Học hỏi Phúc âm lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô - năm B

Mc 14,12-16. 22-26

Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, phụ trách

1. Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể khi nào, ở đâu, và trong khung cảnh nào?

2. Có gì giống nhau giữa việc Đức Giêsu chuẩn bị trước khi vào thành Giêrusalem (Mc 11,1-6) và chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt Qua ở đây (Mc 14,13-16)?

3. Các môn đệ phải làm gì để chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt Qua này?

4. Khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu có khi nào nhớ đến Thiên Chúa Cha không?

5. Đức Giêsu trao tấm bánh cho các môn đệ và nói “Đây là Mình Thầy”, rồi trao chén rượu và nói “Đây là Máu Thầy”. Theo bạn, lúc đó bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa, hay bánh và rượu chỉ tượng trưng cho Mình và Máu Chúa thôi? Đọc 1 Cr 11,26-32.

6. Tại sao Đức Giêsu trao cho môn đệ Mình và Máu của mình? Đọc Mt 16,17 và Ga 6,56.

7. Đọc Mc 14,22-25. Tìm trong đoạn này những chỗ Đức Giêsu nói về cái chết sắp đến của Ngài.

8. Đọc Xuất hành 24,4-8. Máu Giao Ước ở đây có khác với Máu Giao Ước trong Mc 14,24 không? Đây có phải là Giao Ước Mới không? Đọc Lc 22,20; 1 Cr 11,25 và Gr 31,31-34. 

GỢI Ý SUY NIỆM

Bí tích Thánh Thể có giúp gì cho đời sống thiêng liêng của bạn không? Bạn có khi nào bị cám dỗ không tin sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích này không? Có khi nào bạn dành một thời gian ngắn để trò chuyện với Chúa Giêsu sau khi rước lễ không?

CN X Eucharistic.jpg (4.90 MB)

PHẦN TRẢ LỜI

1. Lễ Vượt Qua là một đại lễ của Do Thái giáo để kỷ niệm việc dân Israel được ĐỨC CHÚA giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lễ này được cử hành tại nhà, vào chiều ngày 14 tháng Nisan. Người Do Thái sẽ ăn mừng lễ Vượt Qua vào “ngày thứ nhất trong Tuần Bánh Không Men (Mc 14,12). Đức Giêsu đã muốn lập Bí tích Thánh Thể trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái (Mc 14,12.16). Bữa tiệc này diễn ra vào buổi chiều tối (Mc 14,17), tại một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã được trang bị đầy đủ để Thầy trò cùng nhau mừng lễ (Mc 14,15). Căn phòng này phải nằm trong thành phố Giêrusalem (Mc 14,13; x. Đnl 16,5-6).

2. Có điểm chung giữa hai đoạn văn trên. Trong Mc 11,1-6, trước khi vào thành Giêrusalem lần cuối, Đức Giêsu sai hai môn đệ chuẩn bị cho mình một con lừa để Ngài sử dụng. Ngài biết trước chuyện có một con lừa con bị cột ở ngôi làng trước mặt. Ngài cũng biết trước chuyện có người sẽ đặt câu hỏi khi các ông định cởi dây và dắt nó về cho Thầy mình. Và mọi sự đã xảy ra đúng như vậy. Còn trong Mc 14,13-16, trước khi ăn lễ Vượt Qua, Đức Giêsu cũng sai hai môn đệ đi vào thành Giêrusalem để chuẩn bị cho Thầy trò một căn phòng. Ngài biết trước chuyện một người đàn ông đội vò nước sẽ đón gặp hai môn đệ, và dẫn họ đến một căn nhà. Họ sẽ phải xin ông chủ nhà đó một căn phòng phù hợp để Thầy trò ăn lễ Vượt Qua. Như thế trong cả hai trường hợp trên đây, Đức Giêsu đều biết trước khá rõ những gì sắp xảy ra, và làm chủ mọi biến cố.

