Năng lực diệu kỳ của lòng thương xót

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN - năm C

Bài đọc 1: Kn 11,22-12,2; Bài đọc 2: 2Tx 1,11-2,2; Tin Mừng: Lc 19,1-10.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một cơ hội chiêm ngắm Thiên Chúa tình yêu với quyền năng diệu kỳ của lòng thương xót.

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Khôn ngoan diễn tả sự cao cả của tình thương Thiên Chúa. Trước nhan Chúa, toàn thể vũ trụ chỉ như hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất. Tuy nhỏ bé, mong manh, bất toàn, nhưng lại là đối tượng của tình thương Thiên Chúa. Ngài yêu thương tạo dựng và hằng nhẫn nại săn sóc mọi loài với lòng bao dung vô tận.

Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô qua thư gởi cho tín hữu Thessalônica đã tha thiết nguyện cầu cho các tín hữu được nên xứng đáng với ơn ban tình thương của Chúa, để họ vừa được tôn vinh trong Đức Kitô, vừa làm hiển danh Chúa Kitô.

Câu chuyện Tin Mừng theo thánh Luca là một bằng chứng sống động về lòng thương xót tuyệt vời của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Đức Giêsu đã thể hiện một cách thế yêu thương với một năng lực đổi mới thật diệu kỳ.

- Ngài đi tìm kiếm để cứu chữa. Dù bị bao vây bởi biết bao người với những dáng vẻ, những lớp bọc khác nhau, nhưng Chúa Giêsu vẫn có thể nhận ra một con người cần được cứu chữa. Ông thu thuế Giakêu ẩn núp trên cây quả thực đã không ở ngoài sự quan tâm của Chúa. Người ta cho Giakêu là một người tội lỗi và loại trừ ông, thì Chúa Giêsu tìm đến cứu chữa ông. Chúa không chê, cũng chẳng bỏ một người tội lỗi nào, vì Ngài giàu lòng xót thương và Ngài hiểu rằng chính những kẻ xem ra bất xứng với lòng thương của Chúa lại là người “cần” đến lòng thương xót của Chúa hơn. Ngài đi tới và dừng lại nơi Giakêu đang núp để ngỏ lời với ông. Lòng thương xót đã thúc đẩy Chúa Giêsu đi bước trước kiếm tìm chứ không ngồi chờ, mở lời trước chứ không đợi van xin. Như thế là vì Chúa Giêsu đã nhìn đến Giakêu với một cái nhìn chan chứa lòng xót thương. Với lòng thương xót, Chúa Giêsu không chỉ nhìn thấy Giakêu là một người thu thuế, một kẻ tội lỗi, nhưng còn nhìn thấy ông là một người khao khát được yêu thương, một kẻ cần được cứu vớt và là “con cháu Abraham”.

- Ngài tìm gặp gỡ chứ không chỉ xã giao, qua đường. Thật táo bạo khi Chúa Giêsu ngỏ ý đến nhà Giakêu, một người bị coi là tội lỗi. Ngài sẵn sàng vượt qua những lời xầm xì, lên án của những người xung quanh để đến gặp gỡ và lưu lại nhà của Giakêu. Chúa Giêsu chấp nhận mọi giá để Giakêu có được niềm vui khi đón tiếp Chúa, và hơn nữa để ông có cơ hội hoán cải mà hưởng ơn cứu độ. Chắc hẵn Chúa Giêsu cũng vui lắm khi nghe thấy những tỏ bày đầy tinh thần đổi mới của Giakêu: “Tôi xin lấy phân nữa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Sự gặp gỡ với lòng xót thương đã đem lại một sự đổi mới không ngờ. Một sự hiện diện thực sự với lòng yêu thương làm được nhiều điều rất có giá trị.

