Với hàng trăm gian hàng bài trí san sát nhau, khu chợ đêm ở phố biển Phú Quốc níu chân du khách từ chạng vạng tối cho đến tận khuya. Trải nghiệm chính ở đây là chuyện khám phá ẩm thực địa phương và mua sắm…
Chiều chưa tắt nắng, các chủ hàng ở đã rục rịch bày biện, nhưng sự nhộn nhịp và đông vui chỉ thực sự bắt đầu từ sau giờ cơm tối. Nằm ngay ngã ba đường Bạch Đằng và đường Nguyễn Đình Chiểu của phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, toàn bộ chợ đêm gói gọn trong mấy con đường dọc - ngang chừng hai cây số, và có phần hẹp dần khi đi sâu về cuối. Nếu phải tả từ ngoài vào thì thật khó tìm ra điểm nổi bật để nhận diện so với các khu chợ đêm ở nhiều thành phố du lịch khác. Cổng chợ cũng chỉ nổi lên khi hệ thống đèn led được mở. Nghe đâu chợ này được hình thành sau khi hợp nhất hai khu chợ đêm nổi tiếng trên đảo ngọc trước đây là Dinh Cậu và Bạch Đằng vào cuối năm 2016.
Ăn…
Chúng tôi đến chợ khi phố mới lên đèn, sau bữa cơm chiều chủ đích ăn nhẹ, để “dành bụng” thưởng thức sản vật như lời dặn của một người bạn là dân địa phương. Dạo một vòng, có thể thấy các quầy hàng trong chợ chủ yếu chia làm hai khu. Khu trước chuyên về ẩm thực với nhiều các món ăn mang đặc trưng của phố biển. Khu sau bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, trang sức…
Ở khu đầu, hải sản được chế biến đủ kiểu, mua ăn tại chỗ hoặc đem đi đều được, trong đó phải kể đến món nhum nướng danh tiếng, cùng một số loại sò, ốc, cá… Ngoài ra là khá nhiều quầy kinh doanh sản vật địa phương như hải sản khô, nước mắm, tiêu… Từ đầu chợ, khách đã có thể ăn thử vô số món, từ kẹo sim, xoài chấm tiêu ngào đường, kẹo chỉ tơ hồng cho tới những miếng bạch tuộc nướng, những con ngao căng tròn dưới lớp mỡ hành… Ăn rồi không mua cũng không sao. Dân Nam bộ vốn hào sảng. Người sống trên đảo mưu sinh dựa vào thiên nhiên nên lại càng vô tư, thoải mái hơn nữa.
Có một điểm gây chú ý là nếu đếm từ đầu chợ trở vô, có đến 5-7 quầy bán món đậu phộng 30 vị, với lò rang tại chỗ và chưng xum xuê đủ các hũ đậu với nhiều màu lạ mắt. Trước khi khen sự kết hợp hòa quyện giữa những hạt đậu phộng giòn béo với lớp vỏ nhiều biến tấu, phải dành cho cách quảng bá sản phẩm này một lời khen. Đậu phộng thành phẩm được chia thành các túi mẫu thử nhỏ kèm địa chỉ gian hàng, được gởi đến mọi khách khi bước vào chợ đêm. Chúng tôi cũng lân la thử đủ 30 vị đậu và được nghe câu chuyện sáng tạo, làm thương hiệu nhiều ấn tượng. Có người gọi nôm na đây là đậu phộng ông Tây, vì “cha đẻ” của món này là một người đàn ông Pháp, lấy vợ là người xứ này. Hai vợ chồng ban đầu làm đậu rang với lớp vỏ phủ vị caramen, nhưng dần dà, sau khi thăm dò khẩu vị của khách thập phương, nay đã có 30 vị như capuchino, muối tôm, chanh dây, sầu riêng, ớt tỏi, dừa sáp, dâu, dưa lưới, lá dứa… Phong phú hương vị, quy cách đóng gói cũng chiếm được cảm tình của người nhìn, nên đậu thường được khách lựa chọn khi dạo chợ… Kế nữa, bánh khéo cũng là một món quen mà nhiều người ra Phú Quốc cố mua cho bằng được mang về làm quà, không chỉ vì nó như “thương hiệu bảo chứng” có đến Phú Quốc, mà còn bởi bánh có nhiều vị, dễ ăn, vẻ ngoài xinh xẻo..., với mỗi hộp được đóng sẵn có chừng chục loại khác nhau… Và còn có rất nhiều món ăn khác nữa, Đông Tây kim cổ, Bắc Trung Nam Cam Lào đều có đủ, đi 1/3 chợ chỉ thử thôi bụng đã no tròn, phong vị ở khu chợ của đảo xa như được góp về từ cả nước. Người bản địa giải thích, vì đặc điểm dân sống trên đảo là từ khắp nơi hội tụ, nên đem theo những món ngon quê mình ra góp mặt, bán buôn.
… và nhớ!
Bước sâu hơn vào chợ, tiếp theo khu hàng ăn, quà vặt…, du khách sẽ bị níu chân, sa đà vào những quầy hàng lưu niệm, trang sức… Nắm được tâm lý của phần đông khách là mong muốn món đồ lưu niệm mua về có dấu ấn cá nhân như khắc thêm tên, ngày tháng, hoặc một biểu tượng nào đó mình yêu mến hay gắn với tuổi, với tính cách, sở thích…, nên gần như gian hàng nào cũng kèm dịch vụ làm thêm miễn phí theo yêu cầu. Chẳng hạn khắc tên vào cái vòng đá, đề ngày sinh vào những vỏ ốc, hay gắn biểu tượng khách muốn vào chiếc ví da…
Lựa một chiếc bao bọc hộ chiếu và nhờ gắn vô hình tháp Eiffel để về tặng đứa cháu đang học chương trình Pháp, tôi có khoảng 15 phút chậm rãi đứng xem người thợ thao tác. Hai vợ chồng anh chủ gần như làm không ngơi tay, cô này cần gắn trái tim màu tím vào bao hộ chiếu, chị kia thích gắn bông hồng vàng lên chiếc bóp đeo màu nâu, anh nọ lại thích gắn cái chìa khóa tòn ten nơi bóp đựng giấy tờ, có một chị cắc cớ cứ lục tìm cho được cái ví màu xanh cổ vịt để nhờ đính cái bông màu hường lên… Đủ cả và cửa hàng chiều ý hết…
Mỗi gian là một vẻ riêng biệt, bởi sự khéo léo và mức độ sáng tạo thì chẳng ai giống ai bao giờ. Những món làm từ len dấy lên sự hoài niệm của một thời tự đan móc thập niên 80, 90 thế kỷ trước; đồ khắc gỗ lại khiến nhiều người khắc khoải nỗi nhớ của thuở học trò đi Sở Thú, Đà Lạt được cha mẹ cho mua những bức tranh gỗ có viết tên bằng bút lửa; còn bóp da bóp giả da có tua có chữ lại vọng về giai đoạn ai ai cũng xài hàng làm tay thủ công… Chỉ một góc phố đêm lại làm xôn xao bao tâm hồn, làm thích thú bao người lữ hành, cả khách nước ngoài cũng dành nhiều thời gian thăm thú khu vực này. Vậy là thành công rồi! Mà quả tình, khó ra khỏi chợ mà không thử món nào và không na về túi quà gì. Có người khi đi một vòng còn chưa “đã”, phải vòng tới lần thứ hai… Bởi nó rộn ràng và “có cái để thích, để mua” hơn nhiều kiểu chợ tương tự ở nơi khác.
Minh Hải
Bình luận