Mc 10,35-45
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Bài Tin Mừng này nằm ngay sau sự kiện nào? Sự kiện đó có ảnh hưởng gì trên bài Tin Mừng này không?
Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau việc Đức Giêsu báo trước cuộc Thương Khó và Phục Sinh lần thứ ba (Mc 10,32-34). Ngài báo riêng cho Nhóm Mười Hai khi Thầy trò đang trên đường lên Giêrusalem, nơi Ngài sẽ chịu khổ đau, nhục nhã và bị giết chết bởi giới lãnh đạo Do Thái giáo và dân ngoại. Sau khi Ngài loan báo những biến cố kinh khủng như thế sắp xảy đến cho mình, thì lại xảy ra chuyện hai người con của ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan xin ngồi hai bên tả hữu của Thầy trong vinh quang (Mc 10,35-45). Từ đó mười môn đệ còn lại bực bội với hai ông này. Như thế cả Nhóm Mười Hai có vẻ không hiểu, không đồng cảm được với thân phận đang chờ Thầy mình. Họ như đang đắm mình trong thế giới của quyền lực và vinh quang, một thế giới hoàn toàn khác với thế giới Thầy sắp bước vào.
2. Hai ông Giacôbê và Gioan có phải là những môn đệ thân tín của Thầy Giêsu không? Đọc Mc 5, 37; 9,2; 14,33. Đọc thêm Mc 1,19-20.
Hai ông Giacôbê và Gioan là những người xin được ngồi hai bên tả hữu của Thầy khi Thầy được vinh quang. Họ là hai môn đệ thân tín trong Nhóm Mười Hai của Đức Giêsu. Cùng với Phêrô, họ làm nên một bộ ba, thường được đi riêng với Thầy và ở gần Thầy trong những dịp đặc biệt. Họ có mặt khi Thầy hiển dung trên núi cao (Mc 9,2), hay khi Thầy chiến đấu trong Vườn Dầu (Mc 14,33). Họ là những người duy nhất được đi theo khi Thầy đến nhà của ông trưởng hội đường để hoàn sinh cô con gái ông đã chết (Mc 5,37). Giacôbê , Gioan và Phêrô thuộc nhóm các môn đệ đầu tiên được kêu gọi (Mc 1,19-20).
3. Bạn nghĩ gì về cách hỏi và cách trả lời giữa hai môn đệ và Thầy Giêsu trong Mc 10,35-36?
Lời xin của hai ông Giacôbê và Gioan được dịch sát như sau: “Thưa Thầy, chúng con muốn rằng bất cứ điều gì chúng con xin Thầy thì Thầy làm cho chúng con” (Mc 10,35). Khi đọc lời xin trên của hai ông, ta không thấy đó là một lời xin khiêm tốn của người môn đệ, dù có động từ xin. Ta có cảm tưởng họ cho mình có quyền đòi Thầy phải làm bất cứ điều gì họ yêu cầu. Câu trả lời khiêm tốn của Thầy Giêsu có thể làm ta chưng hửng. Thầy đã sử dụng lại hai động từ xin và làm trong câu nói của hai ông: “Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (Mc 10,36). Có vẻ Thầy Giêsu không hề bị sốc bởi câu hỏi của họ. Thầy chỉ muốn biết rõ hơn điều họ muốn xin Thầy làm. Thầy như đóng vai người tôi tớ nghe lệnh của chủ và sẵn sàng làm điều chủ muốn.
4. Đọc Mc 10,37. "Xin ngồi hai bên tả hữu của Thầy trong vinh quang của Thầy", điều đó nghĩa là gì?
Hai ông Giacôbê và Gioan xin được ngồi hai bên tả hữu của Thầy vì có thể hai ông tin rằng Thầy Giêsu sắp vào thành Giêrusalem chính là để lên ngôi Vua và cai trị cả Nước Israel trong tư cách là Đấng Mêsia (xem Lc 19,11). Họ tin Thầy sắp được hưởng vinh quang trong Nước của Thầy (xem Mt 20,2), nên xin được chung phần vinh quang đó. Hai ông xin được hưởng vinh quang ấy ở mức độ cao hơn những môn đệ khác: đó là được ngồi hai bên tả hữu của Thầy khi Thầy lên ngôi vua (Mc 10,37). Tuy nhiên, như chúng ta thấy, Thầy Giêsu vào Giêrusalem và lên làm vua bằng một con đường khác với con đường các môn đệ nghĩ. Đó là con đường chịu đóng đinh trên thập giá. Không có vinh quang, chỉ có nhục nhã. Không có môn đệ nào ở hai bên, chỉ có hai tên cướp cùng chịu đóng đinh “một tên bên phải, một tên bên trái” (Mc 15,27).
