Ga 6,24-35
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Đọc Ga 6,1-25. Hãy tóm tắt diễn tiến của câu chuyện.
2. Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nói mấy lần câu: “Quả thật, quả thật, tôi bảo các ông”.
3. Đám đông đi tìm Đức Giêsu và gặp lại Ngài ở Caphácnaum. Đức Giêsu nghĩ họ tìm Ngài vì lý do gì? Đọc Ga 6,26. “Thấy những dấu lạ” nghĩa là gì?
4. Đọc Ga 6,27-29. Đức Giêsu mời đám đông làm việc gì để được lương thực thường tồn?
5. Còn đám đông đã đòi hỏi Ngài phải làm gì? Đọc Ga 6, 30-31.
6. Bánh bởi trời vào thời ông Môsê là bánh gì? Đọc Xuất hành 16,4-5.13-27; Thánh vịnh 78,24.
7. Đâu là sự giống nhau và khác nhau giữa bánh bởi trời vào thời ông Môsê và bánh bởi trời vào thời Đức Giêsu? Đọc Ga 6,32-33.
8. Khi Đức Giêsu nói đến bánh thật, bánh ban sự sống cho thế gian (Ga 6,32-33), đám đông có hiểu đó là thứ bánh gì không? Họ có hiểu lầm không (xem Ga 4,14-15)? Cuối cùng Tấm Bánh Đức Giêsu hứa ban là gì? Đọc Ga 6,35.
GỢI Ý SUY NIỆM
Theo bạn, con người hôm nay đói khát điều gì, về đời sống vật chất và tâm linh? Người giàu và người nghèo có cùng một đói khát không? Tại sao chỉ Đức Giêsu mới có thể làm nhân loại hết đói khát về mặt tâm linh?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Vào lúc gần đến lễ Vượt Qua, Đức Giêsu và các môn đệ đi trên một chiếc thuyền, có lẽ từ Caphácnaum, sang bên kia biển hồ Galilê, tức bờ đông (Ga 6,1). Có đông dân chúng đi theo bằng thuyền (Ga 6,2.24). Ở đó Đức Giêsu đã làm dấu lạ bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng (Ga 6,5-15). Vào buổi chiều, các môn đệ xuống thuyền trở lại Caphácnaum, trong khi đó Đức Giêsu còn ở lại (Ga 6,16-17). Sau đó một thời gian, Ngài mới đi trên mặt biển động để đến với các ông. Lúc đó các ông đang ở trong thuyền nhưng Ngài không vào thuyền với các ông (Ga 6,18-21). Tuy nhiên, cuối cùng Thầy trò đều có mặt tại Caphácnaum. Vào hôm sau, khi không thấy Đức Giêsu và các môn đệ ở bờ đông, dân chúng mới xuống thuyền qua bờ tây, đến Caphácnaum để tìm, và họ đã gặp Ngài ở đó (Ga 6,22-25).
2. Đức Giêsu nói câu: “Quả thật, quả thật (amen, amen), tôi bảo các ông” hai lần trong bài Tin Mừng này (Ga 6,26.32). Ngài còn dùng nhiều lần khác trong Tin Mừng Gioan (6,47.53; 8,34.58; 10,7; 12,24; 13,20.21.38; 14,12…). Khi dùng lối nói này, Đức Giêsu có ý khẳng định cách long trọng lời tuyên bố sau đó của mình. Trong Tin Mừng Mátthêu, ta cũng gặp lối nói tương tự này nhiều lần, nhưng ở đây Đức Giêsu chỉ nói một lần amen thôi (Mt 6,2.5; 10,15.42; 11,11; 16,28; 18,3.13.18.19…).
3. Đám đông đã theo Đức Giêsu, chèo thuyền qua bên kia hồ Galilê, đã được Ngài đãi một bữa no nê. Hôm sau, họ không thấy Ngài và các môn đệ nữa, nên chèo thuyền về lại Caphácnaum và cuối cùng gặp được Ngài ở đó (Ga 6,25). Khi thấy đám đông đi tìm mình, Đức Giêsu khẳng định họ đi tìm Ngài chỉ “vì họ đã được ăn bánh no nê”, chứ không phải vì họ “đã thấy những dấu lạ” (Ga 6,26). Làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng là một dấu lạ của Đức Giêsu. Khi làm dấu lạ này, Đức Giêsu cho bánh hóa nhiều để thỏa mãn sự sống thân xác của họ. Nhưng Ngài còn muốn cho họ một thứ Bánh khác để nuôi dưỡng sự sống tâm linh. Dân chúng đi tìm Ngài vì mong có bánh nuôi thân xác, và họ chỉ muốn thế thôi. Chính vì thế Ngài trách họ là “đã không thấy những dấu lạ”, nghĩa là không nhận ra ý nghĩa sâu xa của những dấu lạ Ngài làm. Họ cũng chưa nhận ra Ngài là ai, để từ đó có thái độ tin vào Ngài.
