Mt 25,31-46
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Tìm những điểm giống nhau giữa Mt 25,31-33 với Mt 16,27; 19,28; 24,30. Con Người đến trong vinh quang khi nào và để làm gì?
2. Đọc Mt 25,32-33. “Các dân thiên hạ” là ai? Xem Mt 24,14; 28,19. Chiên và dê tượng trưng cho ai? Đứng bên phải và đứng bên trái có khác nhau không? Đọc 1 Vua 2,19; Thánh vịnh 110,1.
3. Đọc Mt 25,34. “Đức Vua” ở đây là ai? Đức Vua đến làm nhiệm vụ gì?
4. So sánh hai câu nói của Đức Vua ở Mt 25,34 và 25,41. Tìm những điểm ngược nhau.
5. Đọc Mt 25,35-36. Đức Vua bảo mình đã ở trong 6 hoàn cảnh khốn khó nào?
6. Đọc Mt 25,37-39. Tại sao “những người công chính” lại ngạc nhiên khi Đức Vua nói?
7. Đọc Mt 25,40.45. Tại sao hai câu này là những câu rất quan trọng cho đời sống Kitô hữu?
8. “Người anh em bé nhỏ nhất này của Ta” là ai? Xem Mt 12,48-49; 28,10; 18,6.10.14; 10,42; Ga 20,17.
GỢI Ý SUY NIỆM
Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, điều gì có thể làm bạn rất ngạc nhiên? Tại sao bài Tin Mừng này được Giáo hội chọn đọc trong lễ Chúa Kitô Vua? Một người tuy không biết Chúa, nhưng giúp đỡ các môn đệ của Chúa, thì có thể được cứu rỗi không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Qua Mátthêu 25,31-33, Đức Giêsu cho thấy một điều mà chúng ta phải tin, nằm trong kinh Tin kính. Đó là việc Ngài sẽ “đến trong vinh quang” để phán xét cả nhân loại vào ngày tận thế. Đức Giêsu đã đến lần đầu như một em thơ yếu đuối. Ngài sẽ đến lần cuối như một vị Thẩm phán đầy quyền năng để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tin Mừng Mátthêu nhiều lần nói đến biến cố cuối cùng và quan trọng này (Mt 16,27; 19,28; 24,30; 25,31-33), biến cố mà chúng ta tin chắc sẽ xảy ra trong tương lai. Trong các câu trích dẫn trên đây, Đức Giêsu luôn nhận mình là “Con Người” sẽ đến “trong vinh quang”, có các “thiên sứ” theo hầu (Mt 16,27; 24,31; 25,31). Ngài đến để thưởng phạt (Mt 16,27), để xét xử các chi tộc Ítraen (Mt 19,28), để “tập hợp những kẻ được tuyển chọn” (Mt 24,31).
2. Lối nói “các dân thiên hạ” ở Mt 25,32, nguyên văn là “mọi dân tộc” (panta ta ethnê). “Các dân tộc” (ta ethnê) là từ thường được Mátthêu dùng để chỉ dân ngoại (Mt 4,15; 5,47; 20,25; 24,9…). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, từ này cũng bao gồm cả người Do Thái nữa (Mt 24,14; 28,19). Ở Mt 25,32, “các dân thiên hạ” để chỉ mọi dân tộc trên trần gian. Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu “tách biệt chiên với dê”. Chiên tượng trưng cho người tốt, dê tượng trưng cho người xấu. Thật ra, người Do Thái thường nuôi chiên chung với dê, chỉ tách chúng vào ban đêm hay khi lấy sữa. Dê cần chỗ ngủ ấm hơn, còn chiên thích ngủ ngoài trời. Ở chỗ khác, Ngài phân biệt lúa với cỏ lùng, cá tốt với cá xấu (Mt 13,24-30.47-50). Đối với người Do Thái, bên phải luôn được coi là chỗ danh dự (1 Vua 2,19; Tv 110,1). Ở đây bên phải là chỗ những người được thưởng, bên trái là chỗ những người bị phạt.
3. Trong Mt 25,34 hình ảnh “Đức Vua” xuất hiện thay cho nhìn ảnh “Con Người” ở Mt 25,31. Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu là Đấng Mêsia mà người Do Thái mong đợi. Đấng Mêsia này là một vị Vua, con của Vua Đavít (Mt 2,2; x. Lc 1,32-33). Cũng như “Con Người”, “Đức Vua” chính là Đức Giêsu sẽ đến lần thứ hai vào ngày quang lâm, để phán xét mọi dân tộc trên mặt đất. Ngài đã loan báo về Nước Trời lúc ban đầu (Mt 3,2), bây giờ Ngài đến để ban Vương Quốc ấy (Mt 25,34).
