Mến Chúa yêu người

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - NĂM A

Bài đọc 1: Xh 22,20-25; Bài đọc 2: 1 Tx 1,5c-10; Tin Mừng: Mt 22,34-40

Ðoạn văn Tin Mừng ngắn được chọn cho phụng vụ ngày Chúa nhật này có nguy cơ bị nhiều người Kitô hữu coi là khá tầm thường, vì chúng ta đã quá quen với câu trả lời của Chúa Giêsu cho người thông luật: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu.Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (c. 37-39). Ðể không đọc câu trả lời này của Chúa Giêsu như một bài học giáo lý được học thuộc lòng, trước hết chúng ta phải gợi ra thái độ của người Do Thái đối với Lề Luật vào thế kỷ thứ nhất của Công nguyên. Ðây là một lãnh vực rộng lớn mà chúng ta chỉ có thể phác họa những nét chính ở đây.

Ðối với những người thuộc phái Qumran, chỉ có Lề Luật là có thẩm quyền. Ðối với phái Sađốc cũng vậy, họ tuân giữ Luật từng chữ, còn những gì Luật không nói đến thì họ để cho các tư tế quyết định. Còn đối với người Pharisêu, họ không chất vấn thẩm quyền của Lề Luật, nhưng theo họ, mặc khải của Thiên Chúa được chứa đựng cả trong Luật viết và trong truyền thống của các Tổ Phụ. Về phía Luật viết, có truyền thống miệng mà họ phải tuân giữ. Theo sử gia Flavius Josèphe, “những người Pharisêu buộc dân chúng tuân giữ rất nhiều luật halakha (các quy tắc ứng xử nói chung của con người) do truyền thống của người xưa để lại, nhưng không viết trong Luật Môsê. Nhưng những người Sađốc không chấp nhận những luật này, mà chỉ giữ những gì được viết thành luật, còn những gì do truyền thống của người xưa để lại thì không phải giữ”.

Ðàng khác, truyền thống Hội Ðường thậm chí còn phân biệt trong Lề Luật có 618 giới luật: 365 luật cấm và 248 luật buộc. Chúng ta dễ hiểu tại sao một số người cảm thấy cần phải tìm xem giới luật nào có thể được đặt ở vị trí cao nhất.

Trong cuộc tranh luận về chú giải thời kỳ ấy, có người nhấn mạnh rằng mọi giới luật đều quan trọng ngang nhau, trong khi những người khác cho rằng có luật quan trọng hơn những luật khác. Do đó, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao một người thông luật muốn biết lập trường của Ðức Giêsu về vấn đề tranh cãi này.

Nhóm Pharisêu cử ra một người thông luật để đặt câu hỏi cho Ðức Giêsu. Trong ngữ cảnh tranh luận của sự kiện này, rõ ràng họ có mục đích “gài bẫy Người” (c. 35). Nhưng ta có thể thắc mắc thực chất cái bẫy này là gì, vì bản văn không cho thấy rõ. Chắc hẳn là vì cách ứng xử của Ðức Giêsu khi thi hành sứ vụ khiến cho người Pharisêu nêu lên một câu hỏi như thế. Theo lời các sách Tin Mừng, không phải vì Người đã vi phạm luật giữ ngày sabát vốn được coi là đặc biệt thánh thiêng đó sao? (x. Mt 12,1-14; Mc 2, 23-28; 3,1-5; Ga 5,1-18; 7,19-24). Việc Người đi lại với những kẻ tội lỗi công khai cũng gây sốc cho người Pharisêu vốn thiết tha với một lý tưởng về sự tinh tuyền. Và nhất là việc Người chứng tỏ uy quyền tuyệt đối của mình cũng không ngừng khiến họ thắc mắc (x. Mc 1,22.27; Mt 21,23). Vì thế Ðức Giêsu không đặt mình ở một tư thế giống như các ký lục, chỉ đóng vai trò lặp lại “bằng việc luôn luôn nói nhân danh một ký lục khác, theo triền tư tưởng của truyền thống phát xuất từ các ngôn sứ và các ký lục”.

Ðể trả lời câu hỏi của họ, Ðức Giêsu đã mượn lời của Ðnl 6,5 cho phần thứ nhất và của Lv 19,18b cho phần thứ hai. Ðnl 6,5: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”; Lv 19,18b: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.

Hai giới luật được Ðức Giêsu trích dẫn, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại, là hai giới luật rất quen thuộc đối với Do Thái giáo. Nhưng cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu là ở chỗ Người liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau. Ðức Giêsu “triệt để hóa Lề Luật bằng cách loại trừ mọi sự tuân giữ một cách nệ luật mà không có sự suy phục hoàn toàn đối với Thiên Chúa và việc phục vụ đồng loại”. Hơn nữa, như P. Bonnard nhận xét, “Việc đơn giản hóa và kết nối hai tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân phải đặt con người trước mặt Thiên Chúa và đồng thời trước mặt tha nhân, chứ không phải trước một quy luật mới, dù là quy luật cao cả đến đâu”. Vì vậy, hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học.

