Đó chính thời bao cấp ở miền Tây sau ngày thống nhất đất nước, giao thời mới cũ đa đoan.
Phong trào thể thao, văn nghệ quần chúng phát triển với các đội nhóm nghiệp dư, nơi nào cũng có, xôm tụ rôm rả lắm. Đá banh, bóng chuyền, bóng bàn thi đấu thường xuyên ở xã ấp, sân cơ quan hay… sân ruộng, thu hút đông đảo bà con tham gia, thưởng thức. Đội văn nghệ trường học, cơ quan, xã… sinh hoạt nhộn nhịp, có dịp lại biểu diễn rầm rộ. Chuyện bán vé hiếm thấy ở tỉnh lẻ xa xôi.
Nhưng, hiếm chứ không phải không có: các đoàn cải lương về dựng rạp bán vé, loa phóng thanh khắp ngõ hẻm thông báo suất diễn. Đồng bào mê cải lương, ăn sâu trong lòng. Thời cuộc, hoạt động cải lương chuyên nghiệp gắn với các tên tuổi vang bóng bị mai một, đoàn hát nhập cuộc dần với các vở tuồng mới hay được nắn chỉnh cho phù hợp, cùng các tên tuổi mới. Tôi vẫn nhớ các đoàn cải lương Cao Văn Lầu, Hương Tràm… thường về các huyện mở suất diễn. Khá lâu rồi, nhưng mình không quên những nghệ danh ăn khách khi ấy như Phương Bình, Vương Bình, Hề Ốc… và các vở “Giọt máu oan cừu”, “Tìm lại cuộc đời”, “Đời cô Lựu”… thuộc danh mục ruột được diễn nhiều.
Rạp dựng bằng tôn, ván, vải… Đám trẻ chờ xả giàn ùa vào xem miễn phí, mà khi ấy thường thường đã gần vào đoạn kết! Không mua vé, chưa tới xả giàn, nhóc tỳ từng nhóm ngồi ngoài nghe tuồng vọng từ trong ra qua loa…
Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng được ái mộ lắm, có khi mấy chú ngẫu hứng cùng đoàn đá banh giao lưu với địa phương trên sân ruộng, bà con ùn ùn kéo ra xem còn hơn xem hát.
Ca cổ, cải lương, phông văn nghệ lâu đời của miền Tây mộc mạc, từ ngữ điệu, diễn xuất hình thể đến lối xây dựng kịch bản, nội dung…hợp với nếp nghĩ, gu nghệ thuật của nông dân. Các vở gìn giữ văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, chia sẻ những hạnh phúc đớn đau đời thường của từng số phận - đậm đà nhân văn. Người miền Tây không phải ai cũng mê hay thích ca cổ, cải lương khi thời đại mới cho nhiều lựa chọn thưởng lãm nghệ thuật với các khuynh hướng nhạc, phim ảnh… Nhưng, ngay với những ai từng quay lưng, chê, dị ứng cho rằng loại hình nghệ thuật ấy lạc hậu, quê mùa, đến độ tuổi nào đấy, đạt tầm trải nghiệm nào đó cũng quay về thẩm thấu nghệ thuật của nguồn cội qua từng điệu đàn, ca từ…, tìm thấy lối cảm thụ, triết lý, lý giải riêng về hiện thực của vùng đất quê hương qua loại hình nghệ thuật độc đáo. Cải lương, có thể nói, đúng vẻ đẹp mộc của nghệ thuật miền Tây.
Với người viết, ngay từ ấu thơ, hình ảnh nghệ sĩ phục trang công phu, giọng ca trầm bổng ngân vang, chân dẫm lên ván sàn sân khấu có khi rung rinh trong các động tác vũ thuật, rồi công nghệ của một thời dây nhợ ngang dọc kéo thả mic cho đúng tầm nghệ sĩ đến lượt thoại hay hát và tiếng nổ của máy đèn, dòng người chen vào rồi chen ra khi về… khó thể nào quên.
HẰNG SINH
Bình luận