Là người Kinh sống ở một xứ đạo vùng Tây Nguyên, nơi có phần lớn người dân tộc Ba Na, tôi cảm nhận rõ nét đặc trưng riêng trong những thánh lễ ở đây. Thay vì hát bộ lễ Seraphim, ca đoàn sẽ hát bộ lễ riêng của họ với sự hỗ trợ của cồng, chiêng.
Vì không muốn giáo dân bị mất gốc nên cha chánh xứ vẫn mời gọi ca đoàn hát tiếng Ba Na trong các lễ lớn. Biết đàn organ, thỉnh thoảng tôi vẫn được ca đoàn người dân tộc nhờ đàn trong các thánh lễ vì thiếu nhạc công. Vậy là thánh lễ của người dân tộc mang đậm tính hội nhập văn hóa vì không chỉ có đàn organ mà còn có các nhạc cụ khác như trống, cồng, chiêng, múa xoang bộ lễ. Mỗi khi tiếng cồng chiêng cất lên, tôi thấy con tim mình rạo rực và như muốn nhảy theo điệu cồng tiếng chiêng ấy. Có một điều gì đó rất linh thiêng và vang vọng âm thanh của núi rừng đại ngàn - một sắc thái đặc trưng của vùng cao nguyên.
Theo dòng chảy của thời gian, giáo xứ ngày càng tiến bộ, văn minh hơn. Ngoài cồng chiêng còn có thêm đàn đá, đàn T’rưng… Những thanh âm trong trẻo ấy khi được kết hợp với nhau sẽ tạo nên dòng suối âm thanh vô cùng tuyệt vời. Nó khiến người nghe mê mẩn và chìm đắm trong điệu du dương, trầm bổng, khó dứt ra được. Ai đã từng nghe tiếng cồng chiêng, đàn đá, đàn T’rưng hòa với nhau, chắc hẳn còn muốn nghe lại nhiều lần nữa vì nó có một sức hấp dẫn và lôi cuốn kỳ lạ.
Mong tiếng cồng chiêng, tiếng đàn đá và các nhạc cụ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên sẽ không bao giờ tàn lụi trong các thánh lễ của người đồng bào. Tôi tin rằng tre già sẽ có măng mọc. Thế hệ trẻ sẽ tiếp nối công việc của cha ông. Nhất là họ sẽ gìn giữ và lan truyền những truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước để lại. Sẽ càng tuyệt hơn nếu như lớp trẻ ngày nay biết dùng những phương tiện truyền thông hiện đại để giới thiệu cho Dân Chúa trên mọi miền của tổ quốc, thậm chí cho bạn bè quốc tế, biết về nét đặc trưng của tiếng nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên.
KHÁNH NHƯ
Bình luận