Những người đang cư ngụ tại xóm đập kính – tên những người trong vùng thường hay gọi - đang gắn bó với những công việc mà khi nhìn vào ai cũng cảm thấy ái ngại. Hàng giờ họ phải vật lộn với công việc nguy hiểm để mưu sinh.
Con đường lớn dẫn từ trung tâm thị xã Dĩ An vào ấp Tân Lập, phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương dài hàng cây số đang làm, lởm chởm đá và đất, mịt mù trắng xóa như sương bên những ổ voi, ổ gà. Bên trong một con hẻm nhỏ trải đất đỏ bazan là trên dưới chục hộ gia đình sinh sống, họ cùng làm chung một nghề. Thực sự, cũng chưa biết phải gọi tên nghề của họ là gì, thôi cứ tạm đặt theo trực quan : nghề đập kính, đúng hơn là đi lượm kính vỡ mà người ta thải ra, mang về làm sạch, phân loại, đập nhỏ rồi đóng gói vào bao chờ người mang xe tới lấy về tái chế.
Anh Quang Hào bên cạnh những thành quả của mình |
Chúng tôi đến xóm vào buổi chiều tối, từ phía ngoài đường lớn đã có thể nghe được những âm thanh loảng xoảng từ đống kính phát ra. Thời điểm này mọi người trong xóm đều đã đi lượm kính về và đang ngồi đập nhỏ. Thở một hơi dài, anh Nguyễn Việt Sơn cho hay: “May chú em tới giờ này, chứ mà đến sớm hơn tí nữa thì không gặp được ai đâu, vì ban ngày mấy chị em phụ nữ đều đi làm công nhân, còn tụi đàn ông chúng tôi thì đi lượm kính hết cả”. Anh kể xóm đập kính đã có độ gần ba năm nay, lúc đầu anh cùng một vài người khác là những người đầu tiên trong xóm theo nghề, sau này mới có nhiều bạn bè, người quen tới sinh sống và cũng chọn nghiệp đập kính làm kế mưu sinh. Anh Sơn cùng vợ đều là người Hà Tĩnh, cả hai vợ chồng dắt nhau vào đây lập nghiệp. Nói là vào “lập nghiệp” nghe cho “oai” chứ thật ra như anh tiết lộ : “Ruộng ở quê còn chưa đủ nuôi hai miệng ăn chứ chưa nói nuôi các con ăn học nên phải tha hương… ”.
Dắt díu nhau vô miền Nam, vợ thì xin đi làm công nhân, còn anh nghe lời bạn bè mách nước rằng, làm nghề này hơi cực nhưng lại cho thu nhập kha khá. Vốn là người lao động cần cù, không ngại vất vả nên anh theo nghề. Tuy nhiên, khi làm một thời gian mới hiểu rõ những gian nan, nguy hiểm của công việc “có một không hai” này. Sống trong xóm đều là những cặp vợ chồng như anh Sơn, đa số vợ làm công nhân, chồng theo nghề đập kính, nhưng cũng có trường hợp cả hai vợ chồng cùng làm chung một nghề kể trên. Mỗi gia đình là một hoàn cảnh, tuy nhiên con đường vào nghề của họ thì lại rất đỗi giống nhau. Có một điểm đặc biệt : tất cả họ đều là người đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đập kính luôn là công việc chứa đựng nhiều nguy hiểm |
Số là vài năm về trước, việc nhiều công ty tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đều đồng loạt không tuyển công nhân nam của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đã dẫn tới một bộ phận không nhỏ nhiều người trở nên thất nghiệp. Không có việc làm để trang trải cuộc sống nên nhiều người đã chọn nghề đập kính như một giải pháp: “Hồi trước chỉ tính làm một thời gian rồi bỏ, nhưng bây giờ mà không làm anh em tụi tui cũng chẳng biết làm gì để sống, thôi kệ, đã đâm lao thì phải theo lao”, anh Ngô Quang Hào (người Nghệ An) bộc bạch. Mỗi ngày, hành trang của họ là những búa, những xẻng, xà beng, dây…, cùng với người bạn thân là chiếc xe ba gác “cà tàng” rong ruổi khắp thành phố.
