Thứ Tư, 10 Tháng Mười Một, 2021 20:34

Lễ là tảo mộ...

 

Mẹ đi quét mộ. Hằng năm, cứ vào tháng 11 đều như thế. Những buổi chiều, mấy chú bác, anh chị trong xóm đạo không ai rủ ai, lại lần lượt thăm nghĩa trang. Kẻ đi trước, người đi sau. Họ chào nhau í ới…! Kẻ xách xô, người mang cọ, giẻ lau, chậu hoa... Nhà nào sửa sang mộ phần của người thân thì chuẩn bị sớm trước vài tuần. Tất cả để sao cho ngày lễ khang trang nhất.

Dọn cỏ, làm sạch nghĩa trang trước dịp lễ Các Đẳng

 

Hồi học phổ thông ở quê, tôi cũng hay tới lui chốn ấy và lo trang hoàng mộ của họ hàng, kể cả những ông, bà đã từng sờ đầu, tấm tắc khen tôi trong những năm tuổi nhỏ: “Có chút xíu mà đọc kinh làu làu!”; “Con nhà ai sao lễ phép quá?” và phần mộ của những người không có người thân trông nom. Tôi nhớ bà Tư, bạn của ngoại. Bà hay ăn trầu, móm mém. Mỗi khi bà đi lễ hay đi việc gần nhà, tôi đều chạy ra dẫn bà sang sông, đi hết cả chiếc cầu dốc cao. Thấy bà mệt, tôi thường đến tạp hóa mua ít đồ dùng phụ, để bà nghỉ ngơi, trò chuyện với ngoại. Bà từng bảo: “hay là con đi tu?”. Tôi chỉ biết đáp: “dạ!”. Rồi năm đó, tôi vào đại học sư phạm. Bà động viên: “Bà sẽ sống tới ngày gọi con bằng thầy, hén! Cố học nghen con!”. Tôi sao dám mong được bà gọi bằng thầy, tôi thưa, bà Tư sống khỏe, để con lấy bằng khoe. Tiếc! Cuối năm thứ ba đại học, tôi hay tin từ quê nhà, bà mất. Bà sống một mình, không con cái, bệnh già chỉ có đứa cháu hàng xóm qua lại trông. Lúc bà đi, chẳng ai hay biết! Mỗi năm, vào ngày lễ Các Ðẳng hay mùng Hai Tết, với bó nhang trên tay, tôi luôn tới thắp cho bà, bằng tất cả lòng kính trọng. Cha mẹ, cô dì tôi đều có thói quen đi thắp nhang đều cho những người trong xóm đạo như thế. Tôi tự hỏi, biết đâu, các bậc đi trước cũng gắn bó ít nhiều với họ? Hoặc nếu không, đó cũng là nghĩa cử đẹp mà người ở lại có thể làm cho người đi trước.

Năm nay, trong Ðất Thánh có thêm mộ của bà nội. Bà không nằm cạnh ông, vì ông ra đi từ thuở đất nước còn chiến tranh bom đạn. Hơn năm mươi năm, bà lầm lũi để lèo lái, lo cho những mười ba người con, để ai nấy yên bề gia thất rồi bà nhắm mắt xuôi tay. Lúc tẩn liệm bà, các cô rưng rưng nước mắt. Cô Út còn ngất xỉu. Vậy mà, cha tôi và những người đàn ông khác, con của nội lặng yên. Tôi cố nhìn để muốn xem cha có khóc không, dù biết lòng cha đau nhói. Khi an táng xong, em gái tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Sao không thấy cha khóc?”. Mãi sau này, nghe mẹ kể, tôi mới biết nhiều đêm liền sau khi tiễn đưa bà, cha thức trắng. Ðể tránh phiền mẹ, cha ra khỏi phòng, ngồi bên cửa sổ. Mùi thuốc lá bay nồng nặc. Bà mất. Cha đau lắm, chỉ là không để các con nhìn thấy. Người đàn ông có cách bộc lộ niềm cảm xúc riêng của họ. Không nhất thiết đau khổ là khóc lóc. Buổi chiều gần tới ngày lễ cầu hồn, cha chạy xe chở mẹ cùng viếng mộ bà và những người thân. Mộ của nội xây cao, ốp bằng đá hoa cương. Cha cẩn thận quét dọn, kì cọ. Cha thay chậu hoa mới. Ngày lễ, vào thật sớm để cắm thêm một bình hoa cúc nữa, thế là xong.

Những ngày chưa xa gia đình, vào các dịp lễ Các Ðẳng, lễ giỗ ông bà, tôi thường hay theo cha hoặc mẹ vào Ðất Thánh. Càng lớn, càng xa quê, hơn nửa năm nay, chuyện đi lại thật khó khăn vì đại dịch, chỉ có thể hướng về tổ tiên trong tâm thức và dâng ý nguyện cầu xin cho ông bà. Tháng 11 về, chợt nhớ mùa tảo mộ, một nét đẹp trong văn hóa, đức tin của người tín hữu!

 

Anh Nguyên

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm