LỄ CÁC THÁNH
Bài đọc 1: Kh 7,2-4,9-14; Bài đọc 2: 1 Ga 3,1-3; Tin Mừng: Mt 5,1-12a
Hôm nay, mọi người vui vẻ họp nhau với các thánh để cảm ơn Chúa vì tất cả những ơn lành Chúa ban. Nhiều người trong chúng ta thuộc dòng họ của các thánh tử đạo. Gia đình tôi được thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm nêu gương hy sinh, chết vì yêu mến Chúa và giúp đỡ Giáo hội.
Sau đây, tôi xin nói qua một biến cố bạo động làm cho gần 200 tín hữu Thiên Chúa giáo phải thiệt mạng: Vào Chúa nhật Phục Sinh 2019, ba nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Sri Lanka bị tấn công bằng bom. Những người này đã dâng đời sống của họ cho Chúa theo như lời Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Sau biến cố khốc liệt đó, tôi có nói chuyện với một bà mẹ về đứa con gái trẻ của bà bị giết. Mấy ngày trước vụ nổ bom, cô bé nói với bà: “Con muốn nên thánh, má chỉ cho con phải làm gì”. Trong cuộc khủng bố, cô đã dâng mình làm của lễ hy sinh để góp phần với Chúa Giêsu trong công cuộc truyền giáo của Ngài. Cô này đã sống đẹp lòng Chúa và nên thánh như ước nguyện của bản thân. Tôi lại gặp một ông chồng đã mất hết cả vợ con trong vụ nổ bom. Ông nói với tôi: “Mặc dù tôi phải đau khổ rất nhiều, nhưng tôi không mất đức tin. Tôi vẫn theo Chúa”.
Chính Chúa Giêsu cũng là nạn nhân của hiềm thù và bạo động. Chúa chết không phải vì đã phạm một lỗi nào, nhưng vì đã làm nhiều việc thiện. Trong đời sống, có thể gặp những người coi những việc tốt lành chúng ta làm như những điều ác để lên án. Hôm nay trong bài Phúc Âm, dùng một trong tám mối phúc thật, Chúa tuyên bố sẽ là người có phúc nếu chúng ta bị bắt bớ vì sống theo ý muốn của Chúa: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10).
Hãy tiếp tục cầu nguyện nhiều cho dân Sri Lanka, xin Chúa cho họ được tiếp tục làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa, mặc dù phải gặp trăm bề khổ đau.
Chúng ta đã biết đời sống các thánh tử đạo Việt Nam và lịch sử Ðức Mẹ La Vang rồi. Nhưng hôm nay xin mời quý anh chị em cùng tôi suy niệm về sự ưu ái của Mẹ Maria.
Tôi trích hai đoạn sau đây trong sách của linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh “Thánh Mẫu học”, 2005. Ngài trưng ra những đoạn của linh mục Stanislaô Nguyễn Văn Ngọc, viết trong tập “Linh địa La Vang”, 1970:
“Theo những lời truyền miệng của tiền nhân thì cách đây hơn 200 năm, một biến cố hãi hùng do cuộc cấm đạo hoặc do chiến tranh gây nên, đã khiến một nhóm người Công giáo ở gần đồn Dinh Cát (nay là tỉnh lỵ Quảng Trị) thuộc mấy họ đạo như Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa… đã chạy vào phường La Vang để tị nạn, vì lúc bấy giờ phường La Vang ở giữa rừng xanh núi hiểm. Trong lúc lánh nạn tại đây, ban đêm họ hợp nhau cầu nguyện và lần chuỗi. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp đẽ mặc áo choàng, hiện ra gần một cây đa đại thụ, và họ nhận biết ngay là Ðức Mẹ, vì có bồng Chúa Hài Ðồng, hai bên có cầm đèn chầu. Ðức Mẹ ngỏ lời an ủi họ và dạy bẻ lá quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Ðức Mẹ còn hứa từ này về sau ai đến khẩn cầu tại chốn này, Mẹ sẽ ban ơn phù hộ. Sau đó Ðức Mẹ lại hiện đến với họ nhiều lần như vậy”.
Trong dịp kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết thư cho Ðức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng để chia sẻ niềm vui với Giáo hội Việt Nam:
“Tôi khuyên những người Công giáo Việt Nam hãy chiêm ngắm nơi Ðức Maria hình ảnh một người nữ khiêm tốn trong nhân loại, đã để cho tác động bên trong của Chúa Thánh Thần hướng dẫn; Mẹ đã trung thành và trọn vẹn vâng theo các lời mời gọi của Ngài. Ước gì mỗi người có thể khám phá ra nơi Mẹ một người nữ thầm lặng và lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng những gì mà Thánh Thần của Chúa đã soi sáng cho Mẹ nhận thức: đó là sự hiện diện ưu ái và tác động thánh hóa của Ngài. Mẹ không hề chán nản thất vọng vì các khó khăn.
Mẹ đã thể hiện đầy đủ khát vọng tiềm ẩn nơi những người nghèo của Thiên Chúa. Do đó, Mẹ là gương mẫu sáng ngời cho những ai thành tâm tin tưởng vào lời hứa của Chúa. Tôi đồng tâm hiệp ý trong lời cầu nguyện với đồng bào khách hành hương về La Vang, và khẩn thiết khẩn cầu Mẹ Chúa Kitô, Mẹ nhân loại, cho toàn thể dân tộc Việt Nam, cũng như cho các cộng đoàn Kitô hữu người Việt Nam sống ở nước ngoài. Ước gì họ đặt tin tưởng vào Ðức Trinh Nữ rất thánh, Ðấng hằng đồng hành với họ trong cuộc lữ hành trần thế với tất cả tình hiền mẫu…” (16.12.1997).
Chúng ta cầu xin Mẹ và các thánh trên trời giúp mỗi người luôn trung thành với Chúa, giữ đạo sốt sắng, và nhờ gương lành gương tốt, có thể làm cho nhiều người biết và yêu mến Chúa.
Tổng Giám mục Phêrô NGUYỄN VĂN TỐT
Bình luận