Sửa lỗi anh em trong tinh thần xây dựng

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN - NĂM A

Bài đọc 1: Ed 33,7-9; Bài đọc 2: Rm 13,8-10; Tin Mừng: Mt 18,15-20

Sống trên đời, chẳng ai không sai lỗi. Vấn đề là giúp nhau nhận lỗi và sửa chữa, hầu nên hoàn thiện. Người sai lỗi ví tựa đang ngã quỵ, được người anh em cầm tay đỡ dậy. Hình ảnh đẹp biết bao. Như Saulô ngã ngựa trên đường Ðamát, bị mù, được người ta đỡ dậy, dắt vào thành; hay như người Do Thái bị đánh trọng thương trên đường đi Giêricô, được một người Samaritanô ra tay cứu giúp, đỡ lên lưng lừa đưa về quán trọ. Giáo huấn của Chúa nhật XXIII dạy chúng ta về việc sửa lỗi cho nhau.

1.

Mọi người đều có trách nhiệm với nhau. Nếu “không ai là một hòn đảo”, thì ta không được hờ hững, mặc ai nấy sống, muốn làm gì thì làm, mà phải giúp nhau sống tốt. Ngay “sỏi đá cũng cần có nhau”, huống là con người, cần giúp nhau khi mắc sai lầm. Câu trả lời của Cain “Tôi đâu phải là đứa giữ em” (Kn 4,9) cho thấy thái độ vô tâm, hờ hững. Chúa giao cho chúng ta trách nhiệm liên đới: “Ta đặt ngươi làm người canh giữ” (Bđ I). Hễ anh em sai, ta có bổn phận sửa họ; cũng như nếu ta phạm lỗi, anh em có quyền nhắc nhở. Ðó là ý nghĩa của câu nói: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Nếu vì ta không dám bảo ban nhau mà người anh em hư hỏng thì ta phải chịu trách nhiệm: “Nếu ngươi không nói để cảnh cáo đứa gian ác, thì máu nó, Ta sẽ đòi ngươi” (Bđ I). Càng là người thân cận gần gũi, thì trách nhiệm càng nặng. Ca dao nhắc nhở bậc cha mẹ về bổn phận sửa dạy con: “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng!”. Ta cảm phục Ðức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại nhắc nhở hàng giám mục hay linh mục về những cách sống sai trái.

2.

Thông thường, chẳng ai thích bị “sửa lưng” hay “sờ gáy”. Thư gởi tín hữu Do Thái nhận định như sau: “Ðã hẳn bị sửa dạy ngay tại trận, thì hình như vui chẳng có, chỉ có buồn; nhưng về sau (mới thấy) nó sinh lợi cho những ai nhờ đó mà được luyện tập: tức là hoa quả bình an công chính” (Dt 12,11). Ðể việc sửa lỗi có kết quả, cần phải cho người ấy thấy là mình yêu thương họ, muốn họ nên tốt. Chính Chúa cũng làm như vậy mà: “Vì Chúa thương ai, Người mới sửa dạy, con nào Người nhận, Người mới cho đòn” (Dt 12,6).

Bài đọc II cho biết, sở dĩ có tội lỗi là vì không có tình yêu, hay vì yêu không đúng, dẫn đến không tôn trọng người khác, và mới gây ra đủ thứ tội như ngoại tình, giết người, trộm cắp, ham muốn… Bây giờ, để sửa lỗi ai, thì trước hết phải làm cho người ấy thấy là họ được yêu thương. Cha mẹ sửa dạy con vì thương: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

3.

Cách sửa dạy rất tế nhị, không phải thế nào cũng được. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ vẽ cho ta cách sửa lỗi nhau. Trước hết, một mình với người ấy. Cách này cho thấy sự tôn trọng danh dự và phẩm giá của người anh em. Nếu họ nhận ra và sửa lỗi thì đã thành công. Nếu họ không chịu nhận sai trái, thì mời thêm một hai người nữa cùng gặp gỡ. Ðiều này không có nghĩa là dùng số đông để gây áp lực, nhưng là mong rằng có nhiều người thuyết phục thì họ sẽ dễ chấp nhận. Nếu cách thứ hai này không xong thì mới đưa ra cộng đoàn. Cách này cho đương sự thấy vấn đề không còn là của họ nữa mà đã trở thành của cả cộng đoàn, cộng đoàn liên đới trách nhiệm với người ấy. Nếu cách sau cùng này vẫn không có hiệu quả, thì bấy giờ mới đoạn tuyệt với người ấy vì sự ngoan cố bất khẳng của họ. Cộng đoàn không chịu trách nhiệm về người ấy nữa.