3. Để chuẩn bị dọn tiệc Vượt Qua (Mc 14,16), các môn đệ cần mua một con chiên, đem nó đi sát tế ở Đền thờ, rồi đem về nhà nướng mà ăn. Các ông cũng cần chuẩn bị bánh không men, rượu nho, rau đắng, và nước chấm làm từ trái cây (x. Ga 13,26). Con chiên để ăn trong lễ Vượt Qua cần hội đủ một số điều kiện như sau: phải là chiên đực, toàn vẹn nghĩa là không tật nguyền, không quá một tuổi. Phải ăn chiên nướng với bánh không men và rau đắng; ăn mọi bộ phận, không được để lại gì cho đến sáng (Xh 12,5-10).

4. Trong bài Tin Mừng này, ta thấy Đức Giêsu cầm ổ bánh, dâng lời chúc tụng trước khi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ (Mc 14,22). Rồi Ngài cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, trước khi trao chén rượu cho các ông (Mc 14, 23). Cả hai cử chỉ chúc tụng (eulogeô) và tạ ơn (eukharistô) trên đây đều là những cử chỉ hướng về Thiên Chúa là Cha của Ngài ở trên trời, Đấng đã ban cho họ bánh và rượu là sản phẩm của đất và con người. Nhưng khi Đức Giêsu trao cho họ bánh và rượu mà Ngài đã thánh hiến, thì đây là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa, nơi hội tụ cả trời, đất và con người, cả thiên địa nhân.

5. Khi Đức Giêsu trao cho các môn đệ bánh và rượu, Ngài nói với họ: “Đây là Mình Thầy”, “Đây là Máu Thầy”. Theo đức tin Công giáo của chúng ta, nhờ quyền năng của Thánh Thần và nhờ lời truyền phép của Chúa Giêsu, bánh đã trở nên Mình Chúa Giêsu, và rượu trở nên Máu Chúa Giêsu, dù bề ngoài ta chẳng thấy gì thay đổi. Ai ăn bánh và uống rượu đã được truyền phép, người đó đón nhận chính Mình và Máu Chúa Giêsu. Hơn nữa, người đó còn đón nhận chính Chúa Giêsu, Đấng đã sống, đã chết và đã sống lại. Trước khi rước lễ, chúng ta đọc câu nói của viên đại đội trưởng Rôma: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời...” (Mt 8,8). Rước lễ là hiệp thông với Chúa Giêsu, Đấng đang sống, và hiệp thông với các tín hữu khác (1 Cr 10,16-17). Bởi đó thánh Phaolô đã nhắc nhở dân Côrintô phải suy xét cẩn thận trước khi lãnh nhận Bí tích cao cả này (1 Cr 11,26-32).

6. Trong cái nhìn của người Do Thái, con người gồm hai yếu tố quan trọng đó là thịt và máu. Thịt và máu là lối nói tượng trưng cho toàn bộ con người tự nhiên. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu dùng từ “thịt” và “máu” nhiều lần khi nói về Bí tích Thánh Thể (Ga 6,52-56). Các Tin Mừng Nhất Lãm đã không dùng từ “thịt” (sarx, flesh) như Tin Mừng Gioan, nhưng dùng từ “mình” (sôma, body). Khi sắp chịu khổ nạn, Đức Giêsu trao cho các môn đệ Mình và Máu Ngài dưới hình bánh và rượu, để họ ăn và uống, nhờ đó Ngài cho họ được tham dự vào cái chết hy hiến và sự phục sinh sắp đến của Ngài. Hơn nữa, qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta được ở với Chúa Phục Sinh, và được Ngài nuôi bằng lương thực thần linh trên đường về quê trời.

7. Trong đoạn Tin Mừng Mc 14,22-25, Đức Giêsu đã đề cập rõ ràng đến cái chết sắp đến của mình khi Ngài nói: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, sẽ bị đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Đổ máu ở đây để chỉ cái chết vì bị giết. Cái chết sắp đến của Đức Giêsu là cái chết cho muôn người, để đem lại ơn cứu độ cho họ (Mc 10,45). Đức Giêsu cũng kín đáo nói đến cái chết của mình khi Ngài bẻ tấm bánh, trao cho môn đệ và nói: “Đây là mình Thầy” (Mt 14,22). Tấm bánh bị bẻ ra và trao đi chính là Mình Thầy sẽ bị giết chết và trao hiến trên thập giá vào ngày hôm sau. Ngoài ra, khi long trọng tuyên bố “Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa...” (Mc 14,25), Đức Giêsu cũng cho thấy Ngài biết cái chết đã gần kề và đây là lần cuối Ngài mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ.

