Cái Rắn của tôi

Cà Mau, ngày 20-4-1994

- Anh Tám ơi, vít vồ kêu.

- Cám ơn.

Mình vô phòng Đức cha, ở đó đã có mặt cha quản hạt, Mười Râu và Vinh giò gà. Mình bấm bụng : Chắc là có biến cố lớn rồi.

- Tôi nhờ cha lâu lâu vô Cái Rắn làm lễ tiếp cha Mười. Ví dụ mỗi tháng một hai lần. Cha Mười đi lại nhiều, cực nhọc quá. Cần phải giữ sức, để làm việc về lâu về dài.

- Thưa Đức cha, xin Đức cha cho con vô Cái Rắn luôn. Phải ở thường xuyên mới thấy việc.

- Được, để tôi sắp xếp, vì cuối tháng Sáu có một số cha mới. Cha cứ tiếp cha Mười từ nay đến tháng Bảy.

- Thưa Đức cha, đến tháng Tám mà Đức cha chưa cho con bài sai đi Cái Rắn, thì con thôi không tiếp cha Mười nữa.

--------------------------------------------------------------------------------

Cái Rắn, ngày 8-5-1994

Hôm nay mình dâng thánh lễ đầu tiên tại Cái Rắn. Áo dòng, áo ốp, áo lễ của cha Mười, cái nào cũng rộng thênh thang. Nhà thờ chỉ có 160 mét vuông, mà sao không ngửi thấy mùi người ? Thoải mái thật ! Mình đếm vội vàng được 82 cái đầu, trong đó chỉ có hai cái đầu đàn ông ! Mình cũng đếm được chín cái cửa sổ. Cửa sổ mở 24/24, để gió bốn mùa ra vào tự do. Mái nhà thờ bằng lá dừa nước. Vách nhà thờ cũng bằng lá dừa nước. Hèn chi trong nhà thờ lúc nào cũng mát rười rượi như trong rừng dừa nước.

Mười Râu ơi, mình nhớ hôm cấm phòng tháng Tư cậu đã báo cáo :

“Nhà thờ Cái Rắn đã xuống cấp quá mức… Mái sụt hết gần một căn. Khi trời giông gió thì nước từ trên dội xuống, nước từ hai bên hông tạt vào… Con đã phải cố gắng để lợp lại. Giáo dân đóng góp được hai triệu rưỡi. Xin xỏ đây đó được một mớ. Tổng chi là gần 20 triệu”.

Tội nghiệp cho Cái Rắn ! Tội nghiệp cho cậu ! Và sẽ tội nghiệp cho mình !

--------------------------------------------------------------------------------

Cái Rắn, ngày 27-10-1994

6 giờ 30 sáng hôm nay mình nhận từ tay ông Hai Chuẩn, Phó Ban Tôn giáo Tỉnh; giấy chấp thuận của UBND Tỉnh cho mình thuyên chuyển về Cái Rắn theo yêu cầu của Đức Giám mục Cần Thơ. Mình xuống vỏ lãi đi liền. Cái Rắn ơi ! Từ nay ta với mình tuy hai mà một ! 8 giờ 20, hai chiếc vỏ lãi cập bến nhà thờ. Mấy chục nhí vỗ tay lép bép. Mình chui qua cổng chào làm bằng hai cây so đũa, phom phom tiến về phòng tiếp tân, nghênh ngang như võ sĩ múa gậy rừng hoang.

9 giờ mình mặc lễ phục vàng tiến vào "chuồng thờ". Đi trước mình là 16 linh mục đồng tế.

Trong khi cha quản hạt đọc thư bổ nhiệm, đại diện Hội đồng giáo xứ chào mừng, mình thả hồn đi lang thang. Mình được biết lực lượng Công giáo kháng chiến tỉnh Cà Mau đã làm lễ ra mắt ở đây. Linh mục Võ Thành Trinh đã đến làm lễ tại đây. Sau đó là những năm kháng chiến. Cái Rắn là một trong những căn cứ địa. Bom đạn cày xới...

