Không sạp, không mái, không biển hiệu, chỉ vài chiếc ghế, vài ngọn đèn dầu hắt bóng, vậy mà… thành chợ! Người bán, kẻ mua chỉ xoay quanh một mặt hàng duy nhất là nón lá và nguyên liệu làm nón. Chợ nhóm lúc 3-4 giờ sáng nhưng vẫn tấp nập, rổn rảng tiếng nói cười.
CHỢ NÓN TRĂM NĂM
Đó là chợ nón Gò Găng (Thị xã An Nhơn-Bình Định). Cũng vì lời giới thiệu quá thú vị của người bạn đất võ về một phiên chợ quê lập lòe trong ánh đèn dầu và chỉ hoạt động vài tiếng lúc gà gáy mà mới 3g sáng, mấy người chúng tôi đã đạp tung chăn, rồi trùm hai ba lớp áo để có mặt tại chợ nón lá Gò Găng.
Lối vào chợ nón Gò Găng lúc trời sáng |
Ban đầu, chỉ có dăm ba ngọn đèn lẻ loi in bóng mấy người bán hàng bó gối đợi khách. Rồi những âm thanh lao xao dần xuất hiện xóa tan đêm đen tĩnh mịch. Những khoảng trống hai bên vệ đường dần đông người. Cứ vài phút lúc lại thấy mấy chiếc xe đạp, xe máy chở theo từng chồng nón, có khi chục cái, có khi vài ba chục. Chuyện bán mua diễn ra dưới ánh đèn dầu chỉ đủ để người mua kẻ bán xem chất lượng nón và cũng để dễ thấy tiền trao qua thối lại. Người ta thẩm định chất lượng, định giá và ngã giá dưới ngọn đèn dầu lung linh trong màn đêm.
Theo chia sẻ của mấy chị bán nón, thường sau khi hoàn thành xong khoảng 10 - 20 chiếc nón, các bà, các cô lại mang đến chợ bán. Nón bán ở đây chủ yếu là loại nón thô, người ta chằm xong là đem bán. Người mua về quét dầu, gắn các loại quai nón hay những phụ liệu khác rồi bỏ lại cho bạn hàng đem đi các tỉnh. Bán xong nón, họ lại mua các vật dụng để làm những chiếc nón mới. Tất cả các nguyên vật liệu làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh từ lá nón, thanh tre, bó giang rừng cho đến sợi cước cũng đều có thể tìm mua ở chợ. Người vừa mới bán nón xong, nhanh chóng trở thành người mua. Ngoài ra, thi thoảng cũng có một số ít nón hoàn chỉnh như nón buôn, nón chũm hay nón ngựa (một loại nón nổi danh của Bình Định) được bày hàng. Theo người bán, nón ngựa đặc biệt bởi sự tỉ mỉ, công phu vì được kết bằng những vành tre chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mê sườn, bên ngoài phủ lớp lá kè non chằm bằng những mũi chỉ trắng muốt và đều đặn. Mặt hàng này thường họa hiếm.
Mua bán, đợi khách dưới anh đèo leo lét là nét đặc trưng của chợ nón |
Người bán người mua rất ít và đều quen biết nhau. Thế nhưng vẫn không thiếu nét đặc trưng của một cái chợ: có mặc cả, khen chê mắc rẻ tạo nên sự rôm rả. Những người buôn bán nón lâu năm ở đây cho biết, họ thu mua của bà con rồi chuyển đi các tỉnh lân cận, có lúc vào tới miền Tây. Mỗi phiên chợ, số nón thu mua được lúc cao điểm có thể lên vài ngàn chiếc.
Hơn 5 giờ sáng, cảnh bán mua dần thưa thớt và chợ tan vào khoảng 6 giờ sáng. Theo một cụ bà vào tuổi thất thập đang ngồi mua nón thì chợ này được truyền miệng là hình thành từ thời Tây Sơn. Giờ họp chợ có phần oái oăm nhưng đã thành lệ từ xa xưa nên mọi người cứ theo thói quen lưu giữ đến bây giờ. Móm mém nụ cười, bà Hoa bán nón hơn 50 năm tại chợ cho biết: “Nghề nón ở vùng này nổi tiếng lâu đời rồi. Khu chợ trước nay là chỗ tiêu thụ nón cho người trong khu vực. Người bán nón chủ yếu làm nông, lúc nông nhàn thì chằm nón bán kiếm thêm tiền chợ. Riêng tôi mấy chục năm quen với phiên chợ, cứ buổi nào mưa không đi được là y như đêm đó không tài nào chợp mắt”.
LƯU GIỮ NÉT VĂN HÓA BẢN ĐỊA
Thực ra, Bình Định không chỉ có nón Gò Găng, nghề làm nón truyền thống còn trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn); thôn Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn). Riêng thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) nổi danh với nón ngựa. Tuy nhiên, đầu mối chính về nón lại chỉ có Gò Găng.
Vài năm trở lại đây có thêm một số khu buôn bán mới trong vùng nên lượng người đến mua bán tại chợ nón Gò Găng có phần giảm, phiên chợ không còn giữ vai trò đầu mối tiêu thụ sản phẩm như trước. Bà Nguyễn Thị Tươi, người dân làng nón nhận định: “Chợ có thể không được sầm uất như những năm trước, nhưng chắc chắn cũng sẽ không biến mất. Vì mọi người không muốn để mai một nghề nón và phiên chợ độc đáo do tổ tiên gầy dựng”. Cũng cùng suy nghĩ, ông chủ hàng nón Nguyễn Văn Thuấn đã bày tỏ ý nghĩ về khu chợ quê: “Nếu không có chợ nón Gò Găng thì nhiều làng nghề làm nón lá truyền thống tại địa phương như Bình Đức, Tân Đức… không biết sẽ ra sao. Ngôi chợ này như một sự thôi thúc những nghệ nhân miệt mài chằm nón giữ nghề cha ông”.
Điều may mắn và không kém phần ấn tượng ở Gò Găng là không chỉ những cụ già hoặc phụ nữ luống tuổi mà còn có nhiều thiếu nữ cũng mặn mà với những phiên chợ nón. Không ít các cô gái tại các làng nón cũng học nghề ông cha và giữ thói quen ra chợ khi trời còn mờ tối. Chị Trần Thanh Mai, một thợ trẻ cho biết: “Theo nghề nón một cách chăm chỉ, nghiêm túc, nhất là có tay nghề cao thì có thể sống khỏe bằng nghề. Còn việc đi chợ đêm chẳng phải là điều quá cực nhọc mà đó là một thói quen và cũng cảm thấy hạnh phúc khi hàng mình làm ra được tiêu thụ ngay, hơn nữa có thể mang đến niềm vui cho người muốn tìm về một phiên chợ quê”.
Chợ nón lao xao một góc quê khi trời con mờ tối |
Nhiều du khách hoặc các đoàn du lịch cũng đã tìm đến chợ nón qua những chương trình quảng bá du lịch. Điều này cũng khơi gợi ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa địa phương nơi người dân địa phương.
Thấy chúng tôi hỏi chuyện, chụp hình, vài chị hóm hỉnh cho biết dạo này khu chợ được chụp nhiều hình lắm. Cũng có cô thiệt thà bảo mãi bây giờ mới biết chợ Gò Găng lọt vào danh sách các phiên chợ độc đáo… Vui chuyện dưới ánh đèn dầu, họ còn bắt chuyện và kể cho khách phương xa thêm nhiều nét văn hóa khác trên mảnh đất quê mình.
Ấn tượng Gò Găng thật khó quên!
MINH MINH
Bình luận