Xưa và nay, những chuyện tranh luận về văn hóa thường không có kết quả mong muốn, bởi rất dễ bị sa vào tâm lý cao thấp. Do đó, sau nhiều suy ngẫm nghiên cứu, các kết luận khoa học mới thống nhất trong văn hóa không có cao thấp, hơn kém. Văn minh thì có sự phân biệt trên dưới, ngược lại văn hóa thì không, tất cả đều bình đẳng về giá trị và cần được tôn trọng.
Ấy vậy mà tư duy cao thấp xem ra vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Trái lại có khi lại được đem vào các dự định ứng xử để ban hành. Rõ nhất là việc Hà Nội đang xây dựng quy định về chuẩn mực văn hóa liên quan đến phát ngôn của cán bộ, công chức thành phố, trong đó có dự thảo người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố không được nói tiếng địa phương. Lập tức dự thảo gây ra nhiều tranh luận, phản ứng.
Có lẽ các nhà hoạch định dự thảo sa vào tư duy cao thấp trong văn hóa. Người ta nêu vấn đề cơ sở nào để khẳng định ngôn ngữ của Hà Nội là mang tính chuẩn mực và đại diện cho khu vực? Bởi bản thân Hà Nội cũng là một địa phương như bao địa phương khác. Có chăng người Hà Nội phát âm được nhiều người cảm nhận dễ nghe hơn các vùng khác mà thôi! Chính vì thế, không thể lấy âm điệu của địa phương này áp dụng đại trà cho mọi nơi khác. Hơn nữa, nhóm dự thảo cũng quên đi tính chất hội nhập của thủ đô, vốn là nơi quy tụ nhiều thành phần cư dân của cả nước, nên thật khó áp đặt tiêu chí “không được nói tiếng địa phương” với mọi người.
Sở dĩ có tranh luận còn là vì ngôn ngữ dự thảo cũng có vấn đề. Thuật ngữ “tiếng địa phương” phải được hiểu và cụ thể hóa ra sao? Nếu “tiếng địa phương” được hiểu là “phương ngữ” cho một nhóm cư dân chung các đặc điểm văn hóa sử dụng mà khi thoát ra khỏi không gian văn hóa đó, những người ở vùng khác không hiểu được thì chẳng có gì phải bàn cãi. Ngược lại, nếu thuật ngữ “tiếng địa phương” được hiểu là “giọng” (accent) thì đúng là không ổn. Chẳng hạn, một người nói “accent” Nghệ An, nhưng mọi ngôn từ đều chuẩn mực, người nghe hiểu và không bao giờ thắc mắc. Thế mới thấy, trong các quy ước ứng xử, nên sử dụng chính xác các khái niệm cần diễn tả.
Người ta còn lo ngại xa hơn, nếu quy định này được thực hiện thì việc phát huy và dùng nguồn lực nhân tài của thủ đô sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, đây là vùng đa dạng văn hóa và thành phần cư dân. Nhiều người tài bốn phương hội tụ nơi đây để làm việc và phát triển, nay có lẽ nào vì “tiếng địa phương” của mình mà tuột đi mất cơ hội việc làm và tiềm năng phát triển?
Ngôn ngữ là một dạng bản sắc của văn hóa, không phân biệt cao thấp. Bởi vậy, khi còn tư duy cao thấp trong ngôn ngữ nói riêng và trong văn hóa nói chung, thật khó nói tới sự hội nhập và phát triển!
Ngô Quốc Ðông
Bình luận