Sau ngày thống nhất đất nước, các nữ tu Chúa Quan Phòng đến “cắm lều” ở đây. Khó khăn và thiếu thốn chồng chất đến mức độ họ muốn rời gót sen ra đi. Nhưng bỏ thì thương, vương thì tội… Mình cử hành thánh lễ một cách sốt sắng khác thường trong ngôi nhà lá này. Chúa ngự ở đây giống như ngày nào Ngài nằm trong hang đá Bêlem. Bỗng dưng mình thấy trìu mến cái “chuồng thờ” này quá chừng. Mình bắt đầu yêu Cái Rắn thật sự từ nơi này và từ giờ này.

--------------------------------------------------------------------------------

Cái Rắn, ngày 20-11-1994

Hôm nay mình hoàn thành cái hồ nước 20m3 . Phải có nước để uống, để tắm và để giặt. Xây hồ quá trễ nhưng vẫn hy vọng vào những trận mưa cuối mùa, đúng hơn là những trận mưa trái mùa. Mình mơ màng nghĩ lại những ngày qua. Nước mưa hứng mái lá vàng khè như nước chè thiu. Bà phước đi đổi nước, chìm xuồng, kêu ơi ới. Tắm một lần, giặt một lần mà thấy xót xa. Mình mời chánh quyền xã đến dự tiệc liên hoan để mình và cái hồ cùng ra mắt một lượt. Bà con bu đến để xem cái hồ, mỗi người phát biểu một ý.

- Cái hồ bự hết biết !

- Ông cố mình giàu quá ta !

- Ông cố xài nước mưa, còn mình thì uống nước đìa.

Câu nói của người đàn bà nào đó làm mình cụt hứng. Mình nhớ lại một bức tranh hí họa trong cuốn L'Anglais sans peine. Bức tranh vẽ hai vợ chồng đang "ừng ực" hai ly nước màu đen; hai nhí mặt méo xẹo đang nhìn hai ly nước màu trắng. Người vẽ ghi chú : "Cha mẹ thì uống bia, còn con cái thì uống nước lã" . Bỗng mình thấy cái hồ của mình trơ trẽn và vô duyên lạ thường.

Đúng thế, hầu hết giáo dân của mình đều xài nước đìa. Uống nước đìa, giặt nước đìa, tắm nước đìa. Chính tại cái cầu sàn lảng ấy, mình thấy người mẹ nọ giặt đồ, rồi vo gạo và rồi vớt nước lên rửa đít cho thằng cu tí.

Mình nghĩ đến những cây nước trong các xóm. Mỗi cây nước phục vụ được chừng 20 gia đình. Bản chiết tính thì đã nằm gọn trong đầu mình. Đóng sâu 110m thì giá l.800.000 đồng. Sau đó cứ đóng thêm một mét thì thêm 15.000 đồng. Thường thì ở vùng này chỉ đóng sâu từ 100-110m là có mạch nước tương đối tốt. Nếu tráng thêm cái nền xi măng xung quanh cây nước nữa thì tốn thêm 300.000 đồng. Cơm nước, thuốc hút và rượu cho thợ khoan tốn thêm 100.000 đồng nữa. Vị chi mỗi cây nước tốn 2.200.000 đồng. Mình hạ quyết tâm ăn xài chắt bóp để mỗi năm đóng cho dân được một cây nước. “Ông cố xài nước mưa, còn mình thì uống nước đìa”. Câu nói chua lè ấy sẽ cắn rứt lương tâm mình mãi cho tới khi Cái Rắn có được 10 cây nước.

--------------------------------------------------------------------------------

Cái Rắn, ngày 24-11-1994

Hôm nay mình đi thăm bà con trong ấp Cái Rắn A. Nhà nào mình cũng vào thăm, bất phân lương giáo. Mình quan tâm một số điểm :

1- Gia đình lương cũng như giáo đều có rất nhiều huân chương và bằng khen.