4.

Chúa Giêsu dạy thêm rằng, trong Giáo hội có quyền bính để xét định mọi việc, hầu giữ gìn trật tự và bảo vệ hiệp nhất. Mọi tín hữu phải phục tùng quyền bính phẩm trật trong Giáo hội, từ vâng lời cha xứ đến vâng lời Ðức Giám mục, rồi vâng phục Ðức Thánh Cha, và trên hết là vâng phục Chúa.

5.

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống (x. Ed 18,23). Ngài không “đặt dấu chấm hết cho một người còn đang sống”. Chúng ta không được vội thất vọng khi thấy sự cứng lòng của một ai, mà vẫn phải tin họ có thể sửa đổi, nhờ ơn Chúa. Vì thế, đừng quên cầu nguyện cho họ, cầu nguyện cách cá nhân cũng như cầu nguyện trong cộng đoàn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con học được bài học sửa lỗi anh em con sao cho thật tốt đẹp. Ước gì chúng con biết suy xét, nói năng và hành động như thể Chúa đang ở trong chúng con, khi phải sửa lỗi lầm cho nhau.

Giám mục Anphong NGUYỄN HỮU LONG, GP. Vinh

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là một cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy?
Phó linh hồn
Phó linh hồn
Phó linh hồn là phó dâng sự sống của người đang hấp hối hoặc vừa mới qua đời trong tay Chúa, bằng cách cầu nguyện bên cạnh người đó.
Hôn nhân một vợ một chồng
Hôn nhân một vợ một chồng
Đơn hôn là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nghĩa là chỉ có bạn phối ngẫu và giữ lòng chung thủy với bạn suốt đời.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là một cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy?
Phó linh hồn
Phó linh hồn
Phó linh hồn là phó dâng sự sống của người đang hấp hối hoặc vừa mới qua đời trong tay Chúa, bằng cách cầu nguyện bên cạnh người đó.
Hôn nhân một vợ một chồng
Hôn nhân một vợ một chồng
Đơn hôn là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nghĩa là chỉ có bạn phối ngẫu và giữ lòng chung thủy với bạn suốt đời.
Lời kinh có sức mạnh lớn lao 
Lời kinh có sức mạnh lớn lao 
Người Kitô hữu thường lần hạt Mân Côi. Khi lần hạt, chúng ta đang biểu lộ hình ảnh Hội Thánh cầu nguyện. 
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVI TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVI TN - năm B
Trong Mc 9,40 Đức Giêsu nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Còn trong Mt 12,30, Ngài lại nói một câu có vẻ ngược lại: “Ai không với tôi là chống lại tôi…”. Thật ra hai câu trên không mâu thuẫn.
Bí mật tòa giải tội
Bí mật tòa giải tội
Bí mật tòa giải tội (ấn tòa giải tội) là việc linh mục nghe hối nhân xưng tội, buộc phải giữ bí mật tuyệt đối mọi điều mà họ đã xưng ra với mình, không được tiết lộ bằng lời nói hay bằng cách nào khác và vì bất cứ...
Bao dung
Bao dung
Sách Dân Số ghi lại sự kiện hai ông Enđát và Mêđát, dù được ghi trong sách các kỳ mục nhưng không đến lều mà vẫn phát ngôn ở trong trại.
Làm cớ sa ngã
Làm cớ sa ngã
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu. Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông, tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXV TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXV TN - năm B
Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu ba lần loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh cho các môn đệ ở ba nơi khác nhau (8,31 ở Xêdarê Philípphê; 9,31 khi băng qua Galilê; 10,33-34 khi lên Giêrusalem lần cuối).