5. Đọc Mc 10,38. Đức Giêsu dùng hai hình ảnh nào để nói về đau khổ và cái chết mình sắp chịu? Ngài có muốn họ hiệp thông với Ngài trong đau khổ đó không? Đọc Mc 14,36; Tv 69,2-3. Theo ý bạn, hai ông có hiểu ý nghĩa câu hỏi của Đức Giêsu ở Mc 10,38 không?
Thầy Giêsu hẳn ngỡ ngàng trước câu hỏi có mùi trần tục của họ nên nói: “Các anh không biết các anh xin gì!” Sau đó Thầy kiên nhẫn kéo họ về với cuộc Khổ nạn sắp đến của mình, và mời họ tham dự vào cuộc Khổ nạn ấy. Thầy dùng hai hình ảnh: “chén” và “phép rửa” (Mc 10,38) để nói về cuộc Khổ nạn. Chén Thầy sắp uống là chén đắng của khổ đau, như sau này Thầy sẽ nói đến trong Vườn dầu (x. Mc 14,36). Phép rửa Thầy sắp chịu sẽ dìm Thầy dưới dòng nước (x. Tv 69,2-3). Thầy Giêsu không uống chén hay chịu phép rửa một mình. Thầy hỏi các môn đệ xem họ có dám uống chung với Thầy một chén đắng, hay chịu chung với Thầy một phép rửa không. Nói cách khác, Thầy mời họ thông hiệp vào cuộc Khổ nạn sắp đến của Thầy.
Hai ông đã mau mắn đồng ý uống chén Thầy sắp uống và chịu phép rửa Thầy sắp chịu (Mc 10,39), dù có thể họ không hiểu rõ điều đó có ý nghĩa gì. Họ chỉ mong sao được ngồi hai bên tả hữu trong vinh quang khi Thầy Giêsu lên làm vua thôi. Tuy nhiên, ta biết rằng sau này ông Giacôbê sẽ chịu tử đạo (x. Cv 12,2).
6. Đọc Mc 10,40. Câu này cho thấy Đức Giêsu là người thế nào?
Qua Mc 10,40 Thầy Giêsu khiêm tốn nhìn nhận mình không có quyền trong việc sắp xếp chỗ ngồi trong Nước Thiên Chúa. Các môn đệ mơ tưởng vinh quang trần thế khi Thầy của họ lên ngôi vua. Nhưng đó chỉ là mơ ước hão huyền của hai ông thôi, vì Thầy không làm vua như họ nghĩ và Nước của Thầy không thuộc trần gian này. Bây giờ Thầy nói về chỗ ngồi trong vinh quang Nước Trời, và Thầy khẳng định việc sắp xếp này thuộc quyền Thiên Chúa Cha.
7. Đọc Mc 10,42-44. Đức Giêsu đối lập hai kiểu lãnh đạo: kiểu ngoài đời và kiểu của Thầy Giêsu. Hai kiểu này rất khác nhau ở điểm nào? Đọc thêm Mc 9,35.
Thầy Giêsu cho thấy có hai kiểu lãnh đạo, một theo kiểu người đời, một theo kiểu của Thầy (Mc 10, 42-44). Kiểu người đời thì dùng quyền uy mà thống trị, cai quản dân. Thầy Giêsu nhấn mạnh với Nhóm Mười Hai, là những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội: “Giữa anh em không được có chuyện đó!” Họ không được lãnh đạo theo kiểu người đời. Thầy không cấm họ “ước muốn làm lớn hay làm đầu”. Ngược lại Thầy còn chỉ cho họ cách làm lớn, đó là phải làm đầy tớ phục vụ mọi người (Mc 10,44).
8. Mc 10,45 nói đến gương phục vụ của Đức Giêsu. Đỉnh cao của việc phục vụ này là gì?
Câu Mc 10,45 cho thấy gương lãnh đạo của Thầy Giêsu. Mục đích của Thầy khi đến thế gian không phải để được người ta phục vụ mình, nhưng để mình phục vụ mọi người. Hơn thế nữa, Thầy còn đi đến tột đỉnh của sự phục vụ, đó là hiến mạng sống mình cho mọi người. Cái chết của Thầy sẽ cứu chuộc loài người, để họ được giải thoát và tự do. Câu Mc 10,45 gói ghém toàn bộ mục đích và hướng đi của đời Thầy Giêsu. Thầy đến trần gian này chỉ để làm chuyện đó.
CÂU HỎI SUY NIỆM |
Bình luận