Khi Ðức Giêsu nói đến “giới răn thứ nhất và lớn nhất”, Người muốn nói rằng giới răn này là quan trọng nhất và tạo ý nghĩa cho tất cả các giới răn khác. Còn về giới răn thứ hai, nó “giống” với giới răn thứ nhất, nghĩa là cũng quan trọng như giới răn thứ nhất. “Không phải sánh với hay tương tự như giới răn thứ nhất, nhưng ngang bằng về mức nghiêm trọng của điều được truyền buộc; đàng khác, nó không đồng nhất theo nghĩa có thể thay thế cho nhau: yêu mến đồng loại không đồng nhất với yêu mến Thiên Chúa, nhưng yêu mến đồng loại cũng cấp bách như yêu mến Thiên Chúa”.

Hai cách nói “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”“yêu người thân cận như chính mình” có thể có cùng một ý nghĩa. Ðó là yêu mến Thiên Chúa và đồng loại với tất cả con người mình. Trong cách nói thứ nhất, không có sự phân biệt trái tim, linh hồn hay tư tưởng. Dưới hình thức tu từ học, Kinh Thánh khẳng định rằng tình yêu này liên quan tới con người toàn diện. “Yêu người thân cận như chính mình” không muốn nói rằng yêu người khác như yêu bản thân mình, nhưng là yêu họ bằng tất cả con người mình. Trong khi người đối chất với Ðức Giêsu hỏi Người giới răn nào của Lề Luật quan trọng nhất, Ðức Giêsu trả lời người ấy bằng cách trích dẫn hai câu giúp Người tuyên bố rõ quan niệm của Người về Lề Luật, như Người nói trong câu kết: “Tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Lời khẳng định này có nghĩa là: “Tất cả các giới luật khác có thể được suy ra từ hai giới răn yêu thương, hay ngược lại, có thể quy về hai giới răn này; nói khác đi, ai thi hành các giới răn này thì “làm trọn” Kinh Thánh và vì thế làm trọn ý Thiên Chúa”.

Là Kitô hữu, chúng ta không nên coi câu trả lời của Ðức Giêsu cho người thông luật như là một “chân lý chung chung”, nhưng như một lời kêu gọi không ngừng đổi mới, một đòi hỏi phải thực hiện trong đời sống hằng ngày. Chúng ta không thể giản lược đời sống Kitô hữu vào tình yêu Thiên Chúa mà thôi, vì chính thông qua tình yêu thương đồng loại mà mỗi người biểu lộ cụ thể tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, như thánh Gioan nói rõ trong Thư thứ 1của ngài: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (4, 20; cũng xem Rm 13,8-10; Gl 5,13-15; Gc 2,8).

Chính Ðức Giêsu đã biểu lộ cho chúng ta mức độ của tình yêu này qua việc Người hiến dâng cả cuộc đời Người cho Cha và cho các anh em Người: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).

Linh mục Ðaminh Ngô Quang Tuyên - TGP TPHCM

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXXII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXXII TN - năm B
Bà góa đã bỏ vào thùng tiền “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. Đối với Đức Giêsu, bà góa dù bỏ số tiền rất nhỏ vào thùng nhưng lại là người bỏ nhiều hơn mọi người khác.
Chủ sự, vị -
Chủ sự, vị -
Chủ: người đứng đầu; sự: việc tôn giáo. Vị chủ sự: người đứng đầu một buổi lễ tôn giáo.
Lòng quảng đại của con người
Lòng quảng đại của con người
Người tín hữu cần quảng đại khi đối xử với tha nhân, theo mẫu gương của chính Thiên Chúa.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXXII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXXII TN - năm B
Bà góa đã bỏ vào thùng tiền “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. Đối với Đức Giêsu, bà góa dù bỏ số tiền rất nhỏ vào thùng nhưng lại là người bỏ nhiều hơn mọi người khác.
Chủ sự, vị -
Chủ sự, vị -
Chủ: người đứng đầu; sự: việc tôn giáo. Vị chủ sự: người đứng đầu một buổi lễ tôn giáo.
Lòng quảng đại của con người
Lòng quảng đại của con người
Người tín hữu cần quảng đại khi đối xử với tha nhân, theo mẫu gương của chính Thiên Chúa.
Nghèo tiền nhưng giàu lòng
Nghèo tiền nhưng giàu lòng
Trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Bài đọc I (x. 1 V 17,10-16) thuật lại việc bà góa nghèo xứ Sarépta ân cần tiếp rước ngôn sứ Êlia.
Một Thiên Chúa duy nhất
Một Thiên Chúa duy nhất
Chỉ có Một Thiên Chúa duy nhất. Đây là đạo lý trọng yếu. Bởi đó, chỉ có Ngài là Đấng phải được tôn thờ. Các thần minh khác chẳng là gì. Thánh Kinh cũng cho thấy các mối quan hệ nội tại trong thần tính mà giáo lý dùng từ...
Giới luật hàng đầu
Giới luật hàng đầu
Có thể nói đời sống đức tin Kitô giáo được xây dựng trên giới răn quan trọng này: yêu mến Chúa trên hết mọi sự và thương yêu tha nhân như chính mình.
Mù (tự nhiên)
Mù (tự nhiên)
Mù là tình trạng không thể nhìn thấy. Việc chữa lành bệnh mù lòa thể lý một trong nhiều những phép lạ Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện.
Xin cho con được thấy
Xin cho con được thấy
Tin Mừng Maccô thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu làm cho anh mù Bactimê được sáng mắt. Đây là phép lạ cuối cùng của Chúa khi còn ở trần gian.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXIX TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXIX TN - năm B
Không phải chỉ hai ông Giacôbê và Gioan mới thích danh vọng. Mười ông kia cũng thích nên ghen tức với hai ông.