8. Giao Ước ở núi Sinai được ký trong máu các con bò (Xh 24,4-8), còn Máu Giao Ước ở Mc 14,24 là Máu của chính Con Thiên Chúa, đổ ra cho muôn người, nghĩa là cho mọi người (2 Cr 5,14). Trong Lc 22,20 và 1 Cr 11,25, Giao Ước trong Máu Đức Giêsu được gọi là Giao Ước Mới. Như thế lời tiên báo của ngôn sứ Giêrêmia về Giao Ước Mới (31,31-34) đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu. Giao Ước Mới vượt xa Giao Ước Cũ ở Sinai. Thiên Chúa ký Giao Ước Sinai với dân Israel, nhưng Giao Ước Mới cho cả nhân loại (Mc 14,24). Giao Ước Mới ban ơn tha tội, điều mà Giao Ước Cũ không làm được (Gr 31,34; Mt 26,28). Giao Ước Mới là giao ước vĩnh cửu (Ed 37,26; Is 55,3), còn mãi, bất chấp việc con người vi phạm, vì được lập trong Máu của Con Thiên Chúa, một lần là đủ.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Chúa Giêsu Kitô và những hồi đáp
Chúa Giêsu Kitô và những hồi đáp
Tân Ước kể lại một số hồi đáp Chúa Giêsu Kitô, từ phía những ai đã tiếp xúc với Người, những hồi đáp tích cực lẫn tiêu cực.
Khôn ngoan đích thực
Khôn ngoan đích thực
Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay có thể ví như một doanh nhân trẻ thành đạt của thời đại. Doanh thu của anh càng ngày càng tăng.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là một cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy?
Chúa Giêsu Kitô và những hồi đáp
Chúa Giêsu Kitô và những hồi đáp
Tân Ước kể lại một số hồi đáp Chúa Giêsu Kitô, từ phía những ai đã tiếp xúc với Người, những hồi đáp tích cực lẫn tiêu cực.
Khôn ngoan đích thực
Khôn ngoan đích thực
Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay có thể ví như một doanh nhân trẻ thành đạt của thời đại. Doanh thu của anh càng ngày càng tăng.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là một cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy?
Phó linh hồn
Phó linh hồn
Phó linh hồn là phó dâng sự sống của người đang hấp hối hoặc vừa mới qua đời trong tay Chúa, bằng cách cầu nguyện bên cạnh người đó.
Hôn nhân một vợ một chồng
Hôn nhân một vợ một chồng
Đơn hôn là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nghĩa là chỉ có bạn phối ngẫu và giữ lòng chung thủy với bạn suốt đời.
Lời kinh có sức mạnh lớn lao 
Lời kinh có sức mạnh lớn lao 
Người Kitô hữu thường lần hạt Mân Côi. Khi lần hạt, chúng ta đang biểu lộ hình ảnh Hội Thánh cầu nguyện. 
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVI TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVI TN - năm B
Trong Mc 9,40 Đức Giêsu nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Còn trong Mt 12,30, Ngài lại nói một câu có vẻ ngược lại: “Ai không với tôi là chống lại tôi…”. Thật ra hai câu trên không mâu thuẫn.
Bí mật tòa giải tội
Bí mật tòa giải tội
Bí mật tòa giải tội (ấn tòa giải tội) là việc linh mục nghe hối nhân xưng tội, buộc phải giữ bí mật tuyệt đối mọi điều mà họ đã xưng ra với mình, không được tiết lộ bằng lời nói hay bằng cách nào khác và vì bất cứ...
Bao dung
Bao dung
Sách Dân Số ghi lại sự kiện hai ông Enđát và Mêđát, dù được ghi trong sách các kỳ mục nhưng không đến lều mà vẫn phát ngôn ở trong trại.