. Họ không tin Đức Giêsu là “bánh xuống từ trời” (Ga 6,41). Họ cũng không chấp nhận được chuyện một con người như Đức Giêsu mà lại dám nhận mình “xuống từ trời.” Họ thừa biết ông Giuse là cha của Ngài, và biết cả mẹ của Ngài nữa (Ga 6,42; 1,45; 2,1). Vậy nếu Đức Giêsu có cha mẹ ở trần gian thì Ngài không thể nói mình xuống tự trời được.
3. Trong đoạn Ga 6,33-51 có 4 lần Đức Giêsu nói mình là “bánh xuống từ trời” (Ga 6,33.41.50.51), và 2 lần Đức Giêsu khẳng định: “Tôi đã xuống từ trời” (Ga 6,38.42). Cụm từ “xuống từ trời” được nhắc đến 6 lần trong đoạn văn này. Người kitô hữu tin Đức Giêsu là Thiên Chúa Con Một, là Ngôi Lời có từ vĩnh cửu (Ga 1,1). Vì muốn cứu độ nhân loại, Ngôi Lời đã xuống từ trời, và trở thành người như chúng ta (Ga 1,14). Trong tư cách là người, Ngài đã có cha, có mẹ như chúng ta. Như thế Đức Giêsu vừa có nguồn gốc thần linh từ trời, vừa có nguồn gốc nhân loại như chúng ta. Tiếc thay người Do Thái (tức những nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối Đức Giêsu) không tin vào nguồn gốc thần linh của Ngài.
4. Trong Ga 6,35-51 có 5 cụm từ ‘đến với tôi’ (Ga 6,35.37.44.45). Khi đọc Ga 6,35: “Ai đến với tôi sẽ không hề đói; ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ”, ta thấy câu này có hai vế song song và đồng nghĩa. Bởi đó cụm từ ‘đến với tôi’ đồng nghĩa với cụm từ ‘tin vào tôi’.
5. Dựa theo Ga 6,44-45, để đến được với Đức Giêsu và tin vào Ngài, cần đón nhận hai tác động của Chúa Cha. Trước hết là sự lôi kéo của Chúa Cha. Chúa Cha luôn kéo chúng ta lại với Con của Cha, vì Cha muốn chúng ta có sự sống đời đời và được sống lại trong ngày sau hết nhờ tin vào Người Con ấy (Ga 6,40.44). Kế đó là lời dạy dỗ của Chúa Cha. Cha là Đấng dạy dỗ mọi người, chẳng trừ ai (Ga 6,45; Gr 31,34). Lời dạy dỗ của Chúa Cha cũng đưa ta đến với Con của Ngài. Bất cứ ai lắng nghe và học nơi Chúa Cha đều sẽ đến với Đức Giêsu (Ga 6,45). Như vậy có thể nói, để đến với Đức Giêsu, cần có sự lôi kéo và giáo huấn của Chúa Cha. Nhưng cũng cần sự đáp lại tích cực của con người, đó là không cưỡng lại sự lôi kéo đó và lắng nghe lời dạy dỗ của Chúa Cha.
6. Trong Ga 6,27-50, có nhiều danh từ “sự sống” (zôê: Ga 6,33.35.48.51), “sự sống đời đời” (zôê aiônios: Ga 6,27.40.47), và động từ ‘sống lại’ (Ga 6,39.40.44). “Sự sống” và “sự sống đời đời” là hai từ đồng nghĩa trong Tin Mừng thứ Tư. Đây là sự sống siêu nhiên. Sự sống này là món quà mà Đức Giêsu trao tặng cho con người. Đế có sự sống, cần đến với Đức Giêsu, tin vào Ngài (Ga 6,40.47), và ăn tấm bánh Ngài ban, tấm bánh là chính Ngài (Ga 6,51).
7. Nhiều lần Tin Mừng thứ tư khẳng định Đức Giêsu là Đấng duy nhất ‘thấy’ Chúa Cha (Ga 1,18; 5,37; 6,46). Trong Cựu Ước, có truyền thống cho rằng ai thấy Thiên Chúa thì sẽ phải chết (Xh 19,21; 33,20; Lv 16,2.13; Ds 4,20; Is 6,4), nên ông Môsê chỉ được thấy lưng của ĐỨC CHÚA thôi, chứ không thấy mặt (Xh 33,21-23). Tuy nhiên, cũng có những bản văn nói ông Môsê đã gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện mà không chết (Ds 12,7-8; Đnl 34,10; Xh 24,10-11; 33,11). Dù sao những cuộc gặp gỡ trên đây của Môsê thật ra chỉ kéo dài một khoảng thời gian nhất định, ở một nơi nhất định như trên núi hay trong Lều Hội ngộ. Hơn nữa, đây là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa cao cả và Môsê là một thụ tạo thấp hèn (x. Xh 33,20-23). Còn Đức Giêsu gặp gỡ Chúa Cha một cách hoàn toàn khác với Môsê. Vì trong tư cách là Thiên Chúa Con Một, Ngài luôn thấy Thiên Chúa Cha, gặp Chúa Cha, và luôn ở trong cung lòng của Chúa Cha (Ga 1,18).
8. Trong câu Ga 6,51 có một từ xuất hiện lần đầu ở chương này, đó là danh từ ‘thịt’ (sarx). Ở đây Đức Giêsu không chỉ nói mình là bánh hằng sống từ trời xuống (x. Ga 6,51a), Ngài còn nói mình sẽ ban bánh là chính thịt của mình cho sự sống của thế gian (x. Ga 6, 51c). Khi vào đời làm người, Ngôi Lời đã trở thành thịt (Ga 1,14). Bây giờ Ngài ban thịt của mình cho thế gian. Câu nói này ám chỉ đến cái chết của Ngài và đến bí tích Thánh Thể mà chúng ta sẽ thấy rõ hơn trong Ga 6,52-58. Đức Giêsu trao ban thứ bánh mới này cho sự sống của mọi người trên thế giới.
Bình luận