Tin tức hằng ngày về tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh luôn mang đến những cảm xúc nhói lòng, thậm chí có những trường hợp làm bàng hoàng dư luận…
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong năm 2023, tai nạn giao thông đã làm chết hơn 1.000 em độ tuổi học sinh từ 6-18. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông cũng đã cướp đi sinh mạng hơn 700 em, làm bị thương 2.000 em… Đâu là giải pháp khẩn cấp nhằm hạn chế tình trạng đau thương này?
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21.12.2023 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đạo tạo chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước.
Mới đây, ngày 27.9.2024, Cục Cảnh sát Giao thông đã ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên cả nước, triển khai từ ngày 1.10 đến hết 31.10.2024. Kế hoạch yêu cầu cảnh sát giao thông toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với lứa tuổi học sinh, phụ huynh, người giám hộ, người giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện cầm lái.
Nhiều địa phương có những cách làm khác nhau để tăng cường giám sát, hạn chế tai nạn giao thông, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Riêng tại TPHCM, chủ đề cũng là mục tiêu năm an toàn giao thông trong năm học 2023-2024 là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Cụ thể, hạ tầng giao thông hiện hữu được tăng cường bổ sung đảo chờ, vạch đi bộ, đèn đi bộ, tôn cao mặt đường tại vị trí có vạch đi bộ bảo đảm vỉa hè và lòng đường tại khu vực chỉ để phục vụ cho mục đích giao thông, tổ chức phân luồng giao thông phù hợp với tình hình thực tế, điều chỉnh hợp lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông theo từng thời điểm...
Tuy nhiên, để đạt đến hiệu quả cao hơn trong việc bảo đảm an toàn giao thông, học sinh còn cần được giáo dục, hướng dẫn cặn kẽ từ bậc học phổ thông. Bởi trên thực tế, học sinh vào trung học phổ thông, tức gần đến 18 tuổi, mới được triển khai học Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, là lúc chuẩn bị thi bằng lái. Thế nhưng từ trước đó, các em trên 16 tuổi vẫn được phép lái xe không quá 50 phân khối, trong khi chưa có quy định nào về luật buộc khi học sinh dưới 18 tuổi tham gia giao thông.
Việc đưa những nội dung an toàn giao thông đường bộ vào nhà trường là hết sức cần thiết, không chỉ đối với học sinh trung học phổ thông, mà còn cả với học sinh trung học cơ sở, thậm chỉ tiểu học. Có ý kiến cho rằng nên làm thành các chuyên đề, hay lồng ghép vào các môn học, chắc chắn sẽ gây ý thức và trách nhiệm của các em khi tham gia giao thông. Ngoài ra, nhà trường cũng nên tổ chức nhiều hoạt động để các em thực sự tìm hiểu về những quy định khi tham gia giao thông, cũng như biết cách áp dụng trong thực tế. Hiện nay, ngoài xe máy còn có xe điện, xe đạp điện…, tất cả đều đòi hỏi kỹ năng làm chủ tốc độ, hiểu các quy định của luật giao thông đường bộ với loại phương tiện mình điều khiển.
Trên hết là trách nhiệm vai trò của các bậc cha mẹ, vì chính họ, chứ không ai khác, là người giao xe cho con, là người đầu tiên tập chạy xe cho con. Cha mẹ có trách nhiệm giáo dục ý thức giao thông, tuân thủ luật về giao thông, hướng dẫn, truyền đạt các kỹ năng lái xe trước khi giao xe. Khi đã giao xe cho con, cha mẹ còn cần phải đồng hành, giám sát, kịp thời điều chỉnh hành vi của con mình.
Nguyễn Hà
Bình luận