- Ngài luôn yêu thương cứu chữa chứ không loại trừ, tiêu diệt. Đây chính là bản chất của Thiên Chúa và là mục tiêu của lòng Chúa xót thương. Chính nơi lòng thương xót của Chúa chúng ta khám phá ra một năng lực chữa lành và phục hồi sức sống thật tuyệt vời. Thay cho những thành kiến, lên án, loại trừ, tiêu diệt những kẻ yếu đuối lỡ lầm, Chúa Giêsu đầy lòng thương xót luôn khai mở niềm hy vọng, gieo mầm yêu thương nâng đỡ, khích lệ sự hoán cải, đổi mới cuộc đời. Vì cảm nhận được Chúa Giêsu yêu thương mình, dám tin và chọn mình, nên Giakêu đã không ngại bỏ tiền của, thay đổi đời sống. Niềm tin và lòng yêu mến đã khơi dậy một đời sống mới trong hoán cải và tin mến.

Lòng thương xót của Chúa thật diệu kỳ. Chúa hằng tìm kiếm và mong gặp gỡ con người và từng người chúng ta. Chúng ta có hay “trốn” để Chúa phải “kiếm” không? Đã có lần nào ta sẵn sàng đón tiếp Chúa vào nhà tâm hồn của mình chưa? Những lần rước Chúa hay viếng Thánh Thể có là dịp “gặp gỡ” thực sự với Chúa Giêsu không? Và những lần gặp gỡ Chúa có đổi mới được tâm hồn và cuộc sống mình không?

Mong sao những bước chân tìm gặp gỡ của Chúa Giêsu với lòng thương xót của Ngài, qua mọi dáng vẻ và trong mọi tình huống của cuộc đời, mang lại được những đổi mới tích cực cho cuộc đời chúng ta. Và chớ gì từ những kinh nghiệm được yêu thương cứu vớt của Chúa cũng giúp chúng ta biết đón nhận và đối xử cách nhân hậu, bao dung đối với những anh chị em yếu đuối, khó khăn bên cạnh mình.

Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước, GP. Phú Cường

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật V Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật V Phục sinh năm B
Trong cuộc đời bạn, bạn có thấy mình được Chúa Cha cắt tỉa không? Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?
Huyền thoại 
Huyền thoại 
Huyền: nghĩa lý sâu kín; thoại: câu chuyện. Huyền thoại: câu chuyện có ý nghĩa sâu xa.
Cây nho
Cây nho
Cây nho mang lại những chùm trái. Người ta trồng nho để bán rượu. Chúa Giêsu Kitô mô tả mình là “cây nho thật”, là nguồn sức sống và lớn mạnh của các tín hữu.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật V Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật V Phục sinh năm B
Trong cuộc đời bạn, bạn có thấy mình được Chúa Cha cắt tỉa không? Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?
Huyền thoại 
Huyền thoại 
Huyền: nghĩa lý sâu kín; thoại: câu chuyện. Huyền thoại: câu chuyện có ý nghĩa sâu xa.
Cây nho
Cây nho
Cây nho mang lại những chùm trái. Người ta trồng nho để bán rượu. Chúa Giêsu Kitô mô tả mình là “cây nho thật”, là nguồn sức sống và lớn mạnh của các tín hữu.
Ở lại trong Chúa
Ở lại trong Chúa
Đức Giêsu không viết một quyển sách nào cả. Ngài cũng không xây dựng một ngôi nhà nào cả. Nhưng Ngài đã thực hiện một công trình lớn lao và cần thiết hơn nhiều, đó là xây dựng một cộng đoàn.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào.
Thập tự giá
Thập tự giá
Thập tự giá là khung gỗ có hình chữ T của tiếng Hy Lạp, đôi khi có hình chữ thập như trong chữ Hán, người Rôma dùng để cột hoặc đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hai ngàn năm qua, Giáo hội rao giảng một Tin Mừng duy nhất, đó là Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Thiên Chúa là đấng trung tín. Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta và không bao giờ phản bội con người.
Xương
Xương
“Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39).
Emmau - Đamas
Emmau - Đamas
Có thể nói, đường đi Emmau đâu có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.