Nhiều người nói vui đầu năm học là “mùa thu”, chữ “thu” mang hàm ý thu tiền, thu học phí, thu các khoản đóng góp này nọ. Năm nay, vụ cô giáo của một trường tiểu học “xin” phụ huynh hỗ trợ mua laptop trở thành tâm điểm dư luận và dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Nói cho cùng, chiếc máy tính xách tay chính là công cụ để giáo viên tiện bề soạn bài ở nhà cho nhanh. Cho nên, phụ huynh thương thì họ giúp, không thì thôi. Tại cuộc họp đầu năm, cô giáo đề nghị hỗ trợ chiếc laptop để phục vụ việc giảng dạy, và được các cha mẹ học sinh đồng ý. Khoản kinh phí 5-6 triệu đã được “duyệt”. Sau đó, cô chốt mua laptop 11 triệu, tự bỏ một nửa tiền. Thế là ồn ào, bất đồng.
Không ai đồng tình với cô giáo, nhưng cũng chẳng đáng chuyện bé xé ra to. Sự việc bị đưa lên mạng xã hội, lùm xùm rồi bị đẩy thành cao trào. Thầy cô, với đồng lương ít ỏi, lại chịu trách nhiệm dạy dỗ, gánh vác mọi phiền toái từ hàng chục đứa trẻ, đã là quá bao dung và tử tế. Nghề giáo bản chất cũng là một công việc. Trong quá trình làm việc lâu dài với khối lượng việc nhiều, giáo viên gặp sai sót cũng là bình thường. Nhưng đâu đó, người ta vẫn nhân những sự vụ lẻ tẻ mà phủi hết công sức, thành quả và đóng góp của từng thế hệ giáo viên.
Vụ cháy xe đưa đón học sinh vừa qua tại Thái Lan, nhân viên cứu hộ tìm thấy thi thể của cô Kanokwan Sripong - giáo viên trường Wat Khao Phraya Sangkharam - tay đang ôm chặt một học sinh nhỏ trong lòng… Cô giáo ấy còn quá trẻ, vừa trải qua 5 năm đại học, mới tốt nghiệp hồi tháng 9. Người ta nói đến lòng dũng cảm, đến sự hy sinh, ở vào những phút giây sinh tử cuối cùng. Tất cả đều đúng, nhưng đúng hơn là bản năng của một cô giáo, ở Thái Lan, Việt Nam hay bất cứ đâu, là dạy dỗ và bảo vệ học trò của mình, bằng bất cứ thứ gì, trong mọi hoàn cảnh.
Vì thế, chuyện xin laptop như sự cố đơn lẻ của một cá nhân mà thôi. Nó không phản ánh chất lượng đạo đức một nền giáo dục, càng không đại diện cho những người đang hy sinh, và sẵn sàng hy sinh cho những đứa trẻ.
Trước câu chuyện “cô giáo xin laptop”, một bạn đã chia sẻ rằng: “Mình là con giáo viên, hơn 30 năm, chỉ thấy mẹ mình may từng cái áo, dán từng quyển vở, bút sách để cho học trò nghèo… Rất nhiều hy sinh khiến mình tự hào và trân trọng vô cùng “nghề giáo” ấy của mẹ và bao thầy cô. Biết là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng vẫn thấy tủi thân thay cho mẹ…”.
Chuyện kính trọng thầy cô, có nhiều người cứ nghĩ phải là cái gì đó cao vời. Thực tế là, kính thầy cô vì họ đã dạy dỗ, giúp con cái chúng ta biết chữ, có kiến thức, chứ không phải vì họ phải sống một cuộc đời thanh bạch. Kính thầy cô là kính trí tuệ được truyền dạy. Đó là sự biết ơn, ai không biết ơn thì rất khó thành nhân…
HẢI YẾN
Bình luận