2- Lương giáo sống với nhau như anh em, tình nghĩa thật chan hòa. Người lương có nhiều thiện cảm đối với linh mục. Họ nói :

- Có ông cha về đây, chắc năm nay chúng tôi làm ăn khá ạ.

- Con có cha như nhà có nóc.

- Có ông cha, bà con xóm làng thấy ấm cúng.

- Hôm nay lần đầu tiên chúng tôi được ông cha đến thăm. Có lẽ từ thuở tạo thiên lập địa đến bây giờ mới có.

3- Dân ở đây nghèo. 70 phần trăm nhà cửa giống như những căn chòi : cột cặm, vách lá. 25 phần trăm có nhà cột kê. 5 phần trăm có nhà tường. Người lương giàu hơn người công giáo.

--------------------------------------------------------------------------------

Cái Rắn, ngày 22-12-1994

Một cụ già đến thăm mình. Cụ kêu ầm lên khi còn ở ngoài sân :

- Ông cha ơi, có ở nhà không ? Tôi đi tàu đò thấy người ta nói về ông cha nhiều quá, hôm nay tôi đến để coi mặt ông đây. Mình mời cụ già ngồi và đánh trống lảng sang chuyện khác.

- Bác làm ơn cho tôi biết tại sao ở đây gọi là Cái Rắn ?

- Thì ngày xưa rạch này có nhiều rắn lắm, nên người ta mới đặt tên như thế.

- Tôi nghe nói dường như tên rạch Cái Rắn còn bắt nguồn từ cặp rắn thần ở miếu Bà Chúa Xứ. Cái đó thì trúng hay trật bác ?

- Hồi trước giặc, ở đó có cặp rắn thật. Rồi sau giặc giã bom đạn, nó bỏ đi đâu hết. Tên Cái Rắn có trước, rồi sau này mới có cặp rắn ấy.

Câu chuyện giữa mình và cụ già đang đi vào tình cảm thì một anh chàng thanh niên cởi trần đi vào, vương theo mùi cay cay, nồng nồng.

- Ông cha mua máy cày cho dân đi, đừng đóng giếng, đừng xây cầu. No bụng thì uống nước đìa cũng được, chèo xuồng cũng được. Nghèo đói thì có cầu cũng chẳng leo nổi.

- Lấy tiền đâu mà mua máy cày ? Mua máy cày rồi thì ai quản lý ?

- Mua máy cày. Có máy cày thì dân mới hết nghèo được.

Lời nói của rượu, nhưng mình vẫn phải suy nghĩ. Mình được biết loại máy cày có công suất cao thì giá từ trăm triệu trở lên. Ngoài tầm tay. Vả lại nếu có máy cày thì liệu Hội đồng giáo xứ ở đây có khả năng quản lý không ? Bế tắc.

--------------------------------------------------------------------------------

Cái Rắn, ngày 24-12-1994

Hôm nay mình làm tờ báo cáo thiêng liêng. Như vậy là họ đạo của mình có 146 hộ. 501 tín hữu và 76 người chưa là tín hữu,

nhưng vẫn là thành viên của gia đình công giáo. 76 người trong gia đình công giáo chưa rửa tội ! Trong năm 1994, sổ rửa tội chỉ ghi có 2 em. Như vậy có nghĩa là hầu hết trẻ em sinh ra không được rửa tội. Như vậy cũng có nghĩa là hầu hết các đôi vợ chồng trẻ đều không lãnh Bí tích Hôn phối. Và đây là công việc của năm 1995.

Cái Rắn của mình nghèo quá, nghèo về cơm áo, nghèo về cả đức tin !

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Truyền giáo là yêu thương người tật nguyền
Truyền giáo là yêu thương người tật nguyền
Một trong các phương pháp truyền giáo đó là chăm sóc, yêu thương những người bệnh hoạn, tật nguyền như Đức Giêsu, dù phải trả giá.

