Thánh Nicôla sinh tại Patara, vùng Tiểu Á vào khoảng năm 270. Có giai thoại kể rằng, ở Patara, thuộc tỉnh Lycia, hai vợ chồng giàu có Anna và Euphêmiô vì không con đã cố gắng tìm an ủi trong công việc từ thiện. Thiên Chúa chúc lành cho lòng bác ái của họ. Cuối cùng họ có được một mụn con và đặt tên cho con là Nicôla, có nghĩa là “sự chiến thắng của dân”.
Cha mẹ mất sớm, Nicôla thừa hưởng một gia tài kếch xù. Nhưng ngài đã coi tất cả tài sản này như là những nén bạc Chúa cho vay để làm sinh lợi qua việc giúp đỡ, chia sẻ với người nghèo. Sau khi thụ phong Giám mục Myra ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngài được biết đến nhiều vì có đời sống rất khó nghèo và giúp những người bần cùng. Chẳng hạn, người kia có 3 cô con gái không lấy chồng được vì quá nghèo, thánh nhân biết thế nên đang đêm lẻn đến ném vàng vào cửa sổ nhà ông ta.
Năm 343, ngài tử đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những hành vi bác ái và rộng lượng của ngài lan rộng khắp nơi. Lòng tôn kính ngài ở mỗi nước mỗi khác và đượm những sắc thái riêng của các dân tộc: Ở Hy Lạp và ở Đức, ngài là bổn mạng của các nhà hàng hải; ở Pháp, đời các vua dòng Capétiens, ngài là quan thầy của vua, của các vị thẩm phán; ở Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ... ngài được coi là đấng bảo trợ cho khách du lịch và các trẻ em. Từ 930 năm nay, hài cốt thánh nhân được giữ tại Vương Cung Thánh Đường kính thánh nhân ở Bari, nam Ý. Thánh nhân được các tín hữu Chính Thống Nga đặc biệt tôn kính và nhiều người đến hành hương tại Bari.
Vào thế kỷ XIX, người ta phong cho ngài là ông già Noen - một người luôn mang trên mình túi quà thật to trong đêm Giáng Sinh. Thánh Nicôla được người dân Bắc Âu hình dung như một ông già phúc hậu, râu tóc bạc phơ đi trên chiếc xe tuần lộc, và leo xuống ống khói để phát quà vào đêm Giáng Sinh. Ông già Noen là biểu tượng của lễ Giáng Sinh, biểu tượng của yêu thương và lòng quảng đại đối với tất cả những người nghèo trên toàn thế giới.
Bình luận