Ngày 11.2.2025 sắp tới là ngày lễ Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Vào dịp này, Giáo hội hoàn vũ long trọng cử hành lễ nhớ Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã hiện ra với Thánh nữ Bernadette.
Ngày 11.2 cũng là Ngày Thế giới Bệnh nhân do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập năm 1992. Ngài chọn ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức làm ngày cầu nguyện cho các bệnh nhân để mọi người nhớ đến mối liên hệ đặc biệt giữa Đức Mẹ và những người đau yếu.

Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 (11.2.2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chăm sóc người bệnh và kêu gọi mọi người hãy trở thành “những nghệ nhân của sự gần gũi và các mối tương quan huynh đệ”. Ngài mời gọi các tín hữu hãy luôn nhớ rằng: “Người đau bệnh, người dễ bị tổn thương, và người nghèo là trung tâm của Giáo hội và cũng phải là trung tâm của mối quan tâm nhân bản và sự chăm sóc mục vụ của chúng ta”.
Sứ điệp cho Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 33, với chủ đề “Hy vọng không làm chúng ta thất vọng (Rm 5:5), nhưng củng cố chúng ta trong những thời gian thử thách”, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố trong bối cảnh Năm Thánh 2025 mang chủ đề “Niềm Hy vọng không làm thất vọng”. Sứ điệp tập trung vào ba cách đặc biệt mà Thiên Chúa luôn hiện diện và gần gũi với những người đau khổ: gặp gỡ, món quà và chia sẻ.
Theo đó, bệnh tật có thể khiến con người cảm thấy mong manh, nhưng đồng thời, đó cũng chính là cơ hội để mỗi người cảm nghiệm sâu sắc hơn về sự gần gũi và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã trải qua những đau khổ của con người qua Chúa Giêsu. Hơn nữa, chính đau khổ giúp mỗi người nhận ra rằng, hy vọng đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa. Hy vọng ấy là một món quà vô giá cần được đón nhận, trân trọng và vun trồng bằng chính lòng trung thành của mỗi người với Thiên Chúa.
Sứ điệp cũng khẳng định rằng những nơi đau khổ thường là nơi mà mọi người chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và làm phong phú đời sống tinh thần cho nhau. Để làm nổi bật điều này, Đức Thánh Cha đưa ra những câu hỏi mang tính suy tư sâu sắc: “Đã bao nhiêu lần chúng ta học được cách hy vọng bên giường bệnh? Có bao nhiêu lần, học được niềm tin qua sự gần gũi của chúng ta với những người đau khổ? Đã bao nhiêu lần mỗi người khám phá ra tình yêu khi chăm sóc những người đang cần?”. Những câu hỏi này không chỉ khơi gợi suy nghĩ mà còn là lời mời gọi mỗi người nhìn lại những trải nghiệm của bản thân, để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn.
Đỗ Lộc Hưng
Bình luận