Từ khổ giá đến vinh quang
Từ khổ giá đến vinh quang
Hắn thấy Đức Giêsu, thầy của hắn. Đức Giêsu đang quỳ trên bãi cỏ. Lưng cúi lom khom. Hai bàn tay bám chặt vào nhau. Đầu cúi xuống, đè lên hai ngón tay trỏ. Mồ hôi toát ra đầm đìa.
Bêlem đêm hôm ấy
Bêlem đêm hôm ấy
Thân xác của mình thì đang tĩnh tọa trong một căn phòng rộng bốn mươi mét vuông của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Nhưng tâm và trí lại đi lang thang trong “hang đá Bêlem đêm hôm ấy”.
Truyền giáo là yêu thương người tật nguyền
Truyền giáo là yêu thương người tật nguyền
Một trong các phương pháp truyền giáo đó là chăm sóc, yêu thương những người bệnh hoạn, tật nguyền như Đức Giêsu, dù phải trả giá.

Từ khổ giá đến vinh quang
Từ khổ giá đến vinh quang
Hắn thấy Đức Giêsu, thầy của hắn. Đức Giêsu đang quỳ trên bãi cỏ. Lưng cúi lom khom. Hai bàn tay bám chặt vào nhau. Đầu cúi xuống, đè lên hai ngón tay trỏ. Mồ hôi toát ra đầm đìa.
Bêlem đêm hôm ấy
Bêlem đêm hôm ấy
Thân xác của mình thì đang tĩnh tọa trong một căn phòng rộng bốn mươi mét vuông của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Nhưng tâm và trí lại đi lang thang trong “hang đá Bêlem đêm hôm ấy”.
Nhật ký Đức Giêsu P20
Nhật ký Đức Giêsu P20
Thầy chúc anh chị em có một tâm hồn bình an. Bình an của Thầy là niềm vui bất khuất trước mọi nghịch cảnh. Anh chị em sẽ cảm nghiệm lần lần thứ bình an này của Thầy.
Nhật ký Đức Giêsu: Đêm chia tay
Nhật ký Đức Giêsu: Đêm chia tay
Đêm nay sẽ là đêm cuối cùng. Ngày mai con sẽ thọ nạn để hoàn tất công trình cứu độ mà Cha đã trao phó cho con. Con quyết tâm tổ chức bữa tiệc vượt qua tại nhà bà Maria.
Nhật ký Đức Giêsu: Vườn Cây Dầu
Nhật ký Đức Giêsu: Vườn Cây Dầu
Ngồi trên lưng lừa con cảm thấy cô đơn lạ thường. Quần chúng thì vô tâm Vô tình. Ủng hộ đấy mà cũng đả đào đấy.Thương đấy mà cũng ghét đấy.
Nhật ký Đức Giêsu P17
Nhật ký Đức Giêsu P17
Đêm nay con nghỉ tại nhà ông Da kêu .Trong khi con đang cầu nguyện với Cha ở trên sân thượng này , thì ở dưới sân kia ,khách tiệc vẫn chưa về, và ở ngoài phố kia vẫn có người lãng vãng có ý rình mò .
Nhật ký Đức Giêsu P16
Nhật ký Đức Giêsu P16
Trẻ thơ nào cũng dể thương .Ai cũng yêu trẻ thơ , nhưng tuyệt nhiên chưa ai kính trọng trẻ thơ . người ta dạy trẻ thơ phải bắt chước người lớn.Nhưng con lại yêu cầu người lớn phải bắt chước trẻ thơ.
Nhật ký Đức Giêsu P15
Nhật ký Đức Giêsu P15
Ngoại tình là một trọng tội, nhưng khinh dể người ngoại tình thì tội nặng hơn. Loại trừ người tội lỗi là vô ích. Cứu vớt người tội lỗi là tất cả.