Sẻ chia yêu thương và đem lại niềm vui cho những anh chị em đang trong cảnh khốn cùng là mục đích của mọi hoạt động bác ái xã hội đã, đang và sẽ được thực hiện ở nhiều nơi. Song, bên cạnh những hoạt động trợ giúp tức thời, cũng cần có nhiều chương trình nâng đỡ có tính bền lâu để người khó khăn có được chiếc “cần câu”, hầu có thể nhờ đó mà tự đứng lên, bước qua chông gai, xây dựng cuộc sống ổn định cho bản thân, gia đình.
CẦU MONG MANG LẠI HẠNH PHÚC, NỤ CƯỜI
Chị Maria Nguyễn Thị Hồng Tuy (Gx Bình Quý, GP Nha Trang): Tôi bắt đầu đến với công việc thiện nguyện từ hơn 10 năm qua, từ cái thời mà mạng internet chưa phát triển mạnh như bây giờ. Chương trình đầu tiên tôi giúp là hỗ trợ học bổng cho các em từ lớp 1 đến lớp 12, giúp các em tập vở, bút viết, giày dép, xe đạp, xuyên suốt trong 6 năm. Không có hội đoàn hay kế hoạch tổ chức chuyên nghiệp, tôi dùng kinh phí cá nhân để thực hiện niềm yêu thích của mình. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, khi nuôi con tôi cũng gặp rất nhiều thiếu thốn nên luôn cảm thấy thương cảm sâu sắc với những người cùng cực trong cuộc sống. Tình thương trong lòng thôi thúc mình phải làm điều gì đó cho họ. Thế nên, khi biết ở đâu có người khuyết tật, khó nghèo là lại tìm mọi cách giúp đỡ bằng những việc như trao quà, học bổng, giúp sửa nhà cho các bà mẹ đơn thân… Mùa dịch Covid vừa rồi tôi cũng ủy lạo những người bán vé số, trẻ em mồ côi không có thu nhập, tổng cộng khoảng 500 phần quà. Tất cả những việc nghĩa tôi làm chỉ mong làm sáng danh Chúa bằng những gì bản thân có.
DÁM ÐƯA TAY RA
Chị Tống Thị Ngọc Ánh (Gx Bùi Chu, GP Xuân Lộc): Mỗi năm, vợ chồng tôi đều dành ra một khoản thu nhập để hoạt động bác ái thông qua các tổ chức thiện nguyện, các linh mục. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình có thì mình cho người túng quẫn một phần để họ vượt qua khó khăn. Không thể dành hết tâm sức của bản thân để hoạt động bác ái thì tôi góp phần nhỏ của mình cùng với bao người. Dù là giúp tức thời hay giúp lâu dài thì đều là việc tốt, nên không cần phải so sánh hay phân biệt. Những tổ chức, đoàn thể có chuyên môn, có đủ nhân lực, vật lực thì xây dựng chương trình dài hơi, còn các cá nhân như tôi thì giúp được ai là giúp. Mỗi người đều có thể đồng hành nâng người khác vượt qua khó khăn miễn là chúng ta dám đưa tay ra và cho đi cái mình có.
TRUYỀN NGHỀ CHO NGƯỜI CẦN TRỢ GIÚP
Chị Nguyễn Mai Tường Vân (Gx Bến Hải, TGP TPHCM): Ðể tổ chức một chương trình bác ái có tính chất nâng đỡ lâu dài cho người nghèo cần nhiều thời gian, tâm sức, kinh phí nên là điều khó thực hiện theo suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, cách đây không lâu tôi có đọc được trên báo CGvDT bài viết về chị Trần Thị Ngọc Phượng, một người thợ may ở xứ đạo Hàng Sanh, TGP TPHCM. Chị ấy yêu nghề và dạy nghề may miễn phí cho các bạn gái, phụ nữ có gia đình, các nữ tu hay bất kỳ ai có nhu cầu muốn học. Nhiều người trẻ nhờ học từ chị mà có thêm cái nghề đảm bảo cuộc sống. Trường hợp này cho thấy mỗi chúng ta trong khả năng của mình đều có thể giúp người nghèo vươn lên và phát triển bền vững về sau. Thợ may dạy nghề may, thợ điện dạy nghề điện… truyền nghề cho người cần trợ giúp, dẫu chỉ là một người, chính là cách hỗ trợ thiết thực để họ có cuộc sống tốt hơn.
GIÚP CON CÁ RỒI TRAO CẦN CÂU
Anh Nguyễn Trần Hoàng Vân (Gx Long Thành, GP Xuân Lộc): Người Công giáo thường tổ chức các chương trình bác ái đó đây để giúp đỡ cho bà con nghèo, khuyết tật. Tôi nghĩ, bên cạnh các hoạt động trợ giúp tức thời như đa số các đoàn đang thực hiện, thì cũng cần có những chương trình dài hơi như tạo việc làm, dạy nghề, khuyến học cho trẻ… nhằm nâng đỡ họ lâu bền, để họ có khả năng “tự lực cánh sinh” về sau. Tuy vậy, trước mắt vẫn cần phải giúp họ “con cá” để họ vững bụng và có sức rồi mới tiếp tục trao cho họ “cái cần câu”. Ðây cũng là cách cụ thể mà Caritas và nhiều xứ đạo đang thực hiện. Thực thi bác ái cho tha nhân là điều tốt, dù là trợ giúp tức thời hay dài lâu. Thế nhưng, nếu có thể thì tốt nhất nên xây dựng một chương trình giúp người khó khăn thoát ra khỏi khốn cảnh đang bủa vây để vươn lên và đứng trên đôi chân của mình. Nhờ đó, họ sẽ không còn mặc cảm, tự ti và thêm nỗ lực kiến tạo một cuộc sống tốt hơn.
“Tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, trước tiên là trách nhiệm của từng người Kitô hữu, nhưng cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Hội Thánh, đó là nghĩa vụ của mọi cấp: từ cộng đoàn địa phương đến Giáo Hội cùng miền cho đến Hội Thánh hoàn vũ như một tổng thể. Hội Thánh, trên phương diện là cộng đoàn, phải thực thi bác ái. Ðể được như vậy đòi hỏi việc bác ái cũng có tổ chức như tiền đề cho một sự phục vụ chung có trật tự. Trong Hội Thánh, ngay từ ban đầu, ý thức về trách nhiệm này đã mang đặc tínhxây dựng:“Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm cửachung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”(Cv 2,44-45). …Theo dòng thời gian và với sự bành trướng dần dần của Hội Thánh, việc thực thi bác ái, công tác Bác ái (caritas), được xác định như một lĩnh vực căn bản cùng với việc ban phát bí tích và việc rao giảng Lời Chúa: việc thực thi bác ái đối với các góa phụ và trẻ mồ côi, với các tù nhân, với các bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức, thuộc về bản chất của Hội Thánh cũng y như việc phục vụ bí tích và rao giảng Phúc Âm. Hội Thánh không thể chểnh mảng trong việc thực thi bác ái cũng như chểnh mảng với bí tích và Lời Chúa.” (Trích Thông điệpDeus Caritas Est - Thiên Chúa là Tình yêucủa Ðức Thánh Cha Bênêđictô 16) |
MAI LAN (thực hiện)
Bình luận