4. Đức Giêsu nói đến hai thứ lương thực: lương thực mau hư nát và lương thực thường tồn. Ngài khuyên họ nên làm việc để có thứ “lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời”, chứ đừng làm việc để có thứ “lương thực mau hư nát” như những tấm bánh họ mới được ăn hôm qua (Ga 6,27). Ngài khẳng định Ngài có thể ban thứ lương thực thường tồn này, vì Ngài là Con Người đã được Thiên Chúa Cha đóng ấn (Ga 6,27). Nhưng để được ban thứ lương thực này thì phải làm những việc Thiên Chúa muốn. Mà việc Thiên Chúa muốn đó là “tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến”, tin vào Đức Giêsu (Ga 6,29). Vậy tin Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai, là điều kiện để được hưởng lương thực thường tồn, đem lại sự sống đời đời.
5. Khi Đức Giêsu đòi họ tin vào Ngài, đám đông lại muốn Đức Giêsu phải “làm một dấu lạ” khác thì họ mới thấy và tin (Ga 6,30). Có vẻ dấu lạ bánh hóa nhiều chưa đủ để họ tin vào Ngài. Họ nhắc đến một dấu lạ lớn màThiên Chúa đã làm cho dân Israel trong hoang địa, đó là nuôi tổ tiên họ bằng manna là bánh bởi trời trong nhiều năm (Ga 6,31). Đối với họ, dấu lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông của Đức Giêsu chưa thể so sánh được với dấu lạ manna ngày xưa vào thời ông Môsê. Vậy có thể coi Ga 6,30-31 là một thách đố của dân chúng đối với Đức Giêsu.
6. Bánh bởi trời thời ông Môsê chính là manna. Thiên Chúa cho manna rơi trên mặt đất. Manna “giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong” (Xh 16,31). Mỗi sáng con cái Israel phải lượm về để nấu lên mà ăn, tùy nhu cầu của mình. Ngày nào có manna cho ngày đó. Không thể để dành đến sáng mai, vì nó sẽ bốc mùi. Tuy nhiên, ngày thứ sáu được lượm gấp đôi để dành cho ngày sa-bát mà vẫn không bốc mùi, vì ngày sa-bát Chúa không ban manna. Chúa đã nuôi dân suốt 40 năm bằng manna cho tới khi họ đến đất hứa Canaan (Xh 16,35).
7. Đức Giêsu cho thấy sự giống nhau và khác nhau của bánh bởi trời thời Môsê và bánh bởi trời thời của Ngài. Cả hai đều là bánh từ trời. Nhưng manna là bánh vật chất từ trời rơi xuống, chỉ nuôi sống thân xác, và chỉ được ban cho dân Ítraen trong thời gian họ đi trong hoang địa về Đất Hứa. Còn bánh từ trời xuống mà Thiên Chúa – Cha của Đức Giêsu– ban mới là “bánh thật” (Ga 6,32). Bánh thật này có khả năng ban “sự sống” không chỉ cho dân Israel mà cho cả thế gian (Ga 6,33). Hơn nữa, sự sống ở đây là sự sống đời đời (zôê) chứ không phải là sự sống thể lý (psykhê).
8. Dân chúng ở Caphácnaum nghe thấy thứ bánh mà Đức Giêsu giới thiệu thì thích lắm và xin. Họ cứ tưởng Đức Giêsu sẽ ban một thứ bánh đặc biệt nào đó nên họ xin (Ga 6,34). Họ cũng hiểu lầm như người phụ nữ Samaria về thứ nước uống vào thì “muôn đời không bao giờ khát” mà Đức Giêsu hứa ban (Ga 4,14-15). Cuối cùng, Đức Giêsu cho họ biết Bánh thật, Bánh ban sự sống đời đời chính là con người Ngài (Ga 6,35). Ngài mời người ta đến với Ngài và tin vào Ngài để khỏi đói và khát về mặt tâm linh.
Bình luận