CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Bài đọc 1: St 18,20-32 ; Bài đọc 2: Cl 2,12-14 ; Phúc Âm: Lc 11,1-13
Trong thánh lễ sáng thứ năm ngày 16.6.2019 tại nguyện đường thánh Matta, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng rằng: “Cầu nguyện không phải là những lời nói mang tính ma thuật của những Kitô hữu. Khi cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa đang dõi mắt nhìn xem chúng ta. Lời cầu nguyện này phải là nền tảng trong đời sống thiêng liêng… Trong kinh Lạy Cha, có một điều rất quan trọng là: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Ðiều này có nghĩa là lời cầu nguyện phải chuyển tải được cảm thức của chúng ta muốn trở nên anh chị em, là những thành viên của một gia đình.
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay thuật lại việc môn đệ xin Ðức Giêsu dạy cho biết cách cầu nguyện, và Chúa đã dạy cho các môn đệ cầu nguyện bằng lời kinh Lạy Cha (Lc 11,1-4). Với lời kinh này, Người muốn mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha. Ðồng thời mời gọi sống tâm tình của những người con thảo và tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Cũng như sống tương quan thân tình với anh chị em trong đại gia đình nhân loại, bằng cách quan tâm các nhu cầu của nhau, và tha thứ cho nhau mỗi khi có sự bất hòa.
Lời kinh lạy Cha, Ðức Giêsu mạc khải Thiên Chúa là Cha
Với lời kinh này, Ðức Giêsu mạc khải cho biết rằng: Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ðây là một mạc khải quan trọng, bởi giúp chúng ta nhận ra khuôn mặt đầy tình thương của Thiên Chúa. Lời cầu xin của chúng ta hướng về Chúa Cha như người con cầu xin với cha của mình. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Tuy nhiên, để có thể gọi Thiên Chúa là Cha, cần có sự mạc khải của Ngôi Hai Thiên Chúa, như Ðức Giêsu đã khẳng định: “Không ai biết được Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho”, nghĩa là cho những kẻ bé mọn. (Mt 11,25-27). Như thế, với kinh Lạy Cha chúng ta được mạc khải về Thiên Chúa là Cha, và còn biết thiên chức của mình là người con (GLHTGC 2783).
Lời kinh lạy Cha, diễn tả mọi người là anh chị em với nhau
Có nhiều nơi mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, người ta có thói quen nắm lấy tay nhau để cùng tuyên xưng một niềm tin. Niềm tin về một Thiên Chúa là Cha. Chúng ta cùng nhau cầu xin Người, cho dẫu vẫn còn có nhiều khác biệt… Những khác biệt đó, đôi khi làm cho con người xa cách nhau, nó tạo ra những khoảng cách. Nhưng trong cùng một đức tin về Thiên Chúa, chúng ta được liên kết với nhau, nghĩa là tất cả đều là anh chị em của nhau, và có chung cùng một Cha trên trời. Suy nghĩ về điểm này cho ta thấy dường như không còn những khoảng cách giữa con người với nhau. Khi đó, chúng ta nhìn nhận mọi người xung quanh với một thái độ thân thương vì tất cả đều là anh chị em, tất cả đều đang được sự hướng dẫn và quan phòng của Cha chung ở trên trời.
Lời kinh lạy Cha, giúp ta tha thứ cho những lỗi lầm của nhau
Trong lời kinh Lạy Cha, Ðức Giêsu đặc biệt nhất mạnh đến ơn tha thứ (Mt 6,7-15), vì con người không thể sống nếu không có ơn tha thứ của Thiên Chúa và sự tha thứ mà chúng ta trao ban cho nhau. Chúng ta không thể sống với nhau nếu không tha thứ cho nhau, và cũng không thể “sống với” Chúa, nếu không được Ngài tha thứ. “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, đây là lời cầu xin tha thứ. Chúng ta xin Thiên Chúa tha thứ vì nhận ra mình là kẻ tội lỗi, đồng thời cũng tuyên xưng lòng thương xót của Người, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,14). Tuy nhiên, lời cầu xin chỉ được nhận lời, khi chúng ta cũng biết tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Tha thứ là đỉnh cao của kinh nguyện Kitô giáo; Thiên Chúa chỉ ban ơn cầu nguyện cho tâm hồn nào biết hòa nhịp với lòng thương xót của Người. Tha thứ còn minh chứng rằng trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các thánh tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Ðức Giêsu bằng cách này. Tha thứ là điều kiện căn bản để có sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa (2Cr 5,18-21) và giữa con người với nhau (GLHTCG số 2844). Dĩ nhiên, sự tha thứ này đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên không có giới hạn hay mức độ. Nếu đề cập đến xúc phạm, trong thực tế chúng ta luôn luôn là kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8).
Khi cầu nguyện là ở bên Chúa, lắng nghe và chuyện vãn với Chúa, chứ không phải thuyết phục Chúa làm theo ý muốn của chúng ta. Xin cho mọi người một tình yêu phó thác như Maria dưới chân Chúa, một tinh thần hy sinh quảng đại phục vụ như Matta.
Lm. Antôn Nguyễn Chân Hồng, OH
Bình luận