Theo lời anh Sơn thì họ phải lên tận quận 7, qua Nhà Bè, Hóc Môn… để lượm kính. Địa điểm quen thuộc thường là những bãi rác lớn, nơi nhiều người hay vứt kính vỡ, hoặc những tiệm cắt kính có nhiều kính vụn và kính bể thải ra. Họ đi lượm cho tới khoảng hai, ba giờ chiều thì mang về ngồi phân loại kính trắng và kính đen ra. “Người ta chỉ lấy kính trắng mang về tái chế lại, còn kính đen ít được tái chế vì số lượng không nhiều, nên có khi cả năm họ mới đi thu gom một lần”, anh Hào giải thích. Sau đó chỉ việc đập nhỏ kính ra, cho vào bao tải. Đây củng chính là công đoạn chứa đựng nhiều nguy hiểm, vì khi đập có thể bị những mảnh vỡ bay vào mắt, hay bị cắt vào tay, chân.
Mỗi lần bị “tai nạn nghề nghiệp” lại phải nghỉ cả tuần mới có thể đi làm lại. Chỉ cho tôi những vết cắt trên tay, trong đó có nhiều vết mới còn chưa kéo da non, anh Hào giải thích, dù có mang đồ bảo hộ kín mít thế nào rồi cũng bị thương, vì những mảnh kính khi vỡ ra sắc nhọn như dao cạo mà chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể bị dính “chưởng”. Anh hình tượng : “Bàn tay ai mà càng chai sạn, càng có nhiều vết cắt chứng tỏ người đó đã theo nghề từ lâu”.
Theo tính toán của dân trong nghề, mỗi người mỗi ngày có thể thu gom và làm ra khoảng từ ba đến bốn tạ kính vỡ, với giá “thị trường” là trên dưới 600 đồng/kg, nên thu nhập vào khoảng 200.000 đồng/ngày, kể là cũng khá có cao so với lương công nhân, dù công việc nặng nhọc hơn, nhưng được cái là có thể tự làm chủ công việc và giờ giấc. Tuy nhiên, thấy là vậy chứ “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, đằng sau mức thu nhập kha khá đó là bao nhiêu nguy hiểm. Một anh trong xóm trọ cho hay, cách đây chưa lâu có một anh đồng nghiệp trong khu trọ trong một lần chuyển những bao tải đầy kính lên xe, vì sơ ý nên bị một mảnh thủy tinh sắc nhọn cắt vào chân, hậu quả là bị cắt đứt gân chân phải vào bệnh viện may gần ba mươi mũi, từ đó tới giờ vẫn chưa thể đi làm lại; hay trước đây có anh bị cả “núi” thủy tinh cao đổ xuống đè lên người, tai nạn cũng khiến cho anh phải bỏ việc về quê tìm thầy chữa bịnh cột sống.
Ngoài ra, hằng tháng họ phải mất một số tiền để thuê mặt bằng chứa những thành quả của mình, vì phải nửa tháng thì xe từ ngoài Hải Phòng mới vào thu gom một lần. Do đó, cả xóm vẫn cứ giật gấu vá vai, sống đắp đổi chứ ít nhà dư giả. Vì vậy, ít người trong số họ có ý định sẽ gắn lâu dài với nghề này. Họ bảo cũng chỉ làm để chờ thời, người thì dự định khi có tý vốn sẽ về quê buôn bán vặt, lời ít nhưng gần gia đình; người khác lại nói khi qua thời kinh tế khó khăn, sẽ tìm học một nghề nào đó cho nhẹ nhàng, cho bền vững, và nhất là để… có tên gọi.
Chúng tôi rời khỏi xóm đập kính khi trời đã nhá nhem tối, khuất sâu trong hẻm, nhiều người vẫn đang cặm cụi, kiên nhẫn với công việc. Tiếng chát chúa văng ra cùng những giọt mồ hôi. Nghề cực quá !
Võ Quới
Bình luận