Đất nước mình trải dài địa dư cũng như trải dài văn hóa, từng vùng miền địa phương dung chứa gói ghém các tầng sâu hồn vía tiền nhân, mỗi dịp lễ hội lại tạo cơ hội bộc lộ giá trị ẩn tàng trong các tầng sâu ấy, như Lễ hội Dạ cổ hoài lang 2022 vừa diễn ra ở Bạc Liêu…
Sự kiện nằm trong khuôn khổ “Ngày hội văn hóa du lịch và Lễ hội Dạ cổ hoài lang 2022” nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu.Nét văn hóa mang bản sắc địa phương đã được Unesco công nhận là “văn hóa phi vật thể của nhân loại” vào năm 2014 được đẩy lên hòa quyện trong văn hóa chung các vùng miền địa phương, trong chuỗi 14 hoạt động rộn ràng mang tính kích hoạt kinh tế - xã hội, phát triển du lịch địa phương gắn với liên kết vùng diễn ra từ 27 đến 29.11.2022: Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội chợ triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, diễu hành xe cổ... Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” tạo phông nền văn hóa đặc sắc cho hết thảy các hoạt động mang tính quảng bá mạnh mẽ sau đại dịch, trong năm du lịch quốc gia 2022.
![]() |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều quan khách bộ ngànhtrung ương đã về dự lễ khai mạc vào tối 27.11 tại quảng trường Hùng Vương - TP Bạc Liêu, nơi diễn ra màn bắn pháo hoa tầm thấp rực rỡ trong 30 phút. Chương trình ngày hội được trực tiếp trên nhiềukênh truyền hình cũng như thu hút đóng góp tài năng của 500 nghệ sĩ nghệ nhân đến từ các tỉnh thành.
Điểm nhấn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật bản Dạ cổ hoài lang lột tả thần thái bản dạ cổ được lưu hành rộng rãi vang vọng từ đầu thế kỷ XX bởi nhạc sĩ tài danh Cao Văn Lầu, trên nền nhạc dân tộc, vũ điệu tuyệt mỹ uyển chuyển của các nghệ sĩ trong trang phục truyền thống, trong sắc màu ngày hội. Qua truyền thông, cũng như tương tác trực tiếp, sinh khí ngày hội, thần thái Dạ cổ hoài lang tỏa rộng lắng sâu. Hàng ngàn du khách đã có mặt tại thành phố Bạc Liêu trong dịp này.
Bản Dạ cổ hoài lang, theo một tài liệu lưu hành rộng rãi và thường được viện dẫn, đã xuất hiện vào năm 1919, thời thuộc Pháp. Ông Cao Văn Lầu, trong hoàn cảnh lễ giáo phong kiến còn thịnh trong quan niệm hôn nhân, gia đình, đã bị gia đình ép bỏ quan hệ vợ chồng với người hôn phối yêu quý đã gắn bó ba năm để lập hôn nhân mới, bởi lý do người vợ trẻ không sinhcon. Ông đau xót thương vợ và không chấp nhận, gởi hôn thê ở một nơi, cảnh chia cắt khiến cả hai nhớ nhung khôn xiết, quặn đau. Tâm trạng người nghệ sĩ tài hoa diễn cảm nỗi lòng người vợ trẻ với sự thấu hiểu, qua cung đàn và ca từ day dứt, quặn thắt, rơi vào nỗi niềm thuộc về kinh điển nghệ thuật Việt từ xa xăm cũ: nỗi lòng người phụ nữ xa người yêu, xa chồng, của chinh phụ, cho dù nghệ sĩ không chia cắt vợ bởi khoác chiến bào.
Các tài liệu cũng ghi nhận sự phát triển hoàn thiện dần qua các phiên bản âm nhạc để có vọng cổ tròn vẹn cho tới ngày nay, được biểu diễn khắp nơi cả trong nước và hải ngoại, bởi nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh. Giai điệu “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng, vào ra luống trông tin chàng…” đã thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, góp giá trị từ vùng đất Bạc Liêu vào bản sắc Việt Nam.
Xứ sở Việt Nam có nhiều lễ hội, song để tôn vinh tình nghĩaphu thê son sắt, một nét nhân văn muôn đời của nhân loại, một nhân tính cao cả, diễn tả nỗi niềm người phụ nữ, như ông Cao Văn Lầu diễn tả trong Dạ cổ hoài lang - được đẩy cao lên thành lễ hội, chỉ có một. Ở vùng đất xa xôi về phương Nam của đất Việt, nơi từng được biết đến như chốn heo hút bậc nhất, xã hội sinh tồn trên nền phù sa mặn cùng nhiều thử thách nghiệt ngã bởi lịch sử cùng tự nhiên, có một lễ hội tôn vinh tình nghĩa phu thê…
Lấy văn hóa làm căn bản, đi lên từ văn hóa, chính hồn vía của Ngày hội văn hóa du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang vừa diễn ra ở Bạc Liêu, nơi hơn trăm năm sau ngày nhạc sĩ Cao Văn Lầu rứt ruột sáng tácbài Dạ cổ, những cảnh đời, tâm trạng, bi kịch tình cảm tình yêu, chia cắt phu thê…không phải không còn. Đây đó vẫn vọng vang những ca từ cũ với nỗi niềm mới của một niềm đau: “Em luống trông tin chàng, cho gan vàng quặn đau í a. Đường du xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…”.
NGUYỄN THÀNH CÔNG (Bạc Liêu)
Bình luận