4. Trong câu Đức Vua nói với những người đứng bên phải hay bên trái, có những điểm tương phản Những người đứng bên phải được gọi là “những kẻ được Cha Ta chúc phúc”; họ được mời “đến để thừa hưởng Vương Quốc đã được chuẩn bị cho họ từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34). Còn những người bên trái là “những kẻ bị nguyền rủa” nghĩa là bị Thiên Chúa nguyền rủa; họ bị “đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời đã được chuẩn bị cho tên Quỷ Dữ và các thần sứ của nó” (Mt 25,41).
5. Qua câu Mt 25,35-36, Đức Vua đã cho biết Ngài đã trải qua sáu hoàn cảnh khốn khó như sau: đói, khát, là khách lạ (Rm 12,13), trần truồng (Đnl 15,11), đau yếu, bị ở tù (Cl 4,18). Hai câu này hẳn làm mọi người ngạc nhiên, vì chuyện Vua mà phải trải qua những cảnh ngộ như thế là không thể tin được. Hơn nữa, Đức Vua còn cho biết Ngài đã được những người đứng bên phải giúp đỡ khi Ngài sống trong sáu hoàn cảnh bi đát đó. Sáu hoàn cảnh trên đây tượng trưng cho thảm kịch của nhân loại thuộc mọi thời đại. Thời nào cũng có những người đói khát, đau yếu, di dân, vô gia cư, tội phạm. Đến với họ là đến với Chúa Giêsu. Có thể nói họ là một á bí tích.
6. Những người công chính nghe những lời của Đức Vua với sự ngạc nhiên sững sờ (Mt 25,37-39). Lập tức họ đặt câu hỏi cho Đức Vua, vì họ không rõ “khi nào” họ đã làm những điều đó cho Ngài. Họ không hề nhớ có lần nào Đức Vua đã gặp cơn quẫn bách và họ đã ra tay trợ giúp. Chúng ta vẫn không tin
7. Câu Mt 25,40 là câu quan trọng cho đời sống kitô hữu. Đức Giêsu bắt đầu câu này một cách long trọng: “Ta bảo thật các ngươi…”. Ngài khẳng định: “Khi các ngươi làm những điều ấy cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các người làm cho chính Ta”. Như thế Đức Giêsu đã đồng hóa mình với “những người anh em bé mọn nhất” của Ngài. Ai làm cho họ là làm cho Ngài. Đức Vua Giêsu thì không ai gặp, nhưng anh em khốn khổ của Ngài thì chúng ta gặp hoài trong cuộc sống. Ơn cứu độ chúng ta dựa vào thái độ của chúng ta đối với những anh chị em này. Chúng ta sẽ được vào hưởng Nước Trời hay bị trầm luân trong lửa đời đời tùy theo cách cư xử của chúng ta đối với họ. Câu Mt 25,45 đưa ra một khẳng định tương phản: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất này, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy?” Như thế, theo dụ ngôn này, người ta có thể mất ơn cứu độ chỉ vì không biết giúp đỡ những ai hoạn nạn. Phải cho người thiếu thốn đúng điều họ đang cần.
8. Có nhiều cách hiểu về lối nói: “Người anh em bé mọn nhất này của Ta”. Đức Giêsu coi những người thi hành ý muốn của Cha là anh chị em của Ngài (Mt 12,48-49). Ngài cũng coi các môn đệ là anh em (Ga 15,15; 20,17). Những người bé mọn (mikros) là những người đang tin vào Ngài (Mt 18,6.10.14), là môn đệ của Ngài (Mt 10,42). Dựa trên những trích dẫn trên đây, ta thấy lối nói “một trong những anh em bé mọn nhất (elakhístoi) này của Ta” (Mt 25,40) để chỉ một Kitô hữu, một người không có vai vế trong xã hội hay Giáo hội, một người môn đệ được Đức Giêsu sai đến trong thế gian. Tuy nhiên, lối nói này cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng để chỉ mọi người nghèo khổ, bất kể họ là ai. Thái độ bác ái, phục vụ đối với “những anh em bé mọn nhất của Đức Vua” sẽ ảnh hưởng trên phần rỗi đời đời của từng người, vì giúp họ là giúp chính Chúa Giêsu.
Bình luận