Giáng Sinh về, đoàn Dân Chúa đó đây lại tất bật việc chuẩn bị cho ngày lễ lớn của người Công giáo. Từ việc nhỏ đến việc lớn, mỗi người góp chút phần mình để tái hiện hang đá khi xưa, đem lại niềm vui ngày mừng Chúa ra đời hầu lan tỏa tình Chúa đến muôn nơi.
NẾP SINH HOẠT HẰNG NĂM
Anh Ðỗ Hoài Phong (Gx Hạnh Thông Tây, TGP TPHCM): Mỗi năm Giáng Sinh về, tôi lại tham gia các hoạt động của nhà thờ như đánh đàn cho ca đoàn hát lễ, biên đạo các tiết mục văn nghệ và lo hậu trường cho đêm hội diễn thánh ca của giáo xứ. Với tôi, tất cả những việc đó đã thành nếp sinh hoạt hằng năm và là niềm vui, dẫu phải mất khá nhiều thời gian chuẩn bị. Tôi về nhà mỗi ngày trễ hơn, mệt hơn, nhưng tinh thần hoạt động thì chẳng hề suy giảm. Hơn nữa, qua những công việc ấy, tôi lại có thêm nhiều người bạn dễ mến, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các anh chị trong nhóm và góp phần mình đem lại niềm vui cho mọi người trong đêm vọng Chúa Giáng Sinh. Ngoài ra, trong dịp đặc biệt này, tôi còn tham gia đánh đàn cho nhóm hợp xướng Lumen nữa. Năm nào cũng thế, Lumen mang đến cho mọi người những nhạc phẩm mới ngợi ca tình yêu Chúa. Việc này rất ý nghĩa vì chúng tôi giúp cho giáo dân có thêm niềm vui và qua lời hát, mọi người có thể cầu nguyện, cảm nhận tình yêu Giáng Sinh đang về.
NOEL CÀNG THÊM Ý NGHĨA
Chị Ngô Thanh Thúy Hằng (Gx Thanh Hóa, GP Xuân Lộc): Từ lúc còn nhỏ, tôi đã được tham gia múa diễn nguyện Giáng Sinh tại giáo xứ. Dù hầu như năm nào cũng múa nhưng mỗi năm chúng tôi đều được tập những bài múa theo các chủ đề khác nhau nên tôi vẫn thấy hồi hộp, nao nức như lần đầu. Năm nay, chúng tôi múa ca khúc “Chúa hãy đến” với những giai điệu du dương, đong đầy cảm xúc. Từng khúc nhạc, lời ca như lời nguyện cầu thiết tha thẩm thấu vào lòng và nâng tôi lên gần Chúa hơn. Tôi vui vì mình được đóng góp một tiết mục nhỏ - như một cọng rơm - để cùng với bao người dâng lên Chúa Hài Ðồng. Ðiều đó làm cho tôi cảm thấy mùa Noel càng thêm ý nghĩa và lễ mừng Chúa ra đời trở nên gần gũi.
TRẢI NGHIỆM THIẾT THỰC
Anh Hoàng Minh Duy Linh (Gx Ðông Quang, TGP TPHCM): Ðóng vai ông già Noel là nhiệm vụ chính của tôi trong lễ Giáng Sinh xứ đạo suốt mấy năm nay. Mặc lên người bộ đồ đỏ, đeo chòm râu trắng tuyết, vai vác túi quà đã được mọi người chuẩn bị trước, tôi xuất hiện là các bạn nhỏ xúm lại tíu tít. Các bé hớn hở nhận quà, người lớn xin chụp hình chung, khuôn mặt ai nấy đều cười rạng rỡ làm tôi ngập trong niềm vui. Ngoài ra, ở giáo xứ hằng năm đều có cuộc thi làm hang đá giữa các lớp giáo lý, tôi cùng các học viên của mình mới hoàn thành xong hang đá “Hành trình Bêlem” của lớp cho năm nay. Hang đá nhỏ được kiến tạo từ ý tưởng, bàn tay của mọi thành viên nên dù không được hoành tráng hay xinh đẹp vẫn là niềm tự hào của chúng tôi. Bằng những công việc nhỏ ấy, chúng tôi có những trải nghiệm thiết thực, ý thức mình là một phần của giáo xứ và có trách nhiệm cộng tác với mọi người xung quanh.
TIẾNG HÁT ÐEM NIỀM VUI
Chị Nguyễn Ðoàn Khánh Ngân (Gx Văn Côi, TGP TPHCM): Tham gia ca đoàn xứ đạo, tôi luôn cảm thấy hào hứng mỗi dịp Noel về. Những ngày chuẩn bị lễ, chúng tôi ráo riết tập luyện, mất nhiều thời gian hơn nhưng ai nấy đều rất vui bởi hiểu rằng qua tiếng hát, chúng tôi đem niềm vui và bình an đến cho mọi người. Tôi vẫn nhớ hoài lần đầu được đi hát ở nhà thờ lúc nhỏ, được đứng cùng mọi người trong đêm hát thánh ca, và từ đó yêu luôn mùa Giáng Sinh và thích những khúc nhạc Giáng Sinh. Bài hát mùa Giáng Sinh mà tôi thích nhất là Emmanuel. Ca khúc ấy là kỷ niệm gắn bó với tôi từ ngày còn ở ca đoàn thiếu nhi đến lúc trưởng thành, và mỗi khi được hát bài đó thì bao kỷ niệm lại ùa về. Tôi cảm thấy mình dù đã lớn, thời gian đã rất lâu, nhưng cảm xúc thì vẫn như trước. Năm nay, tôi không được hát cùng mọi người nữa vì phải theo gia đình đi nước ngoài. Cảm giác mùa lễ không được trọn vẹn. Vào ca đoàn để phục vụ, có lúc tập hát nhiều cũng thấy mệt mỏi, nhưng nhận được rất nhiều niềm vui và càng trân trọng những người đang cất tiếng hát trong mỗi thánh lễ nhiều hơn, đặc biệt là trong lễ đêm Giáng Sinh.
Trong các hang đá máng cỏ của chúng ta thường đặt nhiều tượng nhỏ biểu tượng. Trước tiên là những tượng người hành khất và những người không hề biết sự giàu sang nào ngoài giàu sang của tâm hồn. Cả họ cũng đứng gần Chúa Hài Ðồng Giêsu với đầy đủ danh nghĩa, và không ai có thể trục xuất họ hoặc đẩy họ ra xa khỏi một chiếc nôi được thực hiện đột xuất như thế, những người nghèo quây quần quanh nôi mà không cảm thấy xa lạ. Ðúng hơn, những người nghèo là những người được đặc ân về mầu nhiệm này, và nhiều khi họ là những người thành công hơn trong việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Những người nghèo và những người đơn sơ trong hang đá máng cỏ nhắc nhớ rằng Thiên Chúa làm người cho những người cảm thấy cần tình thương của Chúa hơn và cầu xin sự gần gũi của Chúa. Chúa Giêsu, “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29), sinh ra trong khó nghèo, đã sống một cuộc đời đơn sơ để dạy chúng ta đón nhận điều thiết yếu và sống cho điều ấy… (trích Tông thư Dấu chỉ lạ lùng của Ðức Thánh cha Phanxicô về ý nghĩa và giá trị của máng cỏ) |
MAI LAN (thực hiện)
Bình luận