Đối với người Việt Nam và người phương Đông nói chung, bàn thờ rất quan trọng, không thể thiếu ở mỗi gia đình. Riêng giới Công giáo, sau Công đồng Vatican II, ngoài bàn thờ Chúa thì bàn thờ gia tiên cũng được đặt trang trọng trong nhà. Những ngày Tết, nơi đây được quan tâm bài trí một cách ấm cúng và đậm hương sắc Xuân…
Với dân miền Nam, theo phát âm không phân biệt giữa chữ X và S, chữ V và D nên Tết đến, người ta thường chưng bốn loài trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài (đọc thành Cầu Dzừa Đủ Xài). Có nơi còn chưng thêm mấy trái sung với ý nghĩa mong muốn một năm sung túc. Ngoài ra, người ta còn có thói quen chưng mâm ngũ quả, tức năm loại trái cây trên bàn thờ, có thể là trái bôm, nho, bưởi, thơm, xoài, hoặc quýt, cam, lê, táo, thơm…
Tuy nhiên, nhiều gia đình ở Sài Gòn hôm nay không hẳn chỉ chưng các loại trái cây như trên mà còn phong phú hơn với nhiều “đặc sản” ngày Tết. Có nhà ngoài trái cây và hoa, còn chưng cả rượu, nước ngọt và bánh kẹo. Chị Nguyễn Thị Tân, 35 tuổi (ngụ Q2) chia sẻ: “Bây giờ dường như ít người để ý đến tên các món trái cây với ý nghĩa gì, mà có ai biếu món nào ngon, đẹp cũng đều mang ra chưng; nhiều nhà chưng cam, lê của Mỹ (không nghĩ là “cam phận” hay “lê lết” theo quan niệm dân gian)…”. Anh Nguyễn Quốc Việt (Q5) cũng cho rằng, hôm nay hầu như không còn người tin vào những loại trái cây chưng Tết có thế chi phối cuộc sống và công việc làm ăn của cả nhà trong suốt một năm. Có chưng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài hay trái sung mà bản thân mình lười biếng, không chịu đi làm, ăn chơi hoang phí, tiêu xài quá mức… thì cũng chẳng thoát khỏi túng thiếu nợ nần. “Ngoài bàn thờ đấng thiêng liêng, hiện nay trên bàn thờ ông bà, cha mẹ, người ta còn đặt những loại trái cây mà khi các vị còn sống vẫn thích, như ba tôi ngày xưa rất thích sầu riêng, tôi không ngần ngại đặt một trái sầu riêng nhỏ lên bàn thờ. Ai nói gì thì nói, mình sống tốt hẳn mình không thể mắc “sầu riêng”…”, anh Việt nói thêm. Còn bà Trần Thị Lê Thu, 60 tuổi (Q1) lại nói về trải nghiệm của gia đình mình: “Ngày trước người ta phải có bằng được cây mai trong nhà, biểu hiện của sự may mắn. Ba tôi trồng một chậu mai, trước Tết ông tước lá đi, bón thúc để sáng ngày mùng Một hoa nở rộ. Ông còn chặt một cành vào chưng trước bàn thờ để trong nhà có không khí Tết. Tuy nhiên, đời sống có lúc nào mãi yên ổn đâu. Có năm trong nhà cũng bệnh hoạn, làm ăn cũng trầy trật…”.
Ngày nay, không kể những gia đình đã có sẵn một chậu mai hay có điều kiện mua mai về chưng, thậm chí bỏ tiền gởi các nhà vườn dưỡng cây để Tết mang về, còn lại các nhà bình thường chỉ chưng một, hai bình hoa trên bàn thờ. Người Công giáo luôn thích hoa layơn, hoa huệ, cúc vàng, hoa lys..., như nhà chị Trương Bích Diệp (Q3) cứ Tết đến là chưng một bình hoa layơn hoặc hoa huệ trên bàn thờ Chúa, còn trên chiếc bàn nhỏ đặt ở phòng khách, chị bày đủ thứ bánh kẹo, hoa quả được biếu trong dịp này.
Sau Công đồng Vatican II, người Công giáo còn thắp nhang trên bàn thờ ông bà và cả bàn thờ Chúa. Tuy nhiên, hiện không phải ai cũng thích đốt nhang vì có những nhà không chịu được mùi khói. Và nếu có, họ cũng chỉ đốt rất ít và chọn sử dụng loại làm từ thảo dược, không ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.
Một cái Tết “có gì ăn nấy” hay “có gì chưng nấy” đã trở nên quá quen thuộc với nhiều gia đình hôm nay. Chưng bàn thờ Tết bây giờ vừa mang tính truyền thống, vừa hòa nhịp vào sự tinh tế và sáng tạo của gia chủ, miễn là mỗi nhà tìm thấy sự vui tươi và có không khí Xuân.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận