Bài Phúc Âm tuần này trình thuật, sau khi nghe Chúa Giêsu nói : “Tôi là bánh từ trời xuống”, đám đông dân chúng đã xầm xì, bàn tán trong nỗi hoài nghi. Họ nghe theo và a dua với những suy nghĩ của nhau, không đủ tỉnh táo để nhận ra chân lý xác thực, dù có thể trước đây họ đã xác tín chân lý đó nhưng đã mềm lòng thay đổi cho thuận ý những người xung quanh. Vì lẽ đó, không ít trong số họ đã đánh mất mình.
Đọc đoạn Tin Mừng, chợt nhận ra mấy ngày vừa rồi, cũng có liên tiếp những câu chuyện xoay quanh các đám đông.
![]() |
Đầu tiên là ồn ào việc hai cô gái trẻ thách nhau gặp mặt, kéo theo một đám đông mà như báo chí mô tả, lên đến hàng ngàn người, gây náo loạn cả con phố đi bộ của Sài Gòn, chỉ với một mục đích duy nhất và lãng nhách, là coi... chúng nói gì với nhau !
Vụ thứ hai mới xảy ra vào rạng sáng ngày 5.8 ở Bình Dương, trong một hiệu ứng tích cực, là hàng trăm người thức trắng đêm để tìm cách cứu hộ một cháu bé rớt giếng và mắc kẹt; những người không trực tiếp đào bới lại thầm thì nguyện cầu, hay tranh thủ vỗ về, chia sẻ với người thân của bé gái đang trong nỗi tột cùng lo âu.
Hai sự kiện quy tụ tự phát giống nhau, đều bắt đầu từsự lây lan cảm xúc một cách vô thức, nhưng với hai mục đích khác ngược nhau, cho thấy hiệu ứng đám đông sẽ trở nên có ích, giúp cho con người thăng hoa khi những chủ thể của nó hành động vì lợi ích chung, hướng thiện...; ngược lại, sẽ trở thành những tai họa của xã hội khi hiệu ứng này vượt ra ngoài khuôn khổ của các quy phạm xã hội.
Quy tắc Công nhận Xã hội thừa nhận rằng, mọi người có xu hướng thay đổi nhận định, quan điểm và hành vi của mình để phù hợp với những tiêu chuẩn của nhóm mà họ là thành viên. Càng có nhiều người thực hiện thì hành vi đó càng (được coi) là đúng đắn. Đây là một suy nghĩ khá nguy hiểm vì mang tính hai mặt (bởi chẳng may hành vi “được coi là đúng đắn” thực tế lệch lạc thì hậu họa sẽ khôn lường và dây chuyền). Có lẽ, đây cũng là thách đố của công việc mục vụ và hướng dẫn sống đạo hôm nay trong Giáo hội, nhất là với người trẻ, nhóm đối tượng thường bị lôi cuốn và hành động theo số đông.
Trong một bài viết đăng tại website của HĐGMVN, Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ thuộc HĐGMVN từng nhận xét : “Tâm lý đám đông đang ảnh hưởng tai hại đến đời sống đức tin và luân lý. Khá nhiều bạn trẻ lơ là với việc sống đạo vì họ lập luận xung quanh mình có nhiều người cũng thế. Nhiều bạn trẻ đua theo phong trào sống thử, phá thai, vì nghĩ rằng đó là một lối sống của xã hội mới, xã hội hiện đại và nhất là vì có rất nhiều người cùng quan điểm với họ. Họ đã đánh mất cảm thức về tội, không còn áy náy lương tâm khi phạm tội. Họ lợi dụng danh nghĩa tự do để làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ giống như người đã trót vấy bùn đen, tiếp tục nhấn chìm vì nghĩ đàng nào cũng đã nhiễm bùn rồi...” (http://www.hdgmvietnam.org/tam-ly-dam-dong/5329.95.5.aspx).
Một lời cảnh báo để lại nhiều nghĩ suy, lo âu...
Công Giáo và Dân Tộc
Bình luận