CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Bài đọc 1: Kn 12,13.16-19 ; Bài đọc 2: Rm 8,26-27 ; Tin Mừng: Mt 13,24-43
KHUYNH HƯỚNG BẤT BAO DUNG
Có lần, Liên Hiệp Quốc đã chọn một năm làm “Năm quốc tế về lòng khoan dung” để giảm thiểu khuynh hướng bất bao dung ngày càng gia tăng trong nhân loại.
Bao dung là nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải họ. Bất bao dung là đòi trừng trị ngay những người xấu: một người làm gì đó có hại cho ta, ta trả đũa ngay. Do nóng vội, có khi ta không suy nghĩ kỹ xem biết đâu chính ta có gì sai lỗi nên người kia mới cư xử với ta như vậy. Khi người kia bị ta tấn công, họ cũng có thể cho là bị tấn công oan ức nên lại trả đũa ta. Thế là hai bên cứ leo thang. Thực ra có mấy ai hoàn toàn tốt, cũng như có mấy ai hoàn toàn xấu. Thái độ bất bao dung phát sinh từ suy nghĩ cho mình là tốt, hoàn toàn đúng; và người ta là xấu, hoàn toàn sai. Trên bình diện cá nhân và khu xóm, bất bao dung khiến người ta khó sống chung, hòa thuận với nhau. Trên bình diện quốc tế, bất bao dung dẫn đến những cuộc chiến tranh khu vực. Mà xung đột và chiến tranh chẳng mang lại ích lợi gì, chỉ toàn gây hại. Chính vì trên thế giới có quá nhiều cuộc chiến tranh khu vực cho nên Liên Hiệp Quốc mới thấy cần đề ra một Năm quốc tế về lòng bao dung.
Muốn bao dung thì phải biết mình và biết người: biết mình cũng có lỗi lầm, và biết người cũng có những điều tốt. Tuy bản thân chúng ta đầy khuyết điểm, nhưng chúng ta thường khắt khe với những khuyết điểm của người khác. Muốn lấy cái rác trong mắt người ra thì trước hết phải lấy cái xà trong mắt mình đã.
Thiển cận là chỉ thấy gần chứ không thấy xa, chỉ thấy bề ngoài mà không thấy bề trong. Do thiển cận nên người ta bất bao dung, mất kiên nhẫn. Thiên Chúa có thể bao dung và kiên nhẫn vì Ngài vừa thấy hiện tại vừa thấy tương lai, thấy bề ngoài lẫn thấy bề trong.
LÀNH DỮ CỘNG SINH
Nghe bài dụ ngôn cỏ lùng này, có người sẽ lấy làm lạ. Trong cuộc sống, làm gì có một nhà nông nào lại chịu để lúa và cỏ lùng cùng tồn tại trong ruộng mình! Nhưng dụ ngôn là dụ ngôn, nghĩa là một cách nói ví von bóng gió để làm sáng tỏ một vấn đề.
Nội dung của dụ ngôn này là lành dữ cộng sinh và lòng nhân từ cũng như sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Kinh xưa có câu: “Hỏi kẻ lành là ai, kẻ dữ là ai ?”. Chúng ta ưa thích phân biệt lành dữ, chánh tà, trắng đen rõ rệt. Chánh phải loại trừ tà, lúa tốt phải được chăm sóc, cỏ dại phải nhổ đi. Nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy.
Trong cuộc sống, có những lúc chánh tà không phân biệt rõ rệt. Cỏ lùng mọc chung với lúa tốt. Vả lại, cái mà ta gọi là kẻ dữ không giống như cỏ lùng. Cỏ lùng không thể biến thành lúa nhưng kẻ dữ có thể cải tà quy chánh, có thể hoán cải thành người tốt, nếu xã hội biết kiên nhẫn chờ đợi và tạo những điều kiện cho họ. Vả lại, kẻ lành, nếu không giữ mình, không liên tục làm điều lành, cũng có thể trở thành kẻ dữ. Vậy chẳng ai nên tự phong là lúa tốt, rồi loại trừ, lên án anh em. Lần nọ, Chúa đã nói thẳng với những người tự phụ: “Tôi nói thật, bọn thu thuế, bọn gái điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông kia đấy!”.
Qua bài dụ ngôn, Chúa dạy cho chúng ta lòng nhân từ, kiên nhẫn, và tin tưởng vào sự lành. Hãy tin rằng sự lành sẽ tuần tự triển khai tốt đẹp, mặc dầu có sự dữ kề bên. Sự lành thậm chí còn có sức cảm hóa được sự dữ. “Kẻ lành” Monica đã cảm hóa được “kẻ dữ” Augustinô và cả hai mẹ con cùng trở nên những vị thánh lớn trong Giáo hội.
LỜI CẦU NGUYỆN
Khi đến mùa gặt, rơm rạ bị để qua một bên, trấu bị gió thổi đi, cỏ dại bị quăng vào lửa, và lúa tốt được cất vào kho. Lạy Chúa, khi đến ngày chết của con, mùa gặt của đời con cũng diễn ra trước mặt Chúa. Xin bàn tay khôn ngoan của Chúa hãy sàng sảy và chọn ra những gì đáng giữ lại; nhưng đối với những gì không đáng giữ lại, xin hãy thổi đi bằng hơi thở nhân từ của Chúa!
Lm. Carôlô HỒ BẶC XÁI, Tổng Ðại diện GP. Cần